THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:58

HĐND TP. Hà Nội chất vấn: “Nóng” vấn đề quản lý đô thị

Sẽ xử lý dứt điểm tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo trong quý I-2018

Đại biểu Nguyễn Huy Được (huyện Ba Vì) đặt câu hỏi trách nhiệm xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo thuộc về ai và tiến độ như thế nào? Đề nghị Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, khâu quy hoạch đã được thực hiện như thế nào mà lại để xảy ra nhà siêu mỏng, siêu méo?

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Lê Vinh cho biết, những năm trước đây, tình trạng nhà siêu méo, siêu mỏng xảy ra là do chưa có quy định đầy đủ về việc giải quyết vướng mắc khi thu hồi đất trong quá trình mở đường.  Tuy nhiên hiện nay, văn bản pháp quy đã có đủ để xử lý vấn đè nhà siêu méo, siêu mỏng. “Từ năm 2015, khi mở đường đã có quy hoạch, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương phối hợp xử lý các trường hợp siêu méo, siêu mỏng. Đầu tiên là thuyết phục các gia đình, nếu không thỏa thuận được sẽ áp dụng quy định của thành phố để xử lý . Chúng tôi đang làm vành đai 2, xuất hiện hơn 40 siêu méo, siêu mỏng, 20 gia đình đã đồng ý hợp thửa hợp khối, hơn 20 đang tiếp tục động viên, nếu không hợp khối được sẽ vận dụng quy định của thành phố để xử lý dứt điểm”, ông Lê Vinh nói.

Đại biểu Nguyễn Huy Được chất vấn về nhà siêu mỏng, siêu méo

 

Đại biểu Đoàn Việt Cường (huyện Mê Linh) chất vấn Sở Xây dựng và các cơ quan, địa phương liên quan về các vi phạm nhà siêu mỏng, siêu méo. Theo ông Cường, hiện, vẫn còn nhiều quận chưa xử lý dứt điểm các tổn tại cũ và để phát sinh các vi phạm mới trong xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo. Nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp xử lý như thế nào? 

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do khi mở đường cắt vào nhà dân, đặc biệt là ở thời điểm Hà Nội mở đường để tổ chức SEA Games 23. Những nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện nhiều ở trục đường Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, Đào Tấn, Văn Cao, Thanh Nhàn…

Theo quy định, những nhà đủ điều kiện là chiều sâu không nhỏ hơn 3m, hình dạng không quá méo mó, phản cảm. Hiện nay Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành liên quan đã phân chia 132 nhà siêu mỏng, siêu méo thành 3 nhóm: 

Nhóm 1: Có 52 trường hợp tồn tại từ gần 13 năm nay như ở Nguyễn Chí Thanh, Đào Tấn, Văn Cao, giờ không thể thu hồi được vì người dân đã ổn định kinh doanh, sinh hoạt. Sở Xây dựng đã đi kiểm tra và nhận thấy, những nhà này đã được gia cố, chỉnh trang lại, kết cấu chắc chắn và cũng hạ độ cao. Vì vậy, Sở đề nghị UBND các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa mạnh dạn đề xuất những trường hợp đủ điều kiện, đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo an toàn sinh hoạt thì có thể được giữ nguyên trạng.

Nhóm 2: Có 54 trường hợp, cao 5 tầng, mỏng, nhìn xấu và phản cảm, gây nguy hiểm thì UBND các quận kiên quyết thu hồi.

Nhóm 3: Có 18 trường hợp có thể chỉnh trang, sửa chữa lại được thì UBND các quận đề xuất và hướng dẫn người dân chỉnh trang theo đúng quy chuẩn, đảm bảo số tầng... để có thể ổn định được.

Về 56 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn đọng từ năm 2014 – 2016 xuất hiện ở khu vực vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5…, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đến nay đã hết thời gian gia hạn nên sắp tới sẽ có phương án kiên quyết thu hồi và không để phát sinh thêm. Những trường hợp này sẽ được tiến hành xử lý từ quý I-2018.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến Trúc Lê Vinh khẳng định, quy định pháp luật để xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đã rất đầy đủ

 

Trước câu hỏi về việc năm 2017 phát sinh 8 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo mới ở đường Phạm Văn Đồng, ông Lê Văn Dục cũng khẳng định, sẽ kiên quyết không để cho xây dựng vì đây là những nhà được xây dựng trên mảnh đất méo mó, không đủ tiêu chuẩn.  Trước chất vấn của Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc: “Đề nghị đồng chí cho biết thời gian thực hiện bao giờ xong?”, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục khẳng định, Sở Xây dựng và các sở, ngành phấn đấu trong quý I-2018 sẽ tham mưu xử lý kiên quyết, dứt điểm.

Cưỡng chế đối với những hộ dân không tự khắc phục

Đại biểu Vũ Ngọc Anh (quận Nam Từ Liêm) đặt câu hỏi liên quan công tác quản lý trật tự xây dựng, thực hiện kết luận chất vấn của chủ tọa tại kỳ họp thứ 2, 3 năm 2016, UBND TP đã giao quận huyện, thị xã, các sở liên quan xử lý nghiêm các tồn đọng trước ngày 30/9/2017 và không để xảy ra các vi phạm mới, nhưng đến nay vẫn còn tồn tại 154 công trình vi phạm của năm 2015, 2016 và 345 công tình mới của năm 2017 chưa được xử lý dứt điểm …

 Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục thừa nhận, vấn đề vi phạm trật tự xây dựng, Sở Xây dựng xác định đây là những vấn đề nghiêm trọng, gây bức xúc kéo dài, rất khó giải quyết triệt để.

Về những tồn đọng trước 31-12-2016, Sở đã tích cực giải quyết và còn 114 trường hợp vi phạm. Từ đầu tháng 1- 2017 đến 20-10-2017, còn 154 trường hợp vi phạm đã được Sở Xây dựng phúc tra. Vấn đề vi phạm trật tự xây dựng diễn ra rất nghiêm trọng, gây bức xúc kéo dài, khó giải quyết triệt để, do đó, sau kỳ họp HĐND thành phố tháng 7-2017, Sở Xây dựng đã tổ chức các đoàn kiểm tra tới 30 quận, huyện, thị xã. Từ 13-7 đến 30-11, Sở đã giải quyết còn 123 trường hợp. 

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục khẳng định, sẽ cưỡng chế những trường hợp vi phạm nếu người dân không tự khắc phục

 

Giám đốc Sở Xây dựng cũng cho biết, tính đến 31-11-2017, 17.422 công trình đã được kiểm tra và trong đó có 1.916 trường hợp vi phạm. Sở đã giải quyết được 70% và vẫn còn 345 công trình vi phạm - con số này vẫn còn cao và phát sinh mới năm 2017 còn 122/1.916 trường hợp vi phạm trên đất không được phép xây dựng và trên đất công, đất nông nghiệp. 

345 trường hợp vi phạm trong năm 2017 đã được hoàn thiện hồ sơ, phương án, chuyển về chính quyền địa phương để ra quyết định xử phạt hành chính và hình thức khắc phục, đạt 70% (tỷ lệ này năm 2016 chỉ đạt 10%). Hiện nay, thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch và giải quyết cưỡng chế đối với những chủ sở hữu và người dân không tự khắc phục. 

Đối với 123 trường hợp tồn đọng từ năm 2016 và vi phạm trong năm 2017, các sở:  Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư đang tiếp tục giải quyết và dự kiến xong trong năm nay.

 

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh