Hiệu lực pháp lý- Mảng tối trong công tác quản lý an toàn thực phẩm
- Sức khỏe
- 01:00 - 01/04/2017
ATTP có lúc đã đến “giới hạn đỏ”
Theo báo cáo kết quả giám sát bước đầu của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm, trong giai đoạn 2011-2016, hệ thống pháp luật an toàn thực phẩm của Việt Nam đã có 158 văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước trung ương ban hành. Các địa phương đã ban hành hơn 1250 văn bản quy phạm pháp luật nhằm chỉ đạo, điều hành công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. Cùng với Luật an toàn thực phẩm, nhiều văn bản pháp luật khác cũng được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như Hiến pháp, Luật thú y, Luật bảo vệ thực vật, Luật bảo vệ môi trường, Luật đầu tư, Luật ngân sách nhà nước, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hưởng dẫn thi hành đã tạo nên một hành lang pháp lý tương đối thuận lợi cho công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên trong một số trường hợp việc xây dựng luật chưa sát với thực tế nên không ít quy định chưa bảo đảm tính khả thi như quy định về việc cấp giấy chứng nhận hợp quy, điều kiện sản xuất, kinh doanh chưa sát đối với hộ sản xuất nhỏ lẻ. Mức xử phạt trong Bộ luật hình sự còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm chưa được lượng hóa; Luật thanh tra chưa quy định hướng dẫn cụ thể về thanh tra đột xuất; Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật chưa quy định về tiếp nhận công bố hợp quy… Một số quy định trong nghị định, thông tư hướng dẫn còn nhiều nội dung chồng chéo, chưa thực sự phù hợp. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm quá nhiều nhưng không được pháp điển hóa nên gây khó khăn khi tra cứu, áp dụng thực tiễn trong sản xuất, kinh doanh …
Đoàn giám sát của Quốc hội kiểm tra tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch- Hà Nội)
Qua khảo sát thực tế, Đoàn giám sát đánh giá, công tác thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm bộc lộ không ít những tồn tại yếu kém; tình trạng vi phạm quy định an toàn thực phẩm khá phổ biến, an toàn thực phẩm có lúc, có nơi đã đến giới hạn báo động – giới hạn đỏ. Số vụ vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm trong 5 năm qua là 678.755 cơ sở vi phạm chiếm 20,5% số cơ sở tiến hành kiểm tra. Đây là tỷ lệ vi phạm rất cao, song cũng chưa phản ánh hết tất cả các vi phạm về an toàn thực phẩm trong thực tế. Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay đã có 106.252 cơ sở ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trong lĩnh vực Bộ quản lý. Tuy nhiên, với 8,6 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, 500 nghìn hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thì con số này là quá khiêm tốn.
Ở một số địa phương, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng. Từ 2011 đến tháng 10/2016, cả nước đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mặc, 25.617 người đi viện và 164 người chết. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật, do độc tố tự nhiên, do hóa chất và có đến 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.
Cần đề cập rõ trách nhiệm của các bên
Một trong những nguyên nhân của thực trạng mất ATVSTP mà Báo cáo giám sát chỉ ra đó là hiện nay chúng ta chưa kiểm soát được an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm sản xuất từ khu vực kinh doanh nhỏ, lẻ, thủ công; biện pháp, công cụ quản lý còn hạn chế; việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn hầu như chưa được thực hiện...Đó là chưa tính đến hiệu lực pháp lý của các cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm mà theo đoàn giám sát thì đây chính là "mảng tối" trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nước ta.
Một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị Báo cáo cần đề cập tới sự phối hợp của các địa phương đối với các bộ, ngành và Đoàn giám sát trong thực thi nhiệm vụ; xác định rõ trách nhiệm các các bên trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan chỉ đạo, cấp ủy chính quyền địa phương liên quan đến xử lý, đôn đốc chưa đúng với quy định của pháp luật; trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc trong công tác giám sát; trách nhiệm của cơ sở sản xuất, người tiêu dùng.
GS.Trần Đáng nguyên cục trưởng Cục ATVSTP, thành viên đoàn giám sát cho rằng, báo cáo kết quả giám sát phải chỉ ra được cốt lõi của thực trạng là vấn đề ô nhiễm thực phẩm; vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng; ngộ độc thực phẩm và các bênh truyền qua thực phẩm; thị trường thực phẩm chức năng chứa nhiều nguy cơ khi sản phẩm tung ra thị trường nhưng không được kiểm soát chất lượng. GS.Trần Đáng cho biết, bên cạnh các nguyên nhân về quy trình sản xuất, công nghệ nuôi trồng, chăn nuôi, vấn đề quy hoạch sản xuất, chế biến và môi trường ô nhiễm thì nguyên nhân chủ quan là do nhiều nội dung chính sách, pháp luật chưa chính xác, đúng với thực tiễn và lý luận. Cụ thể như nhiều định nghĩa, nội dung trong Luật an toàn thực phẩm, Nghị định 38/2012/NĐ-CP và một số thông tư hướng dẫn chưa chính xác về mặt khoa học, không ban hành được các tiêu chuẩn sản phẩm; các quy định về quản lý còn chồng chéo; tổ chức thực hiện, phân công phân nhiệm còn yếu kém...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Văn Minh băn khoăn về những đề xuất, kiến nghị của Đoàn giám sát trong Báo cáo. Theo đó, Báo cáo mới đề xuất những vấn đề mang tính nguyên tắc, rất ít những chỉ tiêu định lượng cụ thể. Theo ông Minh cần nghiên cứu để đưa ra những chỉ tiêu định lượng như về tỷ lệ cơ sở đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc chỉ tiêu giảm ngộ độc thực phẩm để lấy đó làm những căn cứ để "hậu kiểm" đánh giá việc thực thi sau giám sát.