THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:07

Hiệu quả của công tác giám sát còn hạn chế, điển hình là sai phạm có liên quan đến vụ án tại Công ty Việt Á

5

Sáng nay (21/2), tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân (HĐND) năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc (gồm 25 tỉnh, thành phố).

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm cả nước tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hoạt động giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít

Trong bối cảnh chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19, ngay sau cuộc bầu cử thành công, HĐND các tỉnh, thành phố đã bắt tay ngay vào thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo luật định với nhiều cố gắng, nỗ lực, đổi mới sáng tạo, linh hoạt, thích ứng với thực tiễn từng địa phương, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong mọi hoạt động để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các tỉnh, thành phố và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Đồng thời, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, có dấu ấn nổi bật và ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương, đóng góp quan trọng vào thành quả và kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của cả nước trong năm 2021.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ ra hoạt động của HĐND vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Đó là, chất lượng kỳ họp của HĐND, hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của Nhân dân, cử tri.

Hiệu quả của công tác giám sát nhìn chung còn hạn chế; hoạt động giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít. Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng thấp.

"Còn để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, đầu tư công, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường; trong việc huy động, quản lý và phân bổ các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế, điển hình là vụ án Công ty Việt Á.

Việc phối hợp và triển khai các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại một số tỉnh, thành còn thiếu tích cực, lập và gửi báo cáo giám sát chậm, chất lượng báo cáo còn hạn chế", Chủ tịch Quốc hội nói.

7

Ngoài ra, việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của Nhân dân và cử tri còn bất cập, chậm, hiệu quả chưa cao, chủ yếu là chuyển đơn; công tác tiếp công dân, đôn đốc, giải quyết các đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện.

Quan hệ phối hợp giữa Thường trực HĐND - Đoàn đại biểu Quốc hội - UBND - Uỷ ban MTTQ các tỉnh, thành phố hiệu quả chưa đồng đều.

Kịp thời ban hành Nghị quyết giám sát trong đầu tư công

Về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp công tác năm 2022 của HĐND tỉnh, thành phố, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trước hết, cần tiếp tục quán triệt, thấm nhuần chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ, nhất là đối với các đại biểu lần đầu tham gia HĐND.

Thứ hai, rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND, chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các địa biểu tham dự Hội nghị

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các địa biểu tham dự Hội nghị

Thứ ba, kịp thời ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công năm 2022, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp tài chính - tiền tệ trong 2 năm 2022-2023, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Thứ tư, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của HĐND.

Thứ năm, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, với UBND và MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả từng cơ quan, tổ chức.

Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, thường trực cấp ủy đối với tổ chức hoạt động của HĐND; chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc kiện toàn các chức danh còn thiếu so với quy định và công tác quy hoạch đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2026-2031.

Thứ bảy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm rõ nội hàm, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và giám sát hoạt động của HĐND; nghiên cứu đổi mới việc tổ chức hội nghị HĐND theo khối tỉnh, thành phố; tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố theo các chuyên đề.

Thứ tám, việc phối hợp, đề xuất, chuẩn bị nội dung và chương trình của các kỳ họp HĐND phải đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, chất lượng, kiên quyết không trình những văn bản không có trong chương trình hoặc không đủ điều kiện để trình theo quy định của pháp luật.

Công tác thẩm tra các báo cáo, dự thảo Nghị quyết của các Ban của HĐND phải quyết liệt đổi mới, phải chủ động từ sớm, từ xa, đảm bảo khách quan, trung thực, có chính kiến.

"Việc lựa chọn các vấn đề chất vấn cũng như trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND phải trúng và đúng, lựa chọn những vấn đề nóng, có tính thời sự, liên quan đến cuộc sống, bức xúc của người dân và cử tri, sau chất vấn phải tăng cường giám sát để hiệu lực và hiệu quả của vấn đề chất vấn phải được người dân và cử tri cảm nhận được những chuyển biến căn bản", ông Huệ nói.

Cũng theo CHủ tịch Quốc hội, căn cứ kết quả của hội nghị này và 2 hội nghị khu vực sẽ được tổ chức trong thời gian tới, UBTVQH giao Ban công tác đại biểu tiếp thu, hoàn thiện báo cáo chính thức để báo cáo Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư và các tỉnh, thành, cơ quan hữu quan; đồng thời, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của HĐND các tỉnh, thành phố báo cáo UBTVQH xem xét, giải quyết hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết..   

22 bí thư tỉnh ủy đồng thời là chủ tịch HĐND

Báo cáo tại hội nghị, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, ngay sau khi cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, các tỉnh thành đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Chỉ có duy nhất HĐND tỉnh Bình Thuận phải lùi thời gian tổ chức kỳ họp thứ nhất do dịch bệnh.

Kết quả cho thấy, HĐND cấp tỉnh của cả nước đã bầu được 177 nhân sự giữ chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND (gồm 63 Chủ tịch, 114 Phó Chủ tịch); thành lập 227 Ban.

Cụ thể, trong 63 Chủ tịch HĐND có 22 nhân sự là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Định, Cà Mau, Gia Lai, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc.

Trong số 114 Phó Chủ tịch HĐND, có 56 người là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy, 58 người là Tỉnh ủy viên; tất cả đều là Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách.34 Chủ tịch HĐND là Phó Bí thư tỉnh, thành ủy (gồm 2 Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng ở các tỉnh, thành: Bình Thuận, Đà Nẵng); 7 nhân sự là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy, trong đó có 1 Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng là Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk; 9 Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách và 54 người hoạt động kiêm nhiệm.

Bà Thanh cũng cho biết, hiện nay còn 3 tỉnh thiếu 1 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách (gồm các tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Ninh Thuận, Tiền Giang).

HĐND cấp tỉnh đã thành lập 227 Ban, trong đó có 25 tỉnh thành lập 3 Ban; 38 tỉnh, thành phố thành lập 4 Ban (trong đó, 33 tỉnh có Ban Dân tộc, 5 thành phố có Ban Đô thị) theo đúng quy định của pháp luật.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh