CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:20

Héo hắt miền Trung

 

Rừng ở Tây Nguyên khô hạn xác xơ.

 

Khát…!

“Nắng nóng như ri người còn héo khô huống chi cây. Dân quê chủ yếu sống bằng nghề nông. Từ đầu năm tới giờ nắng hạn liên tục mà chẳng có mưa. Cứ đà này thì dễ mất hết cả lúa lẫn màu. Dân lại khổ cực trăm bề!”, bà lão tên Lành ở thung lũng Ayun đông nam tỉnh Gia Lai nói khi nhìn xuống chân ruộng đã nứt toác những đường nứt tử thần đối với cây lúa. Cặm cụi, bà lão cùng ông lão cắt từng chân lúa đang khô cháy gom lại từng bao mang về. Những giọt mồ hôi cố vắt ra từ người nhỏ xuống cứu cây chưa kịp chạm mặt đất đã vội vã hóa khí bay về trời. “Đau lắm mà cứu không đặng. Người còn không có nước huống gì cây. Cứ nắng hoài nắng mãi, lúa chết, cây chết, rồi người cũng sẽ chết thôi”, cụ ông chua xót.

Dải đất miền Trung -  Tây Nguyên vốn đã chịu nhiều cơ cực nay càng cơ cực hơn bởi thời tiết quá khắc nghiệt. “Nắng chi mà ác nghiệt ri trời!”, chị nông dân đất Phú Yên ngửa mặt nhìn trời thở dài trên cánh đồng mấy chục ha không còn một giọt nước. Chỉ tay về phía những đoạn kênh thủy lợi giòn rụm rêu của mùa nước trước, chị than thở: “Mùa khát năm nay nghiêm trọng quá. Người dân khắp dải miền Trung đang gồng mình chống hạn, đào vét khắp nơi để tìm nguồn nước ngầm cứu lúa, cứu cây, cứu người nhưng đâu có thấy”.

Một trong những con sông ở miền thượng du đã giảm mực nước đáng kể trong nhiều năm qua.

 Biết rằng sẽ đối mặt với thiếu đói nhưng nhiều gia đình vẫn đành phải cắt bỏ lúa cho trâu bò ăn vì không còn nước tưới. Thiếu nước, nhiều vùng đất sẽ trở thành đất chết vì không có nước để canh tác mà người dân chỉ biết sống bằng nông nghiệp.Nước cứu cây đã chẳng thể, đến nước cứu người cũng lắm gian nan. Những công trình đại thủy nông ở Gia Lai, Đắk Lắk, Ninh Thuận cũng đang ngắc ngoải khi mực nước của hồ xuống thấp dưới mực nước chết. Thảm thực vật xung quanh hồ chứa bị khai thác triệt để chỉ còn đồi trọc. Nước ngầm theo đó cũng ít đi và chẳng còn nước để dự trữ trong hồ cho việc cứu cây, cứu người nữa. Nhiều nơi ở Gia Lai, người dân đã phải đi làm thuê chỉ để lấy tiền mua nước sinh hoạt hằng ngày. Lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã phải khẩn cấp công bố thiên tai hạn hán trên địa bàn tỉnh với cấp độ rủi ro thiên tai thuộc cấp độ 1.

Người dân Gia Lai phải đi chắt từng giọt nước về sinh hoạt.

Cây cối héo úa vì khô khát. Ruộng đồng nứt nẻ. Nhiều người dân phải thay phiên nhau vào rừng, chắt từng giọt nước từ khe đá đem về nhà phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

Bất lực...!

Thiếu nước sản xuất sẽ đối mặt với thiếu đói trong tương lai gần, nhưng thiếu nước sinh hoạt thì đời sống trở nên cơ cực tức thì. Ban đầu người dân còn nổi “cơn tam bành” với đơn vị cấp nước, kiến nghị tới chính quyền nhưng rồi nhận thấy cái khó trong hoàn cảnh ngặt nghèo này, thôi thì đành tự cứu mình trước khi trời cứu. Ngay cả những đơn vị cấp thoát nước, những ban lãnh đạo của các hồ đập, cả chính quyền địa phương cũng chia sẻ sự bất lực của mình, điều đó khiến nhiều người quan ngại và chẳng biết làm gì ngoài việc cầu mưa. Ấy thế nên mới có chuyện bi hài khi nhiều địa phương ở Gia Lai mới đây vì không tìm được nguồn nước tưới và sinh hoạt đã phải nhờ thầy phong thủy đi tìm mạch nước để đào giếng, nước tìm chẳng thấy, thầy lặn mất tăm. Rồi đến chuyện không tìm được nguồn nước, cả làng góp gạo, góp tiền... lập đàn cầu mưa, nhưng ông trời cũng chẳng ưu ái cho họ được.Nắng hạn quay quắt khiến một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên phải ban hành thông báo tình hình thiên tai hạn hán khẩn cấp trên địa bàn. Tại tỉnh Gia Lai có tới 7.000 ha đất bị khô hạn, và có 900 ha lúa bị khô cháy. Tỉnh Đắk Lắk có trên 100.000 ha cà phê bị khô hạn, và khả năng thiếu nước trong thời gian sắp tới, mực nước ngầm xuống thấp do nhiều hộ dùng các máy bơm công suất lớn để tưới tiêu.

Người dân Phú Yên đi lấy nước ngọt về dùng.

Nông dân Krông Pa (Gia Lai) đi mót lại củ mỳ vì khô hạn lâu ngày.

Ở Phú Yên, Khánh Hòa và các tỉnh ven biển miền nam, việc xâm thực mặn cũng đã lấn sâu vào nội đồng. Trong mùa khô năm 2015, các tỉnh Tây Nguyên đã thiệt hại 1.690 tỷ đồng. Những con số thống kê sẽ khiến nhiều người giật mình và sợ hãi. Năm nay, với tình hình như bây giờ chắc hẳn sự thiệt hại còn khủng khiếp hơn. Ngoài hàng trăm ngàn ha cà phê, lúa, hoa màu bị đe dọa, đàn gia súc hơn 900.000 con của 5 tỉnh Tây Nguyên cũng đang chịu áp lực do việc thiếu nước uống, thức ăn và dễ phát sinh dịch bệnh.

Theo người dân, những năm trước đào 10 giếng thì 9 giếng có nước, vậy mà năm nay ông trời cứ như trêu ngươi khi đào 10 thì chỉ 1-2 giếng có nước, dù đã khoan sâu tới cả trăm mét. Miền Trung héo hắt vì khô hạn!

HỮU CƯỜNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh