THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:31

Hiệu quả chăm lo phúc lợi cho người lao động gắn với doanh nghiệp

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Bảng xếp hạng mong muốn chủ doanh nghiệp, người lao động, cán bộ công đoàn chia sẻ mô hình, kinh nghiệm đã làm tốt để chúng ta hướng tới việc doanh nghiệp mỗi ngày sẽ chăm lo tốt hơn cho người lao động. 

 

Chủ trì tọa đàm có ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Bảng xếp hạng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động"; ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH; bà Vũ Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động.

Đây là phát biểu của ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tại toạ đàm “Doanh nghiệp với phúc lợi cho người lao động” diễn ra ngày 14/12 tại Hà Nội. Toạ đàm nằm trong khuôn khổ chương trình Bảng xếp hạng Doanh nghiệp vì người lao động năm 2018 do Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp với báo Lao động tổ chức. Tham dự toạ đàm còn có ông Nguyễn Tiến Tùng – Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH; bà Vũ Thị Hồng Minh – Phó Giám đốc văn phòng giới sử dụng lao động, các chuyên gia về lao động, đại diện LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn, cùng đại diện 60 doanh nghiệp được xếp hạng Doanh nghiệp vì người lao động năm 2018 và một cố công nhân, lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp trên.

“Chúng tôi mong muốn chủ doanh nghiệp, người lao động, cán bộ công đoàn chia sẻ mô hình, kinh nghiệm đã làm tốt để chúng ta hướng tới việc doanh nghiệp mỗi ngày sẽ chăm lo tốt hơn cho người lao động. Dùng phúc lợi để thu hút, gắn bó người lao động với doanh nghiệp. Đây cũng là dịp để người lao động nói lên tiếng nói của mình về vấn đề thực hiện phúc lợi cho người lao động của các doanh nghiệp, nhu cầu mà người lao động mong muốn”- Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Buổi tọa đàm đem lại phúc lợi cho người lao động tại các doanh nghiệp và sự tham gia của tổ chức Công đoàn nhằm nâng cao phúc lợi cho người lao động.

 

Tại Toạ đàm, bà Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) cho biết, xét ở nghĩa rộng, phúc lợi bao hàm cả tiền lương, điều kiện làm việc của người lao động, và tất cả các quyền lợi khác ngoài lương như BHXH, BHYT, tiền thưởng, các khoản trợ cấp, bữa ăn ca, an toàn vệ sinh lao động, du lịch, nghỉ mát, thể dục, thể thao, nhà trẻ, mẫu giáo cho con em của người lao động… Việc thực hiện phúc lợi cho người lao động mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như người lao động có động lực làm việc, từ đó dẫn tới tăng năng suất lao động, người lao động yên tâm và gắn bó với công việc, từ đó giảm biến động lao động, giảm chi phí liên quan đến tuyển dụng, đào tạo lao động mới và thời gian làm quen với công việc. Đồng thời, doanh nghiệp đã thực hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp phát triển bền vững.

Theo ông Vũ Hồng Quang – Phó trưởng ban Chính sách Kinh tế xã hội, thi đua khen thưởng (Tổng LĐLĐVN), Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động; các chính sách bắt buộc để người sử dụng lao động phải bảo đảm tốt phúc lợi cho người lao động ngày được hoàn thiện.Tuy nhiên, ngoài những doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc chính sách với người lao động, thì hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến phúc lợi cho người lao động, điển hình có doanh nghiệp nợ BHXH tới nhiều tỉ đồng.

Cũng trong buổi tọa đàm, đại diện một số doanh nghiệp như Samsung Việt Nam, Changshin Việt Nam (Đồng Nai), Công ty dược phẩm Tâm Bình, Công ty TNHH Công nghệ Cosmos1 (Phú Thọ), Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên... đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm cụ thể để chăm lo phúc lợi tốt hơn cho người lao động tại công ty. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đánh giá cao các ý kiến của đại biểu là chuyên gia, chủ sử dụng lao động, cán bộ công đoàn đưa ra và mong những người chủ doanh nghiệp sẽ chăm lo tốt hơn cho người lao động, coi mình như người cha chăm lo con người con trong gia đình. “Cái mà chúng ta hướng tới là một xã hội tiến bộ, vì con người. Tôi khẳng định việc cải thiện chế độ phúc lợi cho người lao động là trách nhiệm của chủ sử dụng lao động”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

QUÝ ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh