Hệ lụy khôn lường từ rượu bia không rõ nguồn gốc
- Y học 360
- 12:16 - 01/02/2023
Gia tăng số ca nhập viện do rượu bia dịp cận Tết
Vẫn biết sử dụng rượu bia là không tốt, thế nhưng rượu lại là thức uống uống thường xuất hiện trên mỗi bàn tiệc, đặc biệt trong những dịp tết đến xuân về. Uống nhiều rượu cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm hơn nếu chẳng may uống phải rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu trôi nổi thì nguy cơ ngộ độc rượu cũng rất cao.
Theo các chuyên gia về an toàn thực phẩm, các loại rượu không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là rượu pha từ cồn công nghiệp thường chứa methanol. Đây là hóa chất có độc tính cao, ở hàm lượng thấp có thể gây mờ, mù mắt, tổn thương thần kinh, hàm lượng cao sẽ khiến người uống rượu ngộ độc, tử vong.
Những ngày gần đây, theo ghi nhận tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai có ngày bệnh viện tiếp nhận hàng chục trường hợp nhập viện do liên quan đến rượu bia. Nhẹ thì say xỉn, nôn mửa, ngứa ngáy. Nặng thì hôn mê, tụt huyết áp cùng các tổn thương não nặng nề do suy hô hấp, hạ đường máu. Khi nói đến tác hại của rượu bia, mọi người thường chỉ nghĩ đến hậu quả gây rối loạn tâm thần, xơ gan và tai nạn giao thông. Tuy nhiên trong thực tế hậu quả lớn nhất của uống rượu bia đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều.
Theo Cục An toàn thực phẩm, nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…).
Trong 1 "đơn vị rượu" thường có từ 8 - 14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương: 1 lon bia 270 - 330ml từ 2 đến 12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml từ 9 đến 18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ. Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu 1 ngày được coi là lạm dụng rượu.
Uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần; Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần thực hiện các nguyên tắc sau:
Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
Triệt phá nhiều cơ sở rượu không đảm bảo
Cuối năm 2022, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Đội QLTT số 7 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh rượu thủ công do Trần Quỳnh Trâm (Khu đô thị mới, Tân Triều, Thanh Trì) làm chủ, đã phát hiện 510 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Được biết, số rượu này được chủ cơ sở thu mua trôi nổi trên thị trường, không kiểm định chất lượng.
Cơ sở kinh doanh rượu ngâm của Đào Quang Mạnh và Vũ Quang Hiến, cùng trú tại La Khê, Hà Đông. Hơn 100 bình rượu ngâm động vật và thực vật không có tem nhãn. Chủ cơ sở khai nhận mua rượu trắng xong về ngâm với các sản phẩm động thực vật, kênh phân phối và tiêu thụ chính là mạng xã hội zalo, facebook.
Đây chỉ là 2 trong số hàng chục vụ việc mà Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an triệt phá trong thời gian qua, nhu cầu sử dụng rượu gia tăng, các đối tượng sẽ tiếp tục lợi dụng để sản xuất, kinh doanh rượu giả, rượu kém chất lượng. Do đó, nguy cơ người dân sử dụng phải rượu kém chất lượng, rượu không nguồn gốc xuất xứ là rất cao nếu như các vụ việc không được xử lý triệt để.
Đứng trước thực trạng đó, lực lượng QLTT thời gian qua xác định mặt hàng rượu, bia là mặt hàng trọng điểm, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt nhằm bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát đối với sản phẩm rượu do dân tự nấu, tự pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, việc thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu. Đặc biệt là ở những địa bàn trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.
Chú trọng các hành vi vi phạm về sản xuất đồ uống có cồn bất hợp pháp gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người tiêu dùng; hành vi buôn bán, kinh doanh rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không thực hiện việc dán tem rượu nhập khẩu, tem rượu sản xuất trong nước.