HĐBA Liên hợp quốc: Đại dịch và các thách thức đối với giữ vững hòa bình
- Tây Y
- 21:29 - 13/08/2020
Làm trầm trọng hơn nguồn gốc của xung đột như nghèo đói, tị nạn
Nhấn mạnh đại dịch Covid-19, các đại biểu cho rằng không chỉ ảnh hưởng riêng lĩnh vực y tế mà tác động sâu sắc, còn rộng khắp và ở mọi cấp độ, mọi khía cạnh của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội.
Đặc biệt, tại các khu vực và các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột, đại dịch làm trầm trọng hơn nguồn gốc của xung đột như: Nghèo đói, tị nạn, bất ổn xã hội, khủng hoảng nhân đạo; đe dọa đảo ngược các tiến trình xây dựng hòa bình, an ninh và phát triển khu vực.
Nhiều đại biểu cho rằng quá trình ứng phó với đại dịch là cơ hội để tăng cường hợp tác quốc tế và sự thống nhất trong hệ thống LHQ - một trong những ưu tiên trong quá trình cải tổ LHQ hướng đến hòa bình bền vững, kết nối ba trụ cột về an ninh, phát triển và bảo đảm quyền con người.
Phát biểu tại cuộc họp, các nước đánh giá cao việc HĐBA thông qua Nghị quyết 2532 với yêu cầu đình chiến ngay lập tức ở tất cả các khu vực trong chương trình nghị sự của HĐBA, góp phần hiện thực hóa Lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ về ngừng bắn toàn cầu;
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và trách nhiệm chung trên cơ sở chủ nghĩa đa phương trong cuộc chiến chống Covid-19; kêu gọi cách tiếp cận có sự tham gia của toàn hệ thống, từ trụ sở LHQ đến các phái bộ trên thực địa, từ các tổ chức khu vực, tiểu khu vực cho đến khu vực tư nhân và các bên liên quan để có thể củng cố các tiến trình xây dựng và gìn giữ hòa bình trong bối cảnh đại dịch.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã chia sẻ những tác động sâu sắc của đại dịch đến mọi mặt đời sống nhất là ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột trên thế giới, đe doạ đến những tiến triển đạt được trong tiến trình xây dựng hòa bình và khiến tình hình nhân đạo tại các khu vực này trở nên tồi tệ hơn.
Chống Covid-19 là cuộc chiến không của riêng ai
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh để giải quyết cuộc khủng hoảng có hệ lụy đa chiều cần có những giải pháp toàn diện, do đó, ở cấp độ quốc gia, cần sự tham gia, vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, củng cố thể chế, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác, trong đó cần dành sự quan tâm, hỗ trợ đến các nhóm dễ bị tổn thương như người già, phụ nữ và trẻ em.
Ở cấp độ toàn cầu, cần thúc đẩy các nỗ lực hợp tác đa phương. Trên cơ sở đó, Việt Nam hoan nghênh việc HĐBA đã thông qua Nghị quyết 2532 về ứng phó với Covid-19 và Lời kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ về ngừng bắn toàn cầu.
Đồng thời kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia trong bối cảnh đại dịch.
Phó Thủ tướng đề cao vai trò của các Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ trong việc hỗ trợ các quốc gia; cho rằng sự tham gia và phối hợp đồng bộ của toàn hệ thống LHQ đóng vai trò quyết định trong việc hiện thực hoá cam kết xây dựng nền hòa bình và phát triển bền vững.
Chia sẻ kinh nghiệm của ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định vai trò quan trọng của các tổ chức khu vực. Và cho biết trong cuộc chiến chống Covid-19, Indonesia và Việt Nam cùng các nước ASEAN khác đã huy động sức mạnh chung của Cộng đồng nhằm bảo vệ sức khỏe của tất cả người dân, vực dậy nền kinh tế và không để những tác động của đại dịch ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực.
Cho rằng "cuộc chiến chống Covid-19 là cuộc chiến không của riêng ai", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng khẳng định cam kết của Việt Nam và kêu gọi tăng cường hợp tác và đoàn kết quốc tế để cùng nhau ứng phó thành công với đại dịch.
Ngày 1/7/2020, HĐBA LHQ đã thông qua Nghị quyết 2532 với 15/15 phiếu thuận với nội dung chính nhằm kêu gọi các bên xung đột ngừng tham chiến để tạo điều kiện cho hỗ trợ và tiếp cận nhân đạo, ứng phó với đại dịch và ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của TTK LHQ Antonio Guterres.