THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:16

Hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ trên đất Pháp

 

105 năm đã qua kể từ ngày 5/6/1911, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó là anh Ba phụ bếp trên tàu) lần đầu đặt chân đến nước Pháp – mẫu quốc của chủ nghĩa thực dân, với mong muốn tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.

 

hanh trinh tim duong cuu nuoc cua bac ho tren dat phap hinh 0

Trước tượng đài Bác Hồ ở Công viên Montreau.


Sau một tháng vượt biển, người phụ bếp trên tàu Amiral La Touche - Tréville đến Marseille, đánh dấu lần đầu tiên Người đặt chân đến nước Pháp. Người ở nước Pháp gần 7 năm (1911,1912,1917-1923,1927), qua 5 thành phố, bến cảng, từ Marseille, Le Havre, Saint Adresse, Dunkerque… trong đó chủ yếu là thủ đô Paris.

 Trong cuốn «Hồ Chí Minh», tác giả Pierre Brocheux viết «Anh Ba đến cảng Marseille chỉ có 10 francs trong túi và tìm thấy ở đây nhiều điều tốt đẹp về nước Pháp, cho phép so sánh giữa nước Pháp bản địa với chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương… Nhưng trong thời gian chờ tàu dỡ hàng, anh đã quan sát và chứng kiến ở nước Pháp cũng có những người nghèo như ở xứ sở mình, hay tình trạng trộm cắp, gái bán hoa và đặt câu hỏi: «Tại sao người Pháp không «khai hóa» đồng bào của nước họ trước khi khai hóa chúng ta?»

Tác giả Pierre Brocheux nhận xét về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nhiều năm nghiên cứu về Người: «Từ sâu thẳm trong lòng, nếu bạn hỏi tôi nghĩ gì về Chủ tịch Hồ Chí Minh, câu trả lời thực sự rất đơn giản. Tôi có ấn tượng giống như tất cả những ai từng may mắn được biết đến Người. Rằng đây là một con người nhân văn nhưng cũng rất quyết đoán tìm ra những giải pháp và quyết tâm làm đến cùng với mục tiêu đã đặt ra. Đặc biệt, đó là một con người rất chân thực và tình nghĩa, giản dị. Một con người rất sáng suốt, tinh anh, một con người không bao giờ đánh mất niềm tin và mục tiêu của mình. Người đã trải qua nhiều giai đoạn đau khổ và khó khăn nhưng đã vượt qua được hết, nhìn rõ những gì đang xảy ra và rút ra được bài học từ đó».

 

hanh trinh tim duong cuu nuoc cua bac ho tren dat phap hinh 1

Địa chỉ số 1 Le Havre.


Tiếp đến Marseille, anh Ba đã cùng con tàu tới cảng Le Havre, và ngày nay, tại ngôi nhà số 1, phố Admiral Courbet, Le Havre - nơi Người từng sống, có đặt một biển đồng lưu niệm ghi lại dấu chân Người. Theo các tư liệu, nhà cách mạng Nguyễn Tất Thành đã gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ cho biết tình hình và địa chỉ của cha là Nguyễn Sinh Huy. Thư cho biết đã gửi cho ông Nguyễn Sinh Huy ba ngân phiếu nhưng chỉ nhận được một lần trả lời. Thư ký tên Paul Tất Thành và kèm theo địa chỉ hòm thư tại số 1, phố Admiral Courbet, Le Havre.

 Theo một tư liệu mới được phát hiện vào năm ngoái, có địa điểm tại thị trấn ven biển ngoại ô Le Havre có tên là Saint Adresse - là nơi Bác từng làm vườn thuê cho một gia đình giàu có trong thời gian đợi sửa tàu. Tại buổi lễ tôn vinh sự có mặt của Bác tại thành phố này tổ chức năm ngoái, Thị trưởng thành phố đã khẳng định: “Dấu vết của một giấc mơ cũng thực như dấu vết của một bước chân”.

Dù chỉ trong khoảng một tháng ngắn ngủi lưu lại Sainte Adresse khi con tàu La Touche - Tréville dừng chân để sửa chữa trong giai đoạn 1911-1912, người thợ phụ bếp, sau đó là người thợ làm vườn “Anh Ba” - đã để lại một sợi dây kết nối nhân văn đến kỳ lạ. Ngôi nhà ngày xưa Người từng làm vườn nay vẫn còn đó, khu vườn vẫn còn nhưng thu hẹp lại và thay vào đó là hai tòa chung cư cao. Và sắp tới, ở nơi đây, một dự án nghiên cứu cụ thể sẽ được tiến hành giữa chính quyền Sainte Adresse với Việt Nam.

 

hanh trinh tim duong cuu nuoc cua bac ho tren dat phap hinh 2

Sổ lưu niệm trong không gian Hồ Chí Minh với các dòng chữ của Đại sứ và Thị trưởng Montreuil.


Xúc động cùng các cán bộ Việt Nam đi thăm lại những dấu tích của Bác Hồ, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn nói: “Đến đây, cá nhân tôi cảm nhận được những tình cảm quý mến nồng hậu của những người bạn Pháp đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, với nước Việt Nam nói chung. Sắp tới đây, Đại sứ quán và Đảng ủy sẽ tổ chức những chuyến đến thăm không những cho các cán bộ mà cả thanh niên, thế hệ trẻ, sinh viên, thanh niên trong cộng đồng người Việt tại Pháp đến thăm những nơi Bác Hồ từng sống và làm việc tại Pháp để gợi lại quá trình ra đi, phấn đấu tìm đường cứu nước của Bác cũng như truyền thống vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước, đó là những bài học tốt để thế hệ trẻ ngày nay noi gương Bác phấn đấu và làm việc”.

 

hanh trinh tim duong cuu nuoc cua bac ho tren dat phap hinh 3

Ngôi nhà số 9 ngõ Compoint.


Tại Paris, có ít nhất 5 địa điểm Bác từng sống trong thời gian hoạt động cách mạng tích cực. Thiêng liêng nhất và được nhắc tới nhiều nhất là tại địa điểm số 9 ngõ Compoint, nơi Người sống từ  tháng 7/1921 đến 14/3/1923. Trong hoàn cảnh điều kiện sống thiếu thốn, Nguyễn Ái Quốc đã cho ra đời nhiều tác phẩm bài báo, truyện ngắn, kịch… tố cáo tội ác của chủ nghĩa tư bản nói chung và thực dân Pháp tại Đông Dương. Ngày nay, ngôi nhà đã không còn như trước, trở thành một khu chung cư cao tầng và bên dưới có gắn tấm biển đồng ghi lại dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây. Căn phòng Người từng sống tại đây được chuyển về tái dựng tại Bảo tàng Lịch sử sống tại công viên Montreau thuộc thành phố Montreuil ngoại ô Paris. Cũng tại công viên, nhiều bà con người Việt và bạn bè Pháp thường xuyên qua lại thăm và tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Ngoài ra, tại Paris, phải kể đến các địa điểm như nhà số 56 phố Monsieur Le Prince - nơi Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Tổng thống Mỹ dự Hội nghị hòa bình Versaillé đề nghị ủng hộ bản Yêu sách của nhân dân An Nam, thư đề ngày 18/6/1919; hay ngôi nhà số 6 phố Villa De Gobellins ở quận 13 Paris - nay tấp nập người châu Á- nơi Nguyễn Ái Quốc ở chung với hai ông Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh.

 

hanh trinh tim duong cuu nuoc cua bac ho tren dat phap hinh 4

Lý lịch của Hồ Chí Minh.


Các tài liệu của mật thám Pháp theo dõi Người được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại Pháp cũng như nghiên cứu của các chuyên gia Pháp đều làm sáng tỏ lý tưởng và mong mỏi tìm con đường cứu nước cho dân tộc của nhà cách mạng Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc ngay từ những ngày đầu. Đồng thời, nhà cách mạng Hồ Chí Minh có cái nhìn khách quan và nhân văn đối với nhân dân Pháp – trong đó có không ít nhân dân yêu chuộng hòa bình – khác với bọn thực dân Pháp tại Đông Dương.

 Trả lời phóng viên VOV, bà Olivia Pelltier, chuyên gia lưu trữ phụ trách kho tư liệu về Đông Dương, trong đó bao gồm những tư liệu quan trọng về Hồ Chí Minh tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại Pháp cho biết có sự quan tâm đặc biệt của độc giả, của các chuyên gia đối với kho tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung tâm: «Có nhiều độc giả quan tâm đến bộ tư liệu Hồ Chí Minh mà chúng tôi lưu trữ ở đây. Rất nhiều nhà nghiên cứu Pháp, Mỹ… và đặc biệt Việt Nam tìm đến trung tâm để tra cứu những tư liệu này. Đã có nhiều đồng nghiệp làm lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tới đây và họ rất hài lòng khi tiếp cận với nhiều tư liệu quý tại đây”.

Riêng tôi đã gắn bó với việc lưu trữ bộ tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 8 năm qua. Nhiều khi thật xúc động khi bên cạnh những bức ảnh chính thức của một chính trị gia vĩ đại, lại thấy một vài bức ảnh rất đời thường, vui vẻ, thanh thản và tươi cười”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh