THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:11

Hậu phong tỏa chống dịch, tiêu dùng ì ạch, kinh tế Trung Quốc chịu "phản ứng phụ"

Nhu cầu trong nước trì trệ

Do các quy định giãn cách xã hội do dịch COVID-19 tại Trung Quốc, cô Emma Wang thay vì đi du lịch hoặc đi chơi đã để dành được 1 khoản tiền kha khá. Khi các biện pháp phong tỏa đang dần dần dỡ bỏ tại hầu hết các tỉnh thành, cô Wang cũng quyết định sẽ chi tiêu số tiền này nhưng vào mục đích khác với ban đầu.

Những gì trải qua trong đại dịch COVID-19 đã khiến cô Wang tin rằng tiền tiết kiệm không chỉ được đầu tư vào dịch vụ y tế mà còn nên dành cho những giây phút quý báu với gia đình. Sự thay đổi suy nghĩ của cô Wang Lau báo hiệu sự thay đổi lớn hơn trong thói quen tiêu dùng của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc.

Đó là chi tiêu tập trung nhiều hơn vào gia đình và thương mại trực tuyến có thể mất một thời gian nữa mới phục hồi được.

Là một thành viên của tầng lớp trung lưu giàu có tại thành phố Thượng Hải, cô Wang tin rằng cho dù phải học trực tuyến, nhưng cô vẫn muốn con trai 8 tuổi Pi Dan tiếp tục tham gia các lớp học thêm về nghệ thuật và đàn piano.

Cô cũng đã quyết định bán đi chiếc xe mui trần để mua 1 chiếc ô tô minivan 7 chỗ để đưa bố mẹ cô đang sinh sống ở thành phố Trùng Khánh đi chơi dài ngày hoặc thăm họ hàng. "Gần đây, tôi đã nghĩ rất nhiều về những ưu tiên cá nhân. Sau khi dịch bệnh qua đi, tôi sẽ trân trọng những dịp đặc biệt mà cả gia đình có thể ở bên nhau. Không có lý do gì lại cắt giảm các khoản chi tiêu này".

Theo các chuyên gia, kể từ tháng 3 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã khôi phục nền kinh tế thành công khi tỉ lệ nhà máy hoạt động đang ở mức 70 - 95% so với trước khi xảy ra dịch. Tuy vậy, nhu cầu trong nước khá trì trệ. Doanh số bán lẻ trong tháng 3 đã giảm 15,8% so với năm ngoái, kéo dài xu hướng giảm sút của 2 tháng đầu năm. Chi tiêu trong tháng cho ăn uống tại nhà hàng đã giảm 46,8% và doanh số bán xe giảm 18,1%.

Chủ yếu bắt nguồn từ lệnh phong tỏa

Việc giảm chi tiêu chủ yếu bắt nguồn từ lệnh phong tỏa. Theo ông Aaronenia Victorino, người đứng đầu chiến lược châu Á tại ngân hàng tư nhân SEB, về lý thuyết, người tiêu dùng thành thị có khả năng tạo ra sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ khi đất nước dỡ bỏ lệnh phong tỏa và người dân được phép tự do đi lại.

"Mặc dù các biện pháp hạn chế đi lại đã được dỡ bỏ đối với trên cả nước, nhưng người dân vẫn sợ hãi khi phải ra đường. Phần lớn mọi người vẫn chọn ở nhà nhiều nhất có thể. Điều này cho thấy nỗi sợ bị lây bệnh vẫn còn lớn", ông Victorino nói.

Ông Aidan Yao, chuyên gia kinh tế cao cấp về nền kinh tế mới nổi ở châu Á tại hãng AXA Investment Manager, cho biết sự thay đổi trong hành vi chi tiêu thời hậu Covid-19 đã dẫn đến sự phục hồi tiêu dùng không đồng đều. Điều này có thể gây áp lực lên nền kinh tế trong một thời gian nữa.

"Chi tiêu hộ gia đình sẽ đóng vai trò quyết định. Bị ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội và những biến động của thị trường lao động, chi tiêu của khu vực này cho ăn uống tại nhà hàng, xem phim, đi du lịch và những thứ đòi hỏi sự tương tác giữa người với người sẽ bị hạn chế nhiều. Một số lĩnh vực dịch vụ, như khách sạn, giải trí và hàng không, có thể chưa hồi phục cho đến năm sau" ông Yao nói.

Cô Carol Sun, một người dân Thượng Hải khác, vẫn tự áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội mặc dù giới chức thành phố đã nới lỏng các biện pháp hạn chế. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng pháp, cô Sun chuyển đến một căn hộ nhỏ hơn để giảm bớt chi phí bảo trì căn hộ và tiếp tục tránh đi ăn với bạn bè vì các nhà hàng nổi tiếng rất đông khách.

Khả năng phục hồi có khả quan?

Mặc dù các trung tâm mua sắm đã chứng kiến ​​sự sụt giảm lớn về lưu lượng khách hàng do dịch bệnh, nhưng những người trong cuộc vẫn lạc quan về tương lai cho thị trường hàng xa xỉ tại đất nước đông dân nhất thế giới. Ông Tim Schlick, giám đốc chiến lược của công ty tiếp thị Platinum Guild International, cho biết mặc dù Trung Quốc đã là thị trường tiêu thụ trang sức bạch kim lớn nhất thế giới, nhưng nó vẫn đang phát triển không ngừng.

"Sau khi hết dịch COVID-19, mọi người sẽ cảm thấy trân trọng hơn các mối quan hệ. Tại Trung Quốc, mọi người đều thích mua và nhận những các món quà ý nghĩa" ông Schlick nói.

Cô Geraldine Chew, giám đốc điều hành của công ty quản lý sự kiện Uniplan, cho biết xu hướng tiêu dùng của người dân Trung Quốc đang thay đổi, khi mọi người "mong muốn tạo ra sự kết nối tinh thần với các thương hiệu". Một sự phát triển khác có thể làm giảm bớt ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 chính là sự phát triển của tầng lớp những người yêu thích mua hàng trực tuyến.

Tháng trước, Tuần lễ thời trang Thượng Hải đã hợp tác với sàn thương mại điện tử Tmall để phát sóng toàn bộ buổi trình diễn thời trang trực tuyến, biến nó trở thành sự kiện thời trang đầu tiên trực tuyến đầu tiên trên thế giới.

"Đại dịch này đã thực sự thay đổi khách hàng và cách tiếp cận của chúng tôi với những trải nghiệm về các sự kiện và triển lãm ảo. Ở châu Âu, người tiêu dùng thiên về cách tiếp cận thẩm mỹ và nghệ thuật. Còn tại Trung Quốc, người ta tìm kiếm sự gắn kết và trải nghiệm kĩ thuật số." cô Chew nói.

Cũng theo cô Chew, với một thị trường khổng lồ có tới 1,4 tỷ dân, Trung Quốc đang phục hồi kinh tế tốt hơn so với phần còn lại của thế giới. "Một số thương hiệu đã bão hòa ở Châu Âu. Tiềm năng thị trường là ở đây" cô Chow nói.

 

Thu Ngọc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh