THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:30

Hành trình thiện nguyện của Tanpopo

 

Lấy đam mê tiếng Nhật làm lộ phí từ thiện

Chúng tôi đến thăm lớp học tiếng Nhật của một chàng trai 8X, Nguyễn Công Nguyên, một căn phòng trong nhà truyền thống Karate, mà Nguyên sinh hoạt để dạy học. Lớp học đủ các thành phần, người đi làm, kẻ đi học.

Đây là lớp học tiếng Nhật từ thiện do Nguyên thành lập từ năm 2014, bắt đầu chỉ có 25 thành viên nhưng đến nay đã có 45 thành viên tham gia. Chia sẻ “duyên” Tiếng Nhật với lớp, là người từng trải qua những khó khăn mới bắt đầu học, Nguyên cho biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Nguyên làm việc cho một công ty Nhật Bản tại Đà Nẵng, với vốn tiếng Nhật ít ỏi, Nguyên gặp phải nhiều khó khăn trong công việc, anh nói: “Khi giao việc, cấp trên giải thích nhưng mình chưa hiểu hết ý nên không làm đạt yêu cầu họ giao, nguy hiểm hơn nếu làm sai ý họ. Từ đây mình hiểu hơn được khi làm việc với người Nhật,  không hiểu kỹ một vấn đề gì đó thì hỏi, đừng hiểu nôn na mà đi làm thì khi làm sẽ bị sai, mà thời gian sửa sai đó lại tốn rất nhiều so với thời gian họ giải thích thêm cho mình, thậm chí là tốn tiền bạc”. Từ đó, Nguyên quyết tâm học thêm tiếng Nhật.

Lớp học tình nguyện.

Nguyên cho biết: “Thời gian 2014 thì các công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng tăng lên, hơn nữa tìm kiếm công việc ổn định đối với các bạn mới ra trường rất khó khăn nên việc trang bị thêm một ngoại ngữ, đặc biệt Tiếng Nhật thì sẽ có nhiều cơ hội để tìm kiếm công việc ổn định hơn”. Hiện tại, lớp học đã có 2 thành viên đang làm ở Nhật, và 2 thành viên  tháng 4/2016 sẽ sang Nhật, riêng một bạn vừa du học bên Nhật.

Anh Nguyễn Tân An, quê Huế, học công nghệ thông tin và đang làm cho một công ty Nhật tại Đà Nẵng, cho biết: “Tôi bắt đầu học tiếng Nhật ở lớp này từ tháng 9/2015, với mong muốn hiểu và giao tiếp tốt hơn trong công việc”. Chị Đào Thị Lan Anh, một tư vấn viên cũng tham gia lớp học này từ tháng 9/2015 với niềm đam mê tiếng Nhật.

Từ lớp học tiếng Nhật, Nguyên bắt đầu thành lập câu lạc bộ thiện nguyện Tanpopo để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Nguyên cho biết: “Từ quỹ lớp học, sau khi trang trải nhu cầu cho việc dạy - học mình đem số tiền ấy giúp cho mọi người cùng ấm no, vượt qua khó khăn. Câu lạc bộ còn mở quỹ bán áo cờ đỏ sao vàng, các vật dụng học tập tại ký túc xá các trường Đại học trên địa bàn Đà Nẵng”.

Tấm lòng Bồ công anh

Nguyễn Công Nguyên sinh ra trong một gia đình thuần nông, ngay từ nhỏ, Nguyên đã tự lo lắng cho cuộc sống. Cha Nguyên mất sớm, một mình mẹ lặn lội với mấy sào ruộng nuôi anh ăn học. Đến khi vào Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Anh được người Dì giúp đỡ tiền học phí, còn anh tự làm thêm để trang trải cuộc sống và những khoản học phí. Nguyên cho biết: “Thấu hiểu được cuộc sống khó khăn của mình cùng như đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh ngoài xã hội nên đã tụ nhũ bản thân sau này cố gắng chia sẻ, giúp đỡ phần nào cho những hoàn cảnh khó khăn hơn”.

Trong hơn 1 năm thành lập câu lạc bộ từ thiện Tanpopo (Nghĩa là Bồ công anh), Nguyên mong muốn mỗi tấm lòng trong câu lạc bộ sẽ như hoa bồ công anh tỏa ra khắp nơi bay đến mọi nẻo đường khó khăn nhất. Nhóm đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực như nấu cháo từ thiện tại bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, cuối tháng 3/2015, tặng quà các hoàn cảnh khó khăn ở trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, tặng quà cho người nghèo và người già neo đơn tại huyện Tiên Phước, Quảng Nam, tặng quà cho các em thiếu nhi tại trường bán trú bán trú Zuôih, xã Zuôih, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam…

Nhóm thiện nguyện

Câu lạc bộ đã tập hợp các bạn đam mê thiện nguyện tại các trường Đại học và những người đi làm, bạn Nguyễn Văn Đức, sinh1993, quê Nghệ An, đang là sinh viên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, chia sẻ, cũng như Nguyên, Đức sinh ra trong một gia đình thuần nông, cuộc sống vùng quê vẫn còn nhiều khó khăn. Đức bắt đầu tham gia bằng các hoạt động tình nguyện tại huyện Tiên Phước. Ngoài ra, Đức còn bán hàng gây quỹ cho nhóm. Đức cho biết: “Lần mình vào Tiên Phước đi thăm các cụ già, các cụ tuổi cao vẫn ở ngôi nhà lụp sụp, nền đất lạnh. Mình thấy nhiều cảnh đời khổ hơn nơi quê hương mình và mình mong muốn giúp đỡ nhiều hơn nữa. Lần đó, nhóm đã tặng các cụ gạo, nước mắm và mì tôm,…”

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Nguyên cho biết: “Mình muốn xây dựng một CLB Từ Thiện lớn được nhiều người, nhà hảo tâm đồng lòng chung tay cùng CLB để khi đó mình không chỉ tặng những xuất quà nhỏ mà có thể giúp đỡ họ có một tương lai tươi sáng hơn: Giúp những công cụ làm ăn như Máy may, xe nước mía...để họ có thể tự mình thoát khỏi khó khăn, hay kinh phí lớn thì ủng hộ xây trường, cầu bệnh xá cho những vùng sâu vùng xa. Vì “Mình cho cần câu sẽ tốt hơn cho cá”. 

HUYỀN TRANG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh