THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:47

Trường THCS An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội:

Hiệu trưởng “ép” giáo viên chủ nhiệm vận động học sinh đi tham quan

Trường THCS An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội.

Trường THCS An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội.

Học tập trải nghiệm nhưng thực chất tham quan du lịch

Mới đây, phụ huynh trường THCS An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội nhận được thông báo của nhà trường về việc trường tổ chức Chương trình giáo dục di sản, học tập, trải nghiệm năm học 2023-2024 do Công ty Cổ phần Du lịch Hà Nội Viettourist KGC thực hiện. Lịch trình của tour này là đi tham quan di tích Hoàng Thành- Thăng Long và Khu trải nghiệm Cánh Buồm Xanh (Gia Lâm, Hà Nội) trong ngày. Mức thu trọn gói cho một học sinh là 330.000 đồng (không bao gồm suất ăn trưa).

Nhận được thông báo này, một phụ huynh có con đang học lớp 8 ở trường THCS An Khánh cho rằng, trải nghiệm học tập là dịp để các con được tham quan, tìm hiểu về các di tích lịch sử và rèn luyện các kỹ năng tập thể, tích lũy các kinh nghiệm. Nhưng lâu nay trường THCS An Khánh đã biến điều này thành những chuyến tham quan, du lịch bắt buộc với giá cao. Một chuyến đi từ đây đến Hoàng Thành Thăng Long và Khu trải nghiệm Cánh Buồm Xanh (Gia Lâm, Hà Nội) mà chi phí gì lên tới 330.000 đồng mỗi học sinh trong khi các con không có được suất ăn trưa. “Làm giáo dục, chỉ mong sao mọi hoạt động đều hướng đến mục tiêu giáo dục. Đừng vì mục đích khác” - Phụ huynh này nói.

Còn một phụ huynh khác có con đang theo học tại khối lớp 6 của trường THCS An Khánh cho rằng, cùng một thời điểm, mà có tới gần 2.000 học sinh ở các khối lớp cùng đến điểm du lịch đã chọn. “Liệu những chuyến đi như thế này có thực sự hiệu quả theo đúng tinh thần trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 về hoạt động trải nghiệm hay không? Tôi cho rằng những chuyến đi kiểu này thực sự đây chỉ là dịp để các con thư giãn, vui chơi cùng các bạn trong lớp chứ còn để bảo tìm hiểu về lịch sử, văn hóa hay thiên nhiên thì không có hiệu quả”.

Chia sẻ những bức xúc của mình về việc hiệu trưởng ép học sinh phải tham gia chuyến tham quan, phụ huynh H cho biết, vì điều kiện kinh tế gia đình, vừa đầu năm học đã phải đóng một loạt các khoản tiền cho con, nay lại nhận được thông báo nhà trường tổ chức cho học sinh đi tham quan. Con nhà tôi đã không đăng ký tham gia. Cô Nguyễn Thị Huyền - Hiệu trưởng nói: “Phụ huynh An Khánh bảo khó khăn không có tiền cho con đi tham quan là tôi không chấp nhận. Đó là do phụ huynh không đầu tư cho con. Trong khi các bác vẫn đi ăn liên hoan hội này, nhóm kia và có thể may cái váy vài triệu”. Thậm chí cô còn trao đổi sẽ căn cứ vào việc các con tham gia hoạt động tham quan trải nghiệm của nhà trường để đánh giá hạnh kiểm học sinh cuối năm. Đây là điều chúng tôi rất bức xúc.

Đánh giá thi đua giáo viên dựa trên tỷ lệ học sinh đi tham quan

Mặt khác, để vận động học sinh các lớp tham gia chuyến tham quan đầy đủ, tại cuộc họp với giáo viên chủ nhiệm, Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh tuyên bố lấy tiêu chí tỷ lệ học sinh đi tham quan để đưa vào nội dung đánh giá thi đua đối với giáo viên (?).

“Không thể một trường lớp thì 100% học sinh tham gia, lớp chỉ có 40% học sinh tham gia đấy là do các thầy, cô. Tài năng các thầy cô thể hiện ở đó. Với những lớp chỉ đạo điểm(?), các đồng chí đừng để lớp chỉ có 40% học sinh tham gia, những năm sau các đồng chí không được chủ nhiệm ở những lớp như thế nữa” – Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh chốt trong cuộc họp với các giáo viên chủ nhiệm khi giao ban.

"Nói là tham gia trên tinh thần tự nguyện nhưng Hiệu trưởng nhà trường lại yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải tìm mọi cách để thuyết phục (tới mức ép buộc) học sinh trong lớp tham gia đầy đủ. Thậm chí, lấy tiêu chí đó để đưa vào nội dung đánh giá thi đua đối với giáo viên. Nếu giáo viên chỉ vận động được số ít học sinh trong lớp tham gia có thể bị xem xét đánh giá kết quả thi đua cuối năm. Khi bị đánh giá xếp loại chưa đạt hoặc đạt ở mức trung bình, không chỉ xoá bỏ toàn bộ nỗ lực, phấn đấu trong giảng dạy của một năm học và danh dự nhà giáo bị tổn thương. Vì lẽ đó,  những thầy cô làm giáo viên chủ nhiệm như chúng tôi cảm thấy áp lực, nặng nề khi phải tìm mọi cách để thuyết phục học sinh tham gia “cho đạt chỉ tiêu về số lượng” mà nhà trường đưa ra" – một giáo viên Trường THCS An Khánh bày tỏ bức xúc.

“Để quản lý được học sinh trong chuyến đi rất cực khi các em đều đang trong độ tuổi mới lớn, ham vui chơi. Chỉ một sự bất cẩn cũng có thể gây ra những điều đáng tiếc. Chưa kể, với mức thu hơn 300.000 đồng/học sinh cho một chuyến đi tới Hoàng Thành - Thăng Long và Khu trải nghiệm Cánh Buồm Xanh (Gia Lâm, Hà Nội) trong ngày mà các con không có bữa ăn trưa. Cả ngày chỉ có một chai nước lọc 500ml. Điều này khiến giáo viên cảm thấy áy náy với cả học sinh và gia đình các em” – Cô H chia sẻ.

Khi nhà trường mang thi đua của giáo viên ra hù doạ và trói buộc gần như tất cả giáo viên buộc phải tham gia. Thầy cô bỗng rơi vào tình thế kẹt giữa 2 lằn ranh giữa gia đình học sinh và giữa sức ép của nhà trường.

Tôi cho rằng từ những sự vụ cụ thể ở một số trường cũng như  trường THCS An Khánh, đã đến lúc, các địa phương cần khách quan nhìn nhận và đánh giá một cách công tâm những điều lợi cho học sinh khi tham gia tham quan du lịch để có những quyết định đúng đắn. Tránh cho những trường vì món lợi hoa hồng mà lợi dụng hoạt động trải nghiệm để chủ yếu tổ chức cho học sinh đi chơi, gây bức xúc trong phụ huynh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành, của những thầy cô giáo chân chính.

Trước sự việc nêu trên, chúng tôi đã liên hệ với Trưởng phòng Giáo dục huyện Hoài Đức để làm việc, tuy nhiên sau rất nhiều lần gọi điện, nhắn tin nhưng không nhận được hồi âm từ phía lãnh đạo Phòng Giáo dục.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm cho biết: “Hoạt động trải nghiệm sẽ tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học, các lĩnh vực giáo dục khác nhau để có thể trải nghiệm thực tiễn trong nhà trường, gia đình và xã hội. Đồng thời giúp các em có cơ hội để tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng và hoạt động hướng nghiệp.

Đặc biệt tất cả các hoạt động này phải dưới sự hướng dẫn, tổ chức của nhà giáo dục. Qua đó hình thành những phẩm chất chủ yếu, những năng lực chung đã được xác định tại chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”.

Như nhấn mạnh của Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm: "Tất cả các hoạt động này phải dưới sự hướng dẫn, tổ chức của nhà giáo dục", vậy hoạt động trải nghiệm do các công ty du lịch tổ chức thì sự hướng dẫn, tổ chức của nhà giáo dục thể hiện ở đâu?

 

 

 

P.V

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh