Hành trình tạm biệt quê hương của những du học sinh Việt
- Bác sĩ
- 06:55 - 13/08/2020
Đã hơn 8 tháng trôi qua kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và lan rộng ra nhiều nước trên khắp thế giới. Dịch bệnh đe doạ người dân châu Á, khiến nước Mỹ trở thành tâm dịch lớn nhất toàn cầu và cũng khiến cả châu Âu phải áp dụng những biện pháp chưa từng có trong lịch sử để đối phó với dịch bệnh.
Trong cơn khủng hoảng Covid-19 cách đây khoảng 4 tháng, nước Ý được coi là tâm dịch của cả châu Âu với số ca nhiễm và tử vong gia tăng liên tục. Nước Ý còn là nơi có khá đông đảo người dân Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập. Khi ấy, hầu hết người Việt tại Ý đều mong muốn trở về quê hương, mong muốn được bảo vệ sức khoẻ và tinh thần tại nơi mình luôn được chào đón.
Hàng khách xếp hàng làm thủ tục tại Ga Quốc tế - Sân bay Nội Bài.
Sau khi xếp hàng làm thủ tục, mọi người tìm cho mình những vị trí thoáng đãng, vắng vẻ để ngồi chờ đến giờ bay.
"Chúng mình phải trở lại Ý dù thật lòng chưa muốn đi"
Đến thời điểm hiện tại, may mắn rằng nước Ý đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh do áp dụng hàng loạt biện pháp phòng dịch cứng rắn và kịp thời. Đồng thời, đây cũng là thời điểm rất nhiều du học sinh Việt Nam về nước trong đợt dịch cũng phải quay trở lại Ý học tập.
Quang Anh - hiện đang theo học Thạc sĩ chuyên ngành Truyền thông tại Đại học Milan (Ý) cho biết, sở dĩ cậu bạn phải quay trở lại Ý trong thời điểm này dù đã có thẻ cư trú là bởi không được xuất cảnh quá 6 tháng theo quy định của nước bạn. Quang Anh cũng như nhiều bạn bè khác của mình, đều đã về Việt Nam từ Tết Nguyên đán, do vậy việc trở lại Ý giờ đây là điều gần như bắt buộc nếu muốn tiếp tục chương trình học một cách thuận lợi.
"Nếu rời Ý quá 6 tháng thì chúng mình sẽ phải xin lại visa, khá tốn thời gian mà kết quả lại không thể chắc chắn. Do vậy chúng mình đã phải trở lại Ý dù thật lòng chưa muốn đi" - Quang Anh cho biết.
Có khá đông du học sinh Việt Nam trở lại nước ngoài du học trong thời điểm này.
Một cậu bạn tranh thủ sử dụng wifi tại sân bay.
Một du học sinh Ý khác là N.Linh cũng trong tâm trạng tương tự. Trong thời gian về Việt Nam "tránh dịch", N.Linh đã xin được vị trí tốt trong một toà soạn báo tại TP.HCM. Thời điểm hiện tại cô nàng vẫn chưa muốn trở lại Ý do còn nhiều việc phải làm, đồng thời cũng lo ngại tình hình dịch bệnh tại nước ngoài. Tuy vậy để đảm bảo quy định lưu trú của Ý, N.Linh đã phải gấp rút sắp xếp công việc tại Việt Nam, xin sự đồng thuận của cấp trên để có thể làm việc từ xa.
Việc phải tạm biệt Việt Nam trong thời điểm này gần như là bắt buộc.
Ga Quốc tế của Sân bay Nội Bài khá vắng khách do tình hình dịch bệnh.
Hành trình tạm biệt Việt Nam: Kiểm dịch cực kỳ chặt chẽ, chuyến bay chỉ lấp đầy 1/3 chỗ ngồi
Không chỉ Việt Nam, tất cả các quốc gia khác trên thế giới đều có những biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Nhóm bạn Quang Anh, N.Linh rời Việt Nam sang Ý trên chuyến bay của Hãng hàng không Emirates Airlines, trước khi khởi hành được quy định phải tuân thủ rất nhiều thủ tục kiểm dịch chặt chẽ.
Đầu tiên, mỗi hành khách trước khi lên chuyến bay đều bắt buộc phải có giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 xét nghiệm trước đó không quá 3 ngày, được cấp bởi cơ quan y tế có thẩm quyền tại Việt Nam. Chuyến bay kéo dài 17 tiếng bao gồm cả 4 tiếng quá cảnh tại Dubai, tờ giấy chứng nhận âm tính này sẽ được kiểm tra cẩn thận đủ 4 lần: 1 lần khi xuất cảnh tại Việt Nam, 1 lần tại Dubai và 2 lần khi nhập cảnh tại Ý.
Các nhân viên hàng không tại Sân bay Nội Bài mặc trang phục bảo hộ nghiêm ngặt.
Tiếp viên hàng không của hãng Emirates Airlines. Giá vé máy bay từ Việt Nam sang Ý của hãng này dao động từ 14-16 triệu đồng/ vé.
Khi lên máy bay, mỗi hành khách đều được phát 1 bộ kit gồm khẩu trang, găng tay và cồn rửa tay. Để đảm bảo quy tắc ngăn chặn lây lan dịch bệnh, máy bay hơn 300 chỗ ngồi nhưng chỉ chở khoảng 100 hành khách, các hành khách đều được bố trí chỗ ngồi giãn cách nhau.
Dubai là nơi thực hiện giãn cách xã hội và có những biện pháp phòng dịch vô cùng nghiêm túc. Theo chia sẻ từng những du học sinh, tại sân bay Dubai luôn có những vạch kẻ với khoảng cách 2 m để mỗi người tự giãn cách với người xung quanh. Các ghế ngồi tại sân bay được lắp lồng kính hai bên hoặc đánh dấu ghế nào được ngồi, ghế nào không được ngồi.
Bộ kit phòng dịch được phát trên chuyến bay của Emirates Airlines.
Những ghế ngồi được đánh dấu tại sân bay Dubai.
Máy bay vắng vẻ, chỉ lấp đầy 1/3 số ghế ngồi.
Còn tại Ý, sau 2 vòng kiểm tra tất cả các giấy tờ cần thiết, đặc biệt là giấy chứng nhận âm tính Covid-19, nhóm du học sinh mới được phép nhập cảnh. Từ sân bay về nơi ở, tất cả đều không được sử dụng phương tiện công cộng mà phải đi xe cá nhân hoặc bắt taxi, giá tiền thực sự tốn kém tuy nhiên đó là quy định và tất cả đều phải thực hiện.
Tại Ý, mặc dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát hiệu quả tuy nhiên Chính phủ vẫn tiếp tục áp dụng rất nhiều biện pháp phòng dịch như yêu cầu cách ly tại nhà 14 ngày đối với những người mới nhập cảnh hoặc phạt từ 300-400 euro nếu như không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Trở lại Ý, những du học sinh của Việt Nam vẫn tiếp tục chương trình học online theo quy định của nhà trường. Tất cả đều hy vọng dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới sẽ nhanh chóng chấm dứt để việc di chuyển về quê hương sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn.
Italy đã ngừng cho nhập cảnh đối với công dân từ vùng Balkan, những người về từ Romania, Bulgaria cũng phải cách ly trong 14 ngày. Dù là quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19 hồi tháng 2, Italy đã dần kiểm soát được dịch nhờ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và cách biệt cộng đồng. Nước này hôm 10/8 ghi nhận 463 ca nhiễm mới và chỉ hai ca tử vong nCoV.
Tổng số ca nhiễm ở Italy hiện gần 251.000 và hơn 35.000 ca tử vong. Trong khi đó, Tây Ban Nha đang dẫn đầu về số ca nhiễm mới ở châu Âu trong hai tuần qua, với tổng số ca nhiễm hiện hơn 370.000 và hơn 28.000 ca tử vong, tiếp đến là các quốc gia Romania, Pháp, Đức, Anh và Ba Lan.