THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:25

Hãy nghĩ về khán giả của mình - việc đầu tiên bạn cần làm để có một bài diễn thuyết thành công

Là một diễn giả thành công và là huấn luyện viên cho các diễn giả tại TED từ 2015, Briar Goldberg tin rằng khả năng giao tiếp hiệu quả là một lợi thế to lớn cho bất cứ ai muốn trở nên thành công hơn. Theo Goldberg, sai lầm lớn nhất trong thuyết trình mà đa số các diễn giả thường mắc phải chính là đi sai hướng: Mọi người thường dành rất nhiều thời gian để lên ý tưởng, chuẩn bị nội dung bài thuyết trình hay tìm kiếm tài liệu trước khi dành thời gian để cân nhắc về khán giả của mình. Bài thuyết trình của bạn dành cho đối tượng nào? Khán giả của bạn mong muốn được nghe những gì?

Việc không hiểu được nhu cầu của khán giả sẽ khiến bài thuyết trình bạn dày công chuẩn bị trở nên lãng phí. Nếu người nghe cảm thấy điều bạn đang cố gắng truyền đạt không thỏa mãn nhu cầu của họ, họ sẽ khó tiếp thu được tư tưởng mà bạn muốn gửi gắm trong bài nói. Tệ hơn nữa, họ có thể thấy chán và không muốn nghe tiếp bài thuyết trình đầy tâm huyết của bạn.

Để thấu hiểu được nhu cầu của khán giả không phải là một việc khó khăn. Nếu bạn nắm bắt được tâm lý của người nghe, chắc chắn bài thuyết trình tiếp theo của bạn sẽ thành công rực rỡ.

Vậy làm thế nào để "bắt bài" được khán giả?

Ngoài những yếu tố hiển nhiên như độ tuổi, giới tính hay nghề nghiệp, bạn cần suy xét sâu hơn về nhu cầu của người nghe. Nhu cầu này có thể được gói gọn trong 2 điểm sau: "Mục đích của khán giả là gì?" và "Họ sẽ đưa ra quyết định như thế nào sau khi nghe bài diễn thuyết của mình?"

Hãy nghĩ về khán giả của mình - việc đầu tiên bạn cần làm để có một bài diễn thuyết thành công - Ảnh 1.

Thấu hiểu mục đích của khán giả khi tham dự bài thuyết trình

Những câu hỏi sau có thể giúp bạn xác định được mục đích cũng như nhu cầu của khán giả khi tham dự bài thuyết trình của bạn:

"Tại sao những người này lại sẵn sàng dành thời gian quý báu của họ để đến nghe mình thuyết trình?"

"Họ mong đợi biết thêm được điều gì từ bài diễn thuyết của mình?"

"Làm thế nào để ý tưởng của mình thỏa mãn được nhu cầu của họ?"

Một khi bạn xác định được những điểm này, bạn có thể tạo nên một bài diễn thuyết đánh trúng trọng tâm. Khán giả của bạn sẽ hào hứng hơn, tập trung hơn khi nghe bạn nói, ghi nhớ tốt hơn những thông điệp bạn truyền tải, và ấn tượng về bạn như một diễn giả đầy sức hút.

Làm gì khi ý tưởng của bạn không giống với nhu cầu của khán giả?

Mỗi diễn giả đều có một thông điệp riêng mà họ muốn truyền tải trong bài diễn thuyết của mình. Tuy nhiên, đôi lúc mục tiêu bạn muốn truyền tải có thể không trùng với nhu cầu của khán giả. Trong trường hợp này, công việc của bạn là thuyết phục khán giả tin rằng thông điệp mà bạn muốn truyền tải sẽ có ích cho nhu cầu của họ.

Một trong những bài TED Talks thành công nhất trong năm qua thuộc về chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ Matt Walker. Thành công của Walker nằm ở chỗ vị diễn giả này đã thuyết phục được các khán giả của mình rằng giấc ngủ là khoản đầu tư đáng giá nhất cho quỹ thời gian của mỗi người, từ đó khuyến khích mọi người nên ưu tiên chăm sóc cho chất lượng giấc ngủ của mình.

Hãy tìm hiểu xem khán giả của bạn sẽ đưa ra quyết định như thế nào sau khi nhận được thông điệp của bạn

Bạn không thể tác động được tư tưởng của một người nếu bạn không biết họ cần những thông tin gì để đưa ra quyết định. Ví dụ, khi một người bán hàng muốn thuyết phục bạn mua một chiếc máy tính mới, bạn sẽ không đưa ra quyết định cho đến khi bạn biết được giá bán. Tương tự, khi bạn diễn thuyết, khán giả của bạn sẽ không tiếp thu tư tưởng mà bạn muốn truyền đạt nếu bạn không cung cấp được những thông tin thiết yếu - những thông tin có khả năng khiến họ thay đổi suy nghĩ.

Hãy nghĩ về khán giả của mình - việc đầu tiên bạn cần làm để có một bài diễn thuyết thành công - Ảnh 2.

Thông thường, khán giả sẽ chia thành 3 loại: chuyên gia - người hiểu rõ về chủ đề mà bạn diễn thuyết, người chưa biết gì, hoặc những người ở trình độ giữa 2 bậc trên.

Khi diễn thuyết cho một chuyên gia: Hãy sử dụng những bằng chứng cụ thể, khách quan và đáng tin cậy. Ví dụ, nếu bạn là một người môi giới nhà đất đang hi vọng thuyết phục các khách hàng đầu tư vào một loại hình bất động sản mới, bạn cần đưa ra các dẫn chứng, số liệu cụ thể từ các nguồn tin cậy.

Khi diễn thuyết cho những khán giả không biết rõ về chủ đề thuyết trình: Bạn cần nhấn mạnh vào uy tín chuyên môn của bản thân. Ví dụ, khi Goldberg thuyết trình trước đối tượng này, bà thường nhấn mạnh về kinh nghiệm giảng dạy kĩ năng thuyết trình của mình để tạo dựng lòng tin của khán giả vào năng lực chuyên môn của bà. Ngoài ra, việc nhắc tới những nguồn tham khảo uy tín cũng là một điểm cộng giúp người nghe tin vào các thông tin trong bài nói của bạn.

Khi diễn thuyết cho tập hợp khán giả gồm cả hai đối tượng trên: Hãy đánh vào cảm xúc, bởi cảm xúc là chất xúc tác tuyệt vời để thuyết phục con người và kích thích họ thay đổi tư tưởng.

Tất cả những thông tin về khán giả của bạn có thể được tìm thấy từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó những người tổ chức sự kiện là nơi nhanh nhất để bạn có thể liên lạc và hiểu hơn về đối tượng khán giả của mình. Một khi bạn thành công trong việc nắm bắt được nhu cầu của người nghe, bạn sẽ thành công trong việc truyền tải được thông điệp của mình.

Minh Hiền

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh