CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:00

Hiểu rõ về cúm mùa và vắc xin phòng cúm

Cúm mùa là gì?

Cúm mùa là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virus cúm (Influenza virus) gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm. Khác với các nước ôn đới, cúm mùa xảy ra vào mùa thu - đông, ở Việt Nam thường gia tăng vào thời điểm chuyển mùa, như tháng 3-4-5 và tháng 7-8.

Cúm mùa có bao nhiêu loại?

Hiểu rõ về cúm mùa và vắc xin phòng cúm - Ảnh 1.

Cúm mùa được chia làm 3 loại gồm cúm A, cúm B và cúm C. (ảnh minh hoạ)

Trong đó, cúm A với nhiều chủng gây bệnh như A (H5N1), A (H3N2), A (H1N1)… là loại nguy hiểm nhất, bởi trải qua lịch sử giám sát, những đại dịch thường xuất phát từ chủng cúm này. Cúm A không chỉ gây bệnh trên người mà còn trên gia cầm, động vật hoang dã, một khi nó đột biến và lây sang cho người sẽ gây đại dịch.

Cúm B chỉ có một chủng loại duy nhất lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc, còn cúm C gần giống với cảm lạnh thông thường.

Cùng triệu chứng ho, sốt, làm sao phân biệt cảm lạnh và cảm cúm?

Hiểu rõ về cúm mùa và vắc xin phòng cúm - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Cảm lạnh chỉ gây nhiễm trùng hô hấp trên, không dẫn đến biến chứng nặng tử vong và chỉ cần nghỉ ngơi, không cần uống thuốc sẽ tự khỏi. Nhưng cúm mùa thì ngược lại, nó có thể gây áp lực lên cả đường hô hấp trên và lan xuống đường hô hấp dưới gây nguy hiểm tính mạng.

Cảm lạnh cũng gây các triệu chứng như sốt, ho sổ mũi nhưng nhẹ hơn. Trong khi đó, cúm mùa diễn tiến rất đột ngột, sốt cao, mệt mỏi nghiêm trọng, đau nhức mình mẩy, khó thở, tức ngực, ho nặng và thường kéo dài. Riêng ở trẻ em có một số triệu chứng đặc biệt như quấy khóc, bỏ bú, bú kém, không uống được nước, một số trường hợp có dấu hiệu co giật.

Nếu nghĩ rằng có thể bị cúm, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra trong vòng 48 giờ đầu tiên sau khi xuất hiện các triệu chứng.

Thời gian ủ bệnh của cúm mùa?

Thời gian ủ bệnh của virus cúm ngắn, thường từ 1-5 ngày, trung bình là 2 ngày. Thời kỳ lây bệnh khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng.

Cúm mùa lây nhiễm như thế nào?

Hiểu rõ về cúm mùa và vắc xin phòng cúm - Ảnh 3.

Virus cúm có khả năng lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho hay hắt hơi. Cúm màu cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc với mầm bệnh như tay dính virus qua bắt tay, sử dụng chung điện thoại, remote tivi… rồi đưa lên mắt, mũi hay miệng của mình.

Tỷ lệ lây lan mạnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.

Ai dễ bị biến chứng khi mắc cúm mùa?

Hiểu rõ về cúm mùa và vắc xin phòng cúm - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ

Ở một cơ thể khỏe mạnh và ở độ tuổi trẻ, cúm mùa thường không có những ảnh hưởng nghiêm trọng, nó chỉ mang lại cảm giác khó chịu, mệt mỏi trong vài ngày và sẽ tự khỏi sau 1 hoặc 2 tuần nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, đối với trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa (tiểu đường), thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch do HIV hoặc hóa trị liệu, béo phì khi bị cúm mùa có thể diễn tính thành ác tính, gây biến chứng viêm phế quản, hen suyễn, nhiễm trùng tai, viêm phổi, viêm não, thậm chí là suy hô hấp, suy đa tạng và tử vong.

Vai trò của vắc xin trong việc phòng ngừa cúm?

Hiểu rõ về cúm mùa và vắc xin phòng cúm - Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, vắc xin là một biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và hiệu quả nhất trong việc phòng cúm. Vắc xin cúm mùa đã được sử dụng trên 50 năm nay trên toàn cầu, khả năng bảo vệ sau khi tiêm ngừa lên đến 98%.

Chỉ một mũi tiêm hàng năm giúp giảm khả năng mắc bệnh; Giảm thời gian nằm viện, tỷ lệ biến chứng và tử vong ở trẻ em, người trưởng thành trong độ tuổi lao động, người cao tuổi; Giúp phòng ngừa các biến cố sức khỏe nghiêm trọng có liên quan tới các bệnh mạn tính có sẵn như tiểu đường, hô hấp, tim mạch; Bảo vệ phụ nữ đang mang thai và sau khi sinh nở (bao gồm cả việc bảo vệ đứa trẻ khỏi cúm nhờ kháng thể của mẹ truyền cho con khi đang mang thai).

Đối với vắc xin cúm, hiện trên thị trường có đầy đủ tất cả các dạng của công nghệ vắc xin, từ vắc xin sống giảm độc lực ở các nước Âu Mỹ thường dùng là dạng xịt, cho tới vắc xin bất hoạt, thậm chí tiểu đơn vị vắc xin dạng mảnh theo công nghệ protein.

Trong đó, vắc xin cúm bất hoạt thế hệ 3 với hiệu quả và ít tác dụng ngoại ý hơn các thế hệ cũ, an toàn cho người bệnh hô hấp, tim mạch, kể cả phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú mà không ảnh hưởng đến thai nhi, trẻ sơ sinh.

Đặc biệt, mỗi năm, các thành phần kháng nguyên trong vắc xin sẽ được điều chỉnh dựa trên các khuyến cáo của WHO để phù hợp với các chủng virus cúm biến đổi. Đồng thời, có thể tiêm với các vắc xin khác mà không gây tương tác.

Độ tuổi và thời điểm nào nên tiêm phòng cúm?

Mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên đều cần chích ngừa cúm, tuy nhiên những nhóm người sau càng cần phải chích ngừa hơn, đó là: Trẻ em; phụ nữ mang thai; người cao tuổi (đặc biệt là người trên 65 tuổi); người sống ở nhà dưỡng lão; người mắc bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp, tiểu đường, người suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV/AIDS hay ghép tạng; nhân viên y tế; người sống chung với người có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm.

Vắc xin cúm nên được tiêm ngừa trước khi cúm mùa bắt đầu lây lan trong cộng đồng (như đã nói ở Việt Nam thường gia tăng vào thời điểm chuyển mùa, như tháng 3-4-5 và tháng 7-8). Khoảng 2 tuần sau khi tiêm, cơ thể có thể hình thành kháng thể bảo vệ khỏi các chủng virus có trong vắc xin.

Các phản ứng phụ có thể xảy ra khi tiêm vắc xin cúm?

Hiểu rõ về cúm mùa và vắc xin phòng cúm - Ảnh 6.

Ảnh minh hoạ

Sau khi tiêm vắc xin ngừa cúm, kể cả trẻ em hay người lớn đều cần theo dõi phản ứng tại chỗ, lưu lại cơ thể y tế trong 30 phút, theo dõi huyết áp và nhịp tim.

Tác dụng phụ của vắc xin cúm thường ít xảy ra, vì hiện nay đang dùng vắc xin bất hoạt. Đa phần các phản ứng như sưng đau chỗ tiêm, sốt thường nhẹ và tự khỏi. Nếu sốt, đau có thể dùng paracetamol và có thể dùng thêm biện pháp chườm lạnh. Nhưng lưu ý là không chườm nóng, bôi dầu, đắp khoai tây hay bôi những chất lạ lên vị trí tiêm, vì có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Cơ địa dị ứng trứng, có nên tiêm ngừa vắc xin cúm mùa?

Trong quá trình sản xuất vắc xin có công đoạn cấy virus cúm trên phôi trứng gà, nhưng nồng độ ovalbumin rất ít, thậm chí bây giờ đa số chúng ta sử dụng vắc xin bất hoạt, hầu như không có hoặc rất ít gây dị ứng.

Trên phương diện khoa học, tất cả những hướng dẫn về chủng ngừa trên thế giới của Hoa Kỳ, Canada, Úc… đều cho rằng dị ứng trứng không phải chống chỉ định tuyệt đối của chủng ngừa, nếu dùng vắc xin bất hoạt. Nhưng bắt buộc cần thận trọng trong trường hợp bệnh nhân thật sự có phản ứng phản vệ với trứng (sốc hoặc khó thở sau khi ăn trứng).

Đồng thời, trước khi tiêm ngừa nên cung cấp cho nhân viên y tế thông tin về tình trạng dị ứng của người bệnh, kể cả dị ứng trứng.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh