Hãy ngừng ngay việc phán xét trẻ khi bạn không phải là cha mẹ chúng
- Y học 360
- 04:25 - 06/05/2020
Có một đứa bé khoảng 2 tuổi - con trai của người mẹ ngồi bàn cafe đối diện mình - đang đùa giỡn, chạy quanh bàn cafe, cậu bé khá năng động trong bộ đồ màu đỏ và nụ cười rất thích thú. Tôi rất thích nhìn cách cậu nhóc đùa giỡn, mọi thứ xung quanh cậu đều mới và cậu đang thoả sức khám phá...
Người phụ nữ tầm 40 tuổi đến sau khoảng 30 phút, đặt chiếc giỏ lên bàn:
- Ơ... Con em đấy à? Cháu bao nhiêu tháng đấy?
- Dạ cháu 25 tháng.
- Mẹ mày nuôi thế nào mà trông còi thế này?
Vì vô tình ngồi đối diện với mình, mình quan sát thấy rõ người mẹ từ đang cười rất tươi xã giao trở thành nụ cười rất sượng. Còn đứa trẻ? Nó vẫn nô đùa với mọi đứa trẻ khác, nó chẳng hề biết và cũng chẳng cần biết.
Bạn luôn cảm thấy khó chịu khi người khác nói về những nhược điểm của bạn nhưng bạn lại rất hả hê khi xoáy vào những khuyết điểm của người khác?
Thằng H. mập, con M. lé, ông D. lùn... Chúng ta thậm chí lấy cả khuyết điểm của một người khác để dùng làm "tên gọi" của họ bất chấp họ tỏ ra khó chịu.
Hàng ngày, chúng ta gặp rất nhiều trường hợp với rất nhiều câu nói kiểu vậy. Và đáng buồn hơn đó là chính ta lại thấy bình thường, nói điều đó trong vô thức và không cảm nhận rằng chúng ta đang mắc phải lỗi giao tiếp rất cơ bản:
- Tại sao con mày nhìn chút xíu vậy?
- Sao dạo này mập vậy?
- Mày nay nhìn già vậy?...
Điều này rất kiêng kỵ trong giao tiếp vì nó có thể khiến cho người đối diện không còn hứng thú gì để chia sẻ với bạn. Và khi một ai đó không mở lòng với bạn, chắc chắn mối quan hệ ấy sẽ không bền lâu. Thậm chí là mất đi một mối quan hệ.
Mình từng khám dinh dưỡng cho nhiều bé và bản thân mình cảm nhận rõ sự buồn bã và cả sự thất vọng trong đôi mắt người mẹ khi thấy con mình nhẹ cân. Hơn ai hết, họ là người chịu nhiều sự dày vò của bản thân nhất khi con còi, con không lên cân.
Đừng nên phán xét cân nặng của một đứa nhỏ. Vì bạn không có cái quyền ấy. Bạn chỉ được phán xét một đứa nhỏ khi mà cha mẹ chúng cho phép. Người đầu tiên áp lực và tổn thương là mẹ của đứa bé khi thấy con mình chậm lên cân hoặc không lên cân chứ không tới lượt người ngoài như bạn đâu!
Bạn chỉ nhìn đứa bé và phán ngay nó "còi" bất kể chưa biết nó nặng bao nhiêu, cao bao nhiêu, quá trình từ nhỏ đến lớn ra sao... thì cuộc sống của bạn cũng rất dễ "hút" những người phán xét bạn một cách phiến diện như vậy mà thôi.
Dù bạn là anh là chị hay là họ hàng gì với ba mẹ bé, bạn cũng không có quyền phán xét bé. Sau này, mình cũng sẽ không bao giờ cho phép ai phán xét con mình, kể cả mình là cha mẹ của bé. Thay vào đó, mình sẽ giải thích và để con tự cảm nhận thế giới xung quanh dưới góc nhìn của con, để con phát triển tự nhiên nhất mà không gây bất kỳ áp lực nào lên chúng.
Lấy cân nặng của một đứa trẻ ra để phán xét là một điều rất "thiếu tế nhị" và nó phản ánh chính con người của chúng ta. Bản thân người mẹ đã áp lực và stress vì vấn đề này từ rất lâu rồi, không cần đến bạn xoáy thêm nỗi đau hay làm tổn thương thêm người làm cha làm mẹ.
Nếu cha mẹ của bé tin bạn, họ sẽ chia sẻ một cách tự nhiên, không cần bạn nói. Còn nếu không, hãy tìm những điều tốt mà khen họ. Tại sao đứa trẻ kháu khỉnh, nô đùa với đôi mắt tinh anh như vậy không khen mà chỉ nhìn thấy mọi thứ đều là khuyết điểm?
BS CKI. Nguyễn Thanh Sang hiện đang công tác tại Khoa Ung bướu Huyết học, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP Hồ Chí Minh) là bác sĩ khá nổi tiếng trong ngành Nhi khoa, được nhiều người gọi với biệt danh "bác sĩ yêu trẻ con". Bác sĩ Sang thường chia sẻ nhiều phương pháp điều trị bệnh cho trẻ khoa học, đơn giản và dễ hiểu. Ngoài ra, trên trang cá nhân, bác sĩ cũng hay đăng tải các bài viết, thông tin về sai lầm khi chăm con nhiều bố mẹ mắc phải.