THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:22

Hiệu ứng yoyo khiến cơ thể giảm cân thành công rồi lại mập lên như cũ

Ngày nay có rất nhiều người, đặc biệt là các ngôi sao và diễn viên, do đặc thù công việc nên phải giảm cân trong thời gian ngắn nhất có thể. Nhưng sau đó họ lại có xu hướng tăng cân trở lại quá nhanh, đôi lúc còn mập hơn cả trước khi giảm cân nữa. Đây được gọi là hiệu ứng yoyo – một tình trạng gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.

Hiệu ứng yoyo là gì?

Hiệu ứng yoyo – một thuật ngữ được học giả Kelly D. Browney tại Đại học Yale (Mỹ) đặt tên, ám chỉ tình trạng bạn ăn kiêng để giảm cân, sau đó lại tăng cân rồi lại ăn kiêng thêm lần nữa. Một vòng tròn tăng giảm cân nặng liên tục được ví như chuyển động của chiếc yoyo, cứ lên xuống mãi không ngừng.

Vừa giảm cân xong nhưng sau đó lại béo lên trông thấy, hãy cẩn thận vì đó là hiệu ứng yoyo đầy nguy hiểm cho sức khỏe - Ảnh 1.

Cứ ốm xuống rồi lại mập lên, chị em hãy cẩn thận với hiệu ứng yoyo đầy nguy hiểm cho sức khỏe.

Khi lượng calo bạn ăn vào quá thấp so với bình thường, cơ thể sẽ tự chuyển thành trạng thái "nghỉ và tiêu hao rất ít năng lượng để đảm bảo sự sống. Lúc này cơ thể sẽ giảm cân rất nhanh, nhưng sau khi bạn ăn uống bình thường trở lại thì khả năng hấp thụ chất béo của các mô cơ đồng loạt tăng cao nhằm dự trữ năng lượng cho lần "nghỉ" sau. Hậu quả là cân nặng tuy giảm xuống nhanh nhưng sau đó lại tăng cao hơn cả ban đầu.

Tác hại của hiệu ứng yoyo lên cơ thể

Tình trạng cân nặng biến động quá nhiều, cứ giảm rồi tăng có thể mang tới nhiều tác hại cho sức khỏe nhiều hơn bạn nghĩ. Cụ thể là:

1. Tăng nguy cơ mắc bệnh tim

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, họ đã xem xét dữ liệu của 6.748.773 người từ năm 2005 – 2015 để đánh giá tác hại của hiệu ứng yoyo. Kết quả cho thấy, có 54.785 người đã tử vong, 22.498 bị đột quỵ và 21.452 bị đau tim.

Các chuyên gia nhận định rằng, hiệu ứng yoyo sẽ làm cân nặng, huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu biến động quá nhiều, dẫn đến nguy cơ tử vong cao đến 127%, nguy cơ đau tim lên 43% và đột quỵ là 41%. Một đánh giá nghiên cứu khoa học khác cũng cho biết, sự thay đổi quá nhanh về cân nặng trong thời gian ngắn cũng làm tăng gấp đôi tỷ lệ tử vong do bệnh tim.

2. Làm vòng 1 bị chảy xệ

Vừa giảm cân xong nhưng sau đó lại béo lên trông thấy, hãy cẩn thận vì đó là hiệu ứng yoyo đầy nguy hiểm cho sức khỏe - Ảnh 2.

Giảm cân quá nhanh là nguyên nhân hàng đầu khiến ngực bị chảy xệ dù tuổi còn rất trẻ.

Thực đơn ít calo tuy có thể giúp chúng ta giảm cân nhanh chóng thật, nhưng đồng thời cũng khiến cho ngực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hậu quả của việc giảm cân quá nhanh sẽ làm vùng da ở ngực bị giãn ra và chảy xệ, làm mất đi sự săn chắc vốn có. Vậy nên muốn giảm cân thì hãy giảm từ từ để cơ thể kịp thay đổi và thích nghi.

3. Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Theo một nghiên cứu trên chuột cho thấy, những con mắc phải hiệu ứng yoyo trong 12 tháng liên tục đã tăng mức độ insulin cao hơn hẳn so với những con tăng cân đều đặn. Mà insulin tăng cũng đồng nghĩa với việc có khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2. Ngoài ra, hiệu ứng yoyo còn làm tăng mỡ bụng – một yếu tố dẫn đến bệnh tiểu đường cao hơn hẳn các chất béo ở những vị trí khác như tay, chân, hông…

4. Tăng nguy cơ bị gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ là tình trạng mà cơ thể dự trữ quá nhiều chất béo ở gan. Chứng này thường xuất hiện khi bạn béo phì quá mức, đặc biệt là khi tăng giảm cân liên tục như hiệu ứng yoyo. Nếu không đề phòng sớm, nó có thể dẫn đến bệnh tiểu đường và xơ gan đầy nguy hiểm.

5. Làm mất khối lượng cơ bắp

Khi ăn kiêng, cơ thể sẽ mất cả khối lượng cơ bắp lẫn lượng mỡ thừa. Nhưng khi tăng cân trở lại do hiệu ứng yoyo, chỉ có lượng mỡ mới tăng mạnh hơn còn lượng cơ vẫn chưa kịp hồi phục. Tình trạng mất cơ bắp này có thể làm giảm sức mạnh thể chất của bạn.

Vừa giảm cân xong nhưng sau đó lại béo lên trông thấy, hãy cẩn thận vì đó là hiệu ứng yoyo đầy nguy hiểm cho sức khỏe - Ảnh 3.

Giảm cân có nghĩa là giảm đi lượng mỡ thừa nhưng nhiều chị em cũng vô ý giảm luôn cả khối lượng cơ, dẫn đến suy kiệt sức khỏe và thể lực.

Bạn có thể khắc phục những tác động này bằng cách tập thể dục đều đặn, bao gồm cả các bài rèn luyện sức mạnh. Thói quen tập luyện sẽ giúp cơ thể duy trì cơ bắp ngay cả khi bạn giảm cân. Ngoài ra, hãy bổ sung thêm protein để làm giảm tình trạng hao hụt cơ bắp.

6. Tổn thương hệ trao đổi chất

Các chuyên gia đã khẳng định rằng, chế độ ăn kiêng quá ít calo sẽ làm tổn thương nặng nề đến hệ trao đổi chất, bởi nó phải hoạt động cực kỳ chậm để tiết kiệm năng lượng. Nó đi ngược lại với yếu tố cốt lõi khi giảm cân là tăng cường trao đổi chất để đốt cháy mỡ thừa.

Đây cũng chính là lý do vì sao, khi ngừng ăn kiêng thì cơ thể lại quay trở về với tình trạng ban đầu và rất khó giảm cân trở lại vì hệ trao đổi chất đã hoạt động yếu đi. Cuối cùng chúng ta phải mắc kẹt trong hiệu ứng yoyo, giảm rồi lại tăng cân mà không có điểm dừng.

7. Hiệu ứng yoyo làm bạn thèm ăn hơn

Khi ăn kiêng giảm cân, cơ thể bị mất chất béo nên dẫn đến giảm hormone leptin – một loại hormone khiến bạn cảm thấy no. Lúc này cảm giác thèm ăn sẽ tăng cao do cơ thể cố gắng lấy lại nguồn năng lượng dự trữ vừa mất đi. Bên cạnh đó, việc khối lượng cơ bắp bị hao hụt khi giảm cân càng làm cơ thể muốn bù lại năng lượng.

Theo một khảo sát, hầu như những ai mắc hiệu ứng yoyo đã tăng lại 30 – 65% số cân nặng giảm được chỉ trong 1 năm. Hơn thế nữa, cứ 3 người ăn kiêng thì lại có 1 người lại tăng cân cao hơn cả trước khi bắt đầu giảm cân.

8. Gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần

Không chỉ ảnh hưởng về thể chất mà hiệu ứng yoyo cũng tác động xấu tới tinh thần. Có nhiều chị em sẽ cảm thấy buồn chán, thất vọng khi thấy bản thân cố gắng giảm cân nhưng rồi lại mập lên. Hầu như những ai mắc phải hiệu ứng yoyo đều không hài lòng với sức khỏe và cuộc sống của mình.

Vừa giảm cân xong nhưng sau đó lại béo lên trông thấy, hãy cẩn thận vì đó là hiệu ứng yoyo đầy nguy hiểm cho sức khỏe - Ảnh 4.

Làm sao để thoát khỏi hiệu ứng yoyo?

Giảm cân là cả một quá trình dài chứ không phải tạm thời. Để duy trì cân nặng ổn định sau khi giảm cân, bạn cần phải xây dựng lối sống lành mạnh lẫn chế độ ăn uống khoa học, thay vì chỉ "bám trụ" vào việc ăn kiêng tạm thời.

Theo tiến sĩ Nicole Harkin – bác sĩ tim mạch có chứng nhận của Trung tâm Tim mạch Manhattan (New York), hãy tuân thủ theo những thói quen sau để ngăn việc tăng cân trở lại sau quá trình ăn kiêng kham khổ:

- Tập thể dục đều đặn bằng những môn thể thao như đi bộ, bơi lội, tập gym…

- Ngủ đủ giấc từ 6 – 8 giờ mỗi đêm.

- Cắt giảm đồ ăn vặt bởi chúng chứa nhiều calo gây tăng cân trở lại.

- Hạn chế ngồi nhiều một chỗ vì nó làm cơ thể ù lì, trì trệ do không vận động.

- Ăn uống lành mạnh, tăng rau giảm thịt, ăn ít tinh bột và bổ sung nhiều thực phẩm có lợi cho tiêu hóa như sữa chua, hạnh nhân, quả óc chó…

Một khi đã quen với lối sống lành mạnh như trên, bạn sẽ dần thoát ra khỏi hiệu ứng yoyo đáng sợ đó nhanh mà thôi. Thế nên, bạn có thể vui mừng và yêu đời hơn vì vừa giảm được cân mà sức khỏe vẫn đảm bảo tốt. Đừng để hiệu ứng yoyo làm cản trở con đường lấy lại vóc dáng thon gọn chị em nhé.

Tổng hợp

Minh Võ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh