CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:14

Hiếm muộn vì ngại khám phụ khoa

 

Cầm tờ giấy xét nghiệm và được bác sĩ đọc kết quả, chị Nguyễn Ngọc Hân, ở TP Phủ Lý (Hà Nam), không tin vào tai mình. Theo lời bác sĩ, nguyên nhân chính khiến chị hiếm muộn là do bộ phận sinh dục bị viêm nhiễm. Cách đây không lâu, chị Hân cảm thấy khó chịu ở “vùng kín”, đôi khi ngứa ngáy. Do mức độ ngứa không nhiều nên chị chưa đi khám mà chỉ mua một loại dung dịch vệ sinh phụ nữ về vệ sinh ở “vùng kín” ngày 2 lần. Sau khi làm vệ sinh, chị Hân cảm thấy “vùng kín” bớt khó chịu nên an tâm và không đi khám.

Gần đây, sau hơn 1 năm vợ chồng “thả cửa” nhưng vẫn chưa có tin vui, chị Hân và chồng đi khám sức khoẻ sinh sản. Sau khi thăm khám phụ khoa và làm một số xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm nhiễm ống dẫn trứng, có thể do biến chứng của viêm nhiễm “vùng kín”. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến chị khó thụ thai.

158570825.jpg

Người có tiền sử mắc các bệnh phụ khoa nên đi khám 6 tháng/lần (Ảnh minh họa)

Thực tế, có không ít trường hợp hiếm muộn do biến chứng của viêm nhiễm âm đạo như chị Hân. Trước đây, bệnh nhân mắc bệnh phụ khoa thường là những người đã có chồng, từng quan hệ tình dục, hay phụ nữ ở vùng nông thôn, với điều kiện vệ sinh kém. Song, hiện nay, tỉ lệ mắc bệnh này đang gia tăng với các thiếu nữ chưa có gia đình và phụ nữ thành thị, người làm văn phòng.

Theo ước tính của ngành y tế, gần 90% phụ nữ nước ta mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa. Biểu hiện của không ít bệnh phụ khoa âm thầm nên nhiều chị em chủ quan, không đi khám sớm, dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như như: Dính vòi trứng, gây vô sinh, thai ngoài tử cung, sinh non, con nhẹ cân.

Vì vậy, chị em không nên thờ ơ với sức khỏe của mình, mà cần đi khám phụ khoa định kỳ, đặc biệt là với phụ nữ từng quan hệ tình dục.

Theo các chuyên gia y tế, với phụ nữ đã sinh con, phụ nữ thời kỳ mãn kinh thì việc khám phụ khoa giúp phát hiện kịp thời các bệnh thường gặp. Còn phụ nữ chưa sinh con và mang thai, việc khám phụ khoa định kỳ cũng rất quan trong, vì sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh lý về viêm nhiễm đường sinh dục để tránh biến chứng như tắc vòi trứng gây hiếm muộn, thai ngoài tử cung… Riêng phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh phụ khoa mà không được chữa trị kịp thời thì rất dễ sinh non, sinh con thiếu tháng, thậm chí ảnh hưởng đến sự an toàn của thai nhi.

Đi khám ít nhất 1 lần/năm

Bác sĩ Đỗ Văn Huỳnh (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho rằng, khi khám phụ khoa định kỳ, chị em còn được bác sĩ tư vấn về sức khỏe sinh sản, cách phòng, tránh thai an toàn, hiệu quả, thậm chí còn giúp phát hiện được những rối loạn về nội tiết, tâm lý... để có hướng điều trị.

Với chị em bình thường thì nên khám phụ khoa định kỳ ít nhất 1 lần/năm, còn những người có tiền sử mắc các bệnh phụ khoa thì nên khám bệnh ở “vùng kín” 6 tháng/lần.

Thông thường khi khám phụ khoa, bác sĩ sẽ cho siêu âm phần phụ và vú; soi cổ tử cung để chẩn đoán các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục dưới; soi tươi dịch âm đạo giúp chẩn đoán các mầm bệnh gây viêm nhiễm đường sinh dục như vi khuẩn, nấm, trùng roi, lậu... Nếu bạn có nhu cầu, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm HPV tìm virus gây ung thư cổ tử cung; phết tế bào âm đạo - cổ tử cung để sớm phát hiện rối loạn tế bào tiền ung thư cổ tử cung, âm đạo. Còn nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm chẩn đoán sớm ung thư vú.

Theo Báo Phụ nữ Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh