CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:08

Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng: GS và PGS không phải là hai chữ độc quyền!

 

Xin ông cho biết lý do trường ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện việc tự bổ nhiệm các chức danh GS và PGS của mình mà không phải là thông qua Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN)?

Ông Lê Vinh Danh: Lý do cơ bản nhất là bản thân một trường đại học đúng nghĩa, đúng tiêu chuẩn và nguyên mẫu có đầy đủ thẩm quyền trong việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn của mình. Đó là những chức vụ nghề nghiệp, mà dạy học và nghiên cứu là nghề nghiệp của trường đại học. Trường đại học đúng nghĩa nào cũng có thẩm quyền đó, chỉ có điều trong một thời gian rất rất dài, chúng ta tập trung thẩm quyền đó vào một hội đồng, còn các trường đại học hiện đang bị tước mất thẩm quyền đó.

Vấn đề thứ hai là trong sự phát triển của trường này, ở mỗi giai đoạn sẽ có một nguồn nhân lực ở một mặt bằng khác nhau. 10 năm trước, chúng tôi cầu đến tiến sĩ là quá rồi, nhưng hiện nay GS, PGS cũng không đủ cho nhu cầu phát triển. Việc bổ nhiệm những người đủ tiêu chuẩn giúp trường có cơ sở để có ưu đãi tương xứng, không thể ứng xử như giảng viên bình thường.

Thứ ba, quyết định 158 của Thủ tướng chính phủ kí ngày 29/1/2015 cho phép trường thí điểm toàn diện. Thí điểm là những thứ mà luật chưa có thì mới phải thí điểm, cho trường làm thử. Như vậy có nghĩa là có những điều mà luật hiện không có nhưng chúng tôi vẫn được quyền làm.

Vậy tại sao ĐH Tôn Đức Thắng không kiến nghị thay đổi quy định hiện hành mà lại làm một cách dư luận cho là vội vàng?

Ông Lê Vinh Danh: Tôi không đồng ý với quan điểm là chúng tôi làm vội. Thứ nhất, tại sao chúng tôi không đề xuất việc điều chỉnh các quy định hiện hành? Lý do là những quy định hiện hướng đến việc bổ nhiệm theo các tiêu chuẩn nhà nước quy định và được hưởng chế độ. Các học hàm đó vĩnh viễn gắn liền với người được phong, sau khi không còn làm tại trường đại học nữa vẫn được coi là GS, PGS.

Điều đó rất khác với việc chúng tôi đang làm, điều chúng tôi đang làm là bổ nhiệm chức vụ dạy học bên trong trường, người xứng đáng với tiêu chuẩn thì được hưởng, khi họ rời trường thì sẽ thu hồi, chỉ còn là tiến sĩ. Ngay cả khi còn làm việc trong trường, họ phải luôn thỏa mãn các tiêu chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ mới được bổ nhiệm và bổ nhiệm lại chức vụ đó.

Một việc nữa gây tranh cãi, đó là chúng tôi vẫn dùng từ GS và PGS. Họ cho rằng đất nước song hành hai loại GS, PGS. Đây là tranh cãi không có cơ sở. Từ GS và PGS không phải là hai chữ độc quyền mà HĐCDGSNN đã giữ rồi thì các cơ sở khác không được dùng tới. Chữ “professor”, “associate professor” được sử dụng trên thế giới cả ngàn năm nay rồi, đây là từ chỉ chức danh nghề nghiệp.

Mặt khác, nếu những trường đại học nước ngoài ở Việt Nam như RMIT và sắp tới nhiều trường đại học khác, khi họ xét và bổ nhiệm chức danh của họ thì sẽ như thế nào?

 

Ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Chức danh do ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm liệu có dẫn đến sự nhầm lẫn cho xã hội không, thưa ông?

Ông Lê Vinh Danh: Câu trả lời là không. Ở Mỹ có trên 3.000 trường đại học và trường nào cũng có quyền bổ nhiệm giáo sư của họ. Trường thấp thì đương nhiên họ không thể đặt ra một tiêu chuẩn quá cao được; ngược lại, trường cao thì tiêu chuẩn rất cao. Chúng ta phải chấp nhận một sự phân tầm và một sự đa dạng, các GS không nhất thiết phải có một mặt bằng giống nhau.

Điều cần làm là tạo môi trường để trường thấp vươn lên thành trường trung bình, trường trung bình vươn lên thành trường cao, như vậy xã hội mới tiến bộ.

Lâu nay HĐCDGSNN đặt ra một tiêu chuẩn và xét dựa trên tiêu chuẩn đó. Liệu mọi chuyện đều công bằng ở đó không?

Nhiều người cho rằng có đến 60% đến 70% GS, PGS được HĐCDGSNN bổ nhiệm là không làm trong nghề dạy và nghiên cứu. Đây là điều hết sức phi lý. Ngoài ra, căn cứ bộ tiêu chuẩn đó, nếu người ta đạt, không vi phạm pháp luật, không vi phạm đạo đức nhà giáo thì phải công nhận cho người ta, nhưng đằng này lại bày ra chuyện bỏ phiếu kín. Chính việc bỏ phiếu kín mới phát sinh ra tiêu cực.

Theo ông, lý do nào mà nhiều người phản đối việc làm của ĐH Tôn Đức Thắng?

Ông Lê Vinh Danh: Có 3 lý do. Thứ nhất, một số cho rằng nếu để các trường tự làm thì sẽ làm cho chức danh GS bị “loãng”. Nhóm thứ 2 cho rằng nên để trường đại học làm, nhưng trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa đủ điều kiện làm. Nhóm thứ 3 cho rằng không được làm, Nhà nước đã có bộ tiêu chuẩn đó rồi.

Chúng tôi có cơ sở để phản biện với cả 3 nhóm trên. Thứ nhất, đối với chữ “loãng” GS, PGS, có một ví dụ, năm 2007, Bộ Giáo dục đồng ý cho các trường ĐH thí điểm đào tạo Tiến sĩ, cơ sở nào đủ điều kiện theo chuẩn của Bộ như về nhân lực, điều kiện thí nghiệm, về người hướng dẫn, về tài liệu... thì được quyền đăng kí để đào tạo. Lúc đó nhiều người cho rằng sẽ bị “loãng” Tiến sĩ, ra đường gặp ai cũng Tiến sĩ, nhưng sau 8 năm chúng ta có thấy cái “loãng” đó không? Đến nay cũng rất ít cơ sở đủ điều kiện để đào tạo Tiến sĩ, có nơi đủ điều kiện nhưng tuyển không ra ứng viên. Có cơ sở chất lượng khá tốt, có cơ sở chất lượng trung bình, có cơ sở chất lượng thấp, nhưng xã hội tự nhận thấy hết và họ tự phân loại.

Mặt khác, ĐH Tôn Đức Thắng bổ nhiệm GS, PGS và phải tự chi trả chế độ thì phải cân nhắc, không ai đi bổ nhiệm cho người không có khả năng. Người nào thực sự có hiệu quả, thực sự có đẳng cấp mới bổ nhiệm, và cung cấp đủ phương tiện tài chính cũng như vật chất để cho họ làm việc. Đây mới là cách bổ nhiệm chặt chẽ, không gây lãng phí.

Chính việc phong của HĐCDGSNN rồi để cho nhà nước trả chế độ nên mới có tình trạng tùy tiện, vậy thì “loãng” ở đâu mà ra?

Với nhóm thứ 2, cho rằng ĐH Tôn Đức Thắng chưa đủ tiêu chuẩn, tôi cho rằng đó là xuất phát từ việc thiếu thông tin. Trong 7, 8 năm qua chúng tôi phát triển rất nhiều, nếu cách đây 5 năm, trường Tôn Đức Thắng chưa có tên trong bản đồ khoa học của cả nước, nay theo đánh giá của Bộ KHCN, toàn quốc chỉ có 20 đơn vị có công bố thành quả khoa học quốc tế hàng đầu, trong đó trường ĐH Tôn Đức Thắng đứng thứ 15.

ĐH Tôn Đức Thắng cũng là trường đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có bằng sáng chế theo công nghệ của Hoa Kỳ. Chúng tôi đã có 2 bằng, năm nay chúng tôi nộp thêm 8 đến 10 HS nữa.

Về cán bộ, chúng tôi có 1.053 cán bộ trong đó có cả trăm giáo sư nước ngoài.

Mối lo lắng cuối cùng là của những người ở HĐCDGSNN, xin nói rằng, trường tôi xét, bổ nhiệm và trả lương bằng ngân sách của chúng tôi, vậy lí do gì anh la làng lên? Dự kiến, đầu năm 2016 chúng tôi xét đợt đầu tiên, giảng viên của trường này chưa chắc đã được vài người đạt.

Thông tin về việc trường ĐH Tôn Đức Thắng giải trình với Bộ Giáo dục như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Vinh Danh: Về thông tin này, tôi khẳng định chưa từng nói dừng thực hiện, trong một lần trao đổi với Cục nhà giáo (Bộ GD&ĐT), tôi nói quy định vừa ban hành, nội dung và quy trình thì đã đủ nhưng biểu mẫu chưa làm xong, hiện chúng tôi chưa thực hiện vì đang hoàn thiện biểu mẫu. Tôi không hiểu thông tin dừng thực hiện từ đâu? Việc bổ nhiệm là theo đúng quy định mà Thủ tướng Chính phủ cho phép, không có lí do gì để dừng.

Chúng tôi muốn việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS trở nên rất bình thường, như một sinh hoạt nghề nghiệp lành mạnh. Bổ nhiệm để làm việc, nếu thấy mình xứng đáng thì đăng ký, khi thấy không xứng đáng thì ra chỗ khác hoặc ra khỏi trường. Vì lẽ đó cho nên chúng tôi không dùng chữ “phong” mà dùng chữ “bổ nhiệm”, coi đó là chức vụ nghề nghiệp chứ không coi là hàm, vị gì hết.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh