THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:35

Hết thời chủ đầu tư tự "gắn sao" cho chung cư

 

Nếu không đáp ứng đủ các tiêu chí, chủ đầu tư sẽ không thể tự ý gắn mác chung cư cao cấp để bán giá cao cho khách hàng.
Thông tư 31/2016/TT-BXD sẽ chính thức có hiệu lực từ hôm nay (15/2/2017), quy định các tiêu chí cụ thể về phân hạng và công nhận hạng chung cư. Việc phân cấp dự án nhà chung cư được giải thích để để xác định giá trị của nhà chung cư trong việc quản lý, cũng như giao dịch trên thị trường.
Theo quy định tại Thông tư 31, các dự án nhà chưa thành lập ban quản trị thì chủ đầu tư đề nghị công nhận hạng nhà chung cư. Với các dự án đã thành lập được Ban quản trị thì Ban quản trị nhà chung cư đề nghị công nhận hạng nhà chung cư.
Để phân hạng nhà chung cư, Thông tư 31 cũng quy định cụ thể các nhóm tiêu chí về quy hoạch – kiến trúc; về hệ thống thiết bị kỹ thuật; tiêu chí về dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và tiêu chí về chất lượng, quản lý vận hành.
Theo Thông tư 31, các tòa nhà chung cư sẽ được phân hạng vào 3 nhóm, gồm:
Hạng A: là nhà chung cư đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được phân hạng theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Thông tư này, đồng thời phải đạt tối thiểu 18 trên tổng số 20 tiêu chí theo hướng dẫn tại phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
Hạng B: là nhà chung cư đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được phân hạng theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Thông tư này, đồng thời phải đạt tối thiểu 18 trên tổng số 20 tiêu chí theo hướng dẫn tại phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
Hạng C: là nhà chung cư đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được phân hạng theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Thông tư này nhưng không đạt đủ tiêu chí để công nhận hạng A và hạng B theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Trước khi thông tư 31 được ban hành, hầu như chưa có một Quy định chính thức nào về phân hạng nhà chung cư. Điều này dẫn tới tình trạng, không hiếm chung cư dù được gắn mác cao cấp trên thị trường nhưng thường xuyên bị than phiền về chất lượng công trình và dịch vụ khác xa so với quảng cáo khi để xảy ra tình trạng như: nứt tường gây thấm, nứt sàn tầng hầm, không có nước sạch, thiếu tiện ích.
Để khắc phục tình trạng này, trước khi có Luật Nhà ở 2014, Bộ Xây dựng đã có Thông tư về việc phân hạng các chung cư, phân khúc BĐS. Tuy nhiên, quy định này không đi vào cuộc sống do chưa sát thực tiễn.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản từng cho hay, hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều doanh nghiệp tự nhận dự án của mình là chung cư cao cấp để định giá bán “trên trời”, áp phí quản lý cao “ngất ngưởng”. Tuy nhiên, chất lượng toà nhà hoàn toàn không đúng với giá trị khách hàng bỏ ra dẫn đến nhiều kiện tụng, tranh chấp.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Nhà ở - Bộ Xây dựng, những xung đột giữa người dân mua, sinh sống tại các dự án đối với Chủ đầu tư, Ban Quản lý liên quan đến chất lượng dự án, chất lượng căn hộ cũng như không gian xanh, công viên, sân chơi… ở các dự án chung cư đang xuất hiện với tần suất dày hơn, nhiều hơn. Người dân đóng tiền, mua nhà với giá của những căn hộ hạng sang, chung cư cao cấp nhưng sau khi nhận nhà chất lượng không tương xứng, tiền đã đóng, nhà đã mua, nhiều người đành phải bấm bụng chấp nhận.
Còn theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, phân khúc chung cư (cả kể hạng giá rẻ, cao cấp) đang có tính thanh khoản rất tốt. Tuy nhiên, tên gọi của các dự án cao cấp, siêu cao cấp đang bị lạm dụng và ảnh hưởng lớn đến giá trị thực của thị trường bất động sản, các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như niềm tin của người dân vào thị trường bất động sản.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh