Hậu chơi Tết, làm thế nào để biết mình bị phạt nguội?
- Công nghệ mới
- 21:36 - 11/02/2019
Ôtô vô tư lấn làn trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai ngày 10/2/2019 vừa qua
Làm thế nào để tra cứu biết lỗi bị phạt nguội?
Văn bản số 6215/ĐKVN-VAR của Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) đã yêu cầu các đơn vị Đăng kiểm trên cả nước phải củng cố bộ phận tiếp nhận thông tin để hỗ trợ của khách hàng (người đưa xe đi kiểm định - PV), kiểm tra và thông báo tình trạng phương tiện có hay không có cảnh báo vi phạm (chưa nộp phạt các án phạt nguội). Nếu phương tiện có cảnh báo vi phạm, đơn vị đăng kiểm thông báo cụ thể: đến thời điểm hiện tại phương tiện có thông báo vi phạm theo văn bản, số, của cơ quan nào… để chủ xe hoàn thiện thủ tục trước khi đưa xe đến các trạm đăng kiểm.
Chính vì vậy, các chủ xe trước khi đưa xe đi kiểm định hoàn toàn có thể liên lạc với các trung tâm đăng kiểm tại địa phương (hoặc trung tâm nơi muốn thực hiện việc đăng kiểm xe) để có thêm thông tin về việc vi phạm quy định giao thông đối với chiếc xe của mình.
Sau thời gian thử nghiệm, trang web chính thức mới được nâng cấp của Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã hoàn thiện phần tra cứu Kiểm định xe cơ giới, mục Tra cứu dữ liệu, hoặc theo địa chỉ: http://www.vr.org.vn/ptpublic_web/ThongTinPTPublic.aspx
Ở phần nhập thông tin, một số yêu cầu để có thể hoàn thiện được việc tra cứu thông tin phương tiện có bị phạt nguội hay không, bao gồm:
- Xác định xe mang biển trắng hay biển xanh để điền thông tin chính xác.
- Phải có số tem, giấy chứng nhận đăng kiểm hiện tại của xe.
- Nhập mã xác thực có phân biệt chữ in hoa hoặc chữ thường.
Sau khi đã nhập đầy đủ thông tin, hệ thống dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ cung cấp cho bạn thông tin về việc chiếc xe có bị phạt nguội hay không (Phần Thông báo của cơ quan chức năng ở cuối cùng của trang thông tin dữ liệu).
Cần bao lâu để giải quyết một vụ tai nạn giao thông?
Trong khá nhiều thắc mắc về thời gian giải quyết các vụ tai nạn giao thông trong trường hợp không để lại hậu quả nghiêm trọng hay phải khởi tố vụ án, và hai bên xảy ra va chạm đã giải quyết, dàn hòa với nhau (có thỏa thuận đền bù lẫn nhau), bởi rõ ràng trong thực tế đã có nhiều tai nạn đã xảy ra, các bên gây ra tai nạn đã thỏa thuận được với nhau, trong khi thông tin về vụ tai nạn giao thông đã được các cơ quan tiếp nhận (tạm giữ giấy tờ xe hay tạm giữ phương tiện).
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công An), “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông, cơ quan Cảnh sát giao thông phải tiến hành xem xét, điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông. Trường hợp phải thông qua giám định chuyên môn hoặc cần phải có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.”
Điều này đã được quy định tại các văn bản pháp quy như:
Thông tư số 77/2012/TT-BCA ngày 28/12/2012 quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông đường bộ
Thông tư số 06/2013/TT-BCA ngày 29/01/2013 quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường sắt của Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt.