CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:00

Hiểm họa cháy nổ rình rập làng nghề

 

Kinh nghiệm xương máu từ những vụ cháy nhà xưởng: “Đề phòng cháy lây”
Được lãnh đạo xã La Phù giới thiệu là một trong những doanh nghiệp lớn và đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy tốt nhất xã La Phù, Công ty Dệt may Minh Phương, với quy mô nhà xưởng lên đến khoảng 2000m2 và khoảng 150 lao động, tuy nhiên thực tế ghi nhận tại đây cho thấy hệ thống PCCC của Cty này cũng đã được đầu tư cả chục năm nay. Còn giấy chứng nhận nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, theo ông Tạ Tương Huỳnh, Giám đốc Cty cho biết là không có. Cty có 10 người có chứng chỉ về phòng chống cháy nổ, và thường xuyên phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC số 13 để tập huấn nghiệp vụ cho người lao động.
Nhớ về vụ cháy kinh hoàng tại Công ty cổ phần kỹ nghệ Châu Âu và Công ty TNHH Nam Việt, Cty Đức Cường, có nhà xưởng “sát vách” với Cty mình, ông Tạ Tương Huỳnh không khỏi rùng mình cho biết: "Thời điểm xảy ra hỏa hoạn năm ngoái, đó là vào đêm 6/12 nên mọi người rất bối rối trong công tác cứu hộ. Mặc dù phát hiện sớm, nhưng do hàng hóa trong nhà xưởng toàn đồ dễ cháy nên ngọn lửa bùng lên rất nhanh, không thể kiểm soát được, khiến cho nhà xưởng công ty cũng nhanh chóng bị cháy lây".

Nhiều vụ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn về người và của do hàn xì gây ra (Ảnh Chu Lương)
Trong khi lực lượng cứu hỏa chưa có mặt, một mặt chúng tôi huy động công nhân di dời hàng hóa, mặt khác tiến hành phun nước chữa cháy. May mắn Cty có 3 bể nước khoảng 200m khối nên đã chủ động được lúc hỏa hoạn, không gây ra thiệt hại đáng kể, nhưng các kho xưởng của một số Cty khác bên cạnh đã bị thiêu rụi do cháy lan”.
Mặc dù vụ cháy đã xảy ra gần một năm, nhưng cho đến nay các cơ sở trên vẫn chưa thể khắc phục để đi vào hoạt động. Từ Công ty Dệt may Minh Phương nhìn qua vách tường bị đục thủng trong vụ cháy năm ngoái xảy ra tại Công ty cổ phần kỹ nghệ Châu Âu và Cty Đức Cường, cho thấy hiện nay, các doanh nghiệp này vẫn chưa thể khắc phục xong những thiệt hại nặng nề do vụ hỏa hoạn gây ra. Những mảng tường bị cháy đen, nhiều mặt hàng hóa giá trị bị cháy rụi... toàn bộ là một đống tro tàn, cho thấy phải mất một thời gian dài nữa, các doanh nghiệp này mới  có thể đi vào hoạt động trở lại. 

 

Vụ cháy của công ty “hàng xóm” năm 2016 khiến Công ty Dệt may Minh Phương suýt thành nạn nhân (Ảnh Chu Lương)

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Khoa, Phó chủ tịch UBND xã La Phù cho biết, trong vụ cháy này, lực lượng PCCC đã điều động hàng chục xe nước cùng cán bộ, chiến sĩ đến chữa cháy. Vụ cháy đã thiêu rụi nhà xưởng của Công ty cổ phần kỹ nghệ Châu Âu với diện tích 600m2, gây sập đổ hoàn toàn, cháy lan làm biến dạng, sụp đổ mái nhà xưởng Công ty TNHH Nam Việt có diện tích 600m2 với cùng kết cấu và một phần mái, kết cấu của Công ty TNHH Đức Cường với diện tích 100m2. Tổng diện tích nhà xưởng bị lửa cháy rụi khoảng 1.300m2, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Hiểm họa cháy nổ luôn rình rập 
Có thể nhận thấy hiện nay, tại các làng nghề truyền thống, nguy cơ cháy nổ luôn hiện rõ. Những nguyên nhân gây ra cháy có thể xuất phát từ những thói quen rất nhỏ của người dân như hút thuốc trong kho, xưởng có nhiều vật liệu dễ cháy. Cháy do chập điện, do hàn xì… đây là điều có thể dự báo được, và thực tế nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng thời gian gần đây do chập điện, hàn xì... đã minh chứng cho việc xem thường công tác phòng chống cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

 

Vụ hỏa hoạn xảy ra năm ngoái tại xã La Phù khiến cho khoảng 1.300m2 nhà xưởng của nhiều doanh nghiệp bị lửa thiêu rụi, cho đến nay vẫn chưa thể khắc phục được (Ảnh Chu Lương)

 

Ghi nhận tại làng nghề La Phù, huyện Hoài Đức, một thực tế dàng nhận thấy, đó là những trục đường chính nườm nượp xe bốc, dỡ, những nhà xưởng san sát nhau được ngăn bởi những bức tường bằng tôn, mái che. Hàng hóa được xếp chồng lên nhau từ trong nhà ra tận ngoài ngõ. Những mặt hàng dễ cháy như vải, đồ nhựa, hàng điện tử, đặc biệt là những điểm hàn xì, một trong những nguyên nhân gây cháy nổ nghiêm trọng thời gian gần đây nằm san sát các cửa hàng, nhà xưởng. Đó là chưa kể những sản phẩm hàng hóa và hóa chất nguyên liệu dễ cháy như bìa cát tông, đồ gỗ, vải vóc… thế nhưng hầu như công tác PCCC ở đây không được chú trọng.

 

Do được chú trọng về công tác phòng cháy chữa cháy nên may mắn Công ty Dệt may Minh Phương không bị cháy lây (ảnh Chu Lương)

 

Bên cạnh đó, do sự cần thiết cho việc kinh doanh, sản xuất do vậy những nhà xưởng này thường phải dùng một lượng điện khá cao, nhiều xưởng sản xuất cả ngày lẫn đêm, nhưng hệ thống dây điện thì được nối chằng chịt cả ngoài đường lẫn bên trong các nhà xưởng, vậy nên nguy cơ chập điện, cháy nổ luôn hiện hữu. Tại các xưởng sản xuất cũng không hề lắp đặt trụ nước để đề phòng cháy nổ xảy ra.
Ông Nguyễn Hữu Khoa, Phó chủ tịch UBND xã La Phù cho biết, hiện toàn xã có khoảng 120 hộ (chủ yếu là cơ sở dệt may, làm bánh kẹo), quy mô hộ gia đình, mỗi hộ sử dụng từ 3-5 lao động, nhiều thì 10-20 người. Riêng số lao động các tỉnh khác đăng ký lưu trú,tạ trú tại địa phương khoảng 500 người, một con số khá lớn. Tuy nhiên, về công tác an toàn phòng chống cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất này dường như là con số không, mọi việc mới chỉ dừng lại ở các buổi tập huấn, tuyên truyền, do đó nếu có hỏa hoạn xảy ra thì thiệt hại về người và của là khó tránh khỏi.
Theo thống kê của phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Đức, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện Hoài Đức đã xảy ra 10 vụ cháy, 22 sự cố cháy, thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu đồng. Riêng tại xã An Khánh đã xảy ra 3 vụ cháy, sự cố cháy mà nguyên nhân chủ yếu do chập điện và mất an toàn khi sử dụng nguồn lửa. Trong đó nghiêm trọng nhất là vụ cháy xảy ra ngày 29/7, tại xưởng sản xuất bánh, sô-cô-la ở thôn Thượng Thụy, xã Đức Thượng khiến 8 người chết, nhiều người bị thương, cùng toàn bộ hàng hóa giá trị bị thiêu rụi.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh