THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:36

Hạnh phúc của nhân dân - mục tiêu cao cả của cách mạng Việt Nam

1. Hạnh phúc là một giá trị nhằm nói tới sự thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Bất cứ quốc gia, dân tộc nào, bất kỳ thời đại lịch sử nào hạnh phúc luôn là khát vọng vươn tới của con người. Mưu cầu hạnh phúc là một quyền cơ bản của con người. Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, các quyền cơ bản của con người, trong đó “quyền mưu cầu hạnh phúc” là chính đáng, không ai có thể xâm phạm được. Kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay, “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã trở thành tôn chỉ quốc gia. Hạnh phúc là mục tiêu cao đẹp nhất gắn liền với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta.

Trên tinh thần đó, kể từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu phấn đấu cao cả và xuyên suốt các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều hướng tới hiện thực hóa mục tiêu này.

Hạnh phúc là mục tiêu cao đẹp nhất gắn liền với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta.

Hạnh phúc là mục tiêu cao đẹp nhất gắn liền với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta.

Có thể khẳng định, trải qua hơn 9 thập niên dưới sự lãnh đạo của Đảng và gần 4 thập niên kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… đã góp phần nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên đáng kể. Trên hành trình đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để mỗi người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của con người, quyền công dân, quyền dân chủ của nhân dân; đồng thời coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết giữa Việt Nam với các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

2. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định và quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc” với các nội dung: Thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đẩy mạnh thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để hướng tới mục tiêu bảo đảm hạnh phúc cho nhân dân một cách thực chất, toàn diện, Đại hội XIII xác định phải thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân trên cơ sở tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự lực, tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc; xây dựng các cơ chế, chính sách, phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam; phát huy tối đa nhân tố con người - coi con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đại hội XIII của Đảng đề cao việc phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đặc biệt coi trọng chỉ số hạnh phúc của người dân để đánh giá về sự tiến bộ, ưu việt của quốc gia. Các yếu tố "dân hạnh phúc", “chỉ số hạnh phúc”, “dân giám sát”, “dân thụ hưởng” là những điểm mới quan trọng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Xác định lấy nhân dân làm trung tâm, lấy ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, có nghĩa là mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu chính đáng, phù hợp của nhân dân; coi nhân dân là một nguồn lực, động lực to lớn, quan trọng của sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, quan điểm “dân thụ hưởng” là một trong những điểm mới, quan trọng được Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập trong tổng thể phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt và đầy đủ hơn của Đảng đến đời sống của nhân dân. Nghĩa là người dân có quyền được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển. Đồng thời, khi người dân được thụ hưởng, được thỏa mãn lợi ích chính đáng sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy tinh thần tích cực, trách nhiệm cống hiến, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của xã hội.

3. Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2023, Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố Báo cáo Hạnh phúc toàn cầu lần thứ 10 về mức độ hạnh phúc của hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ (dựa trên đánh giá trung bình từ năm 2020 đến năm 2022). Kết quả cho thấy, Việt Nam đứng thứ 65/150, tăng 12 bậc so với năm 2020. Đánh giá trên cho thấy, chỉ số hạnh phúc của người dân Việt Nam những năm gần đây được nâng lên đáng kể. Chính người Việt Nam cũng bày tỏ niềm hạnh phúc khi được là công dân Việt Nam, được sinh sống, học tập, công tác, cống hiến ở một đất nước hòa bình, tươi đẹp và phát triển bền vững. Theo khảo sát của một số tổ chức xã hội uy tín trên thế giới, Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ mà người nước ngoài cảm thấy hạnh phúc khi sống, làm việc; 86% người nước ngoài sống ở Việt Nam tham gia khảo sát hài lòng với công việc của họ; 78% hài lòng với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống; 85% hài lòng với chi phí sinh hoạt; 57% hài lòng với chất lượng chăm sóc y tế; 67% nói rằng kết bạn mới dễ dàng khi sống ở Việt Nam... Một vài số liệu trên khẳng định sự thật hiện hữu về quốc gia Việt Nam hạnh phúc đang có những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực.

Công cuộc đổi mới đất nước đang tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội luôn hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Từ một quốc gia nằm trong nhóm nước nghèo nhất trên thế giới, kém phát triển, nay Việt Nam đã vươn lên nhóm nước đang phát triển, có mức thu nhập trung bình, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, là điểm sáng về phát triển kinh tế trong nhiều năm gần đây. Bên cạnh phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội được chú trọng, đảm bảo và đạt nhiều kết quả to lớn. Điều này được minh chứng thông qua tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng cao; công tác xóa đói giảm nghèo trở thành điểm sáng của thế giới; Việt Nam là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều; niềm tin của người dân với Đảng được cũng cố; dân chủ trong Đảng và trong xã hội ngày càng được phát huy; vấn đề an sinh xã hội và an ninh con người ngày càng được đảm bảo. Nhà nước đã dành 21% ngân sách cho phúc lợi xã hội - mức cao nhất trong nhóm các nước ASEAN…

4. Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong điều kiện gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, việc thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, vừa tập trung phát triển kinh tế là thách thức không đơn giản. Song với quyết tâm chính trị cao, Đảng, Nhà nước đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều chủ trương, giải pháp sáng suốt, đúng đắn, linh hoạt, hiệu quả trên quan điểm “dân là gốc”,  “dân thụ hưởng” và được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân nên cơ bản Việt Nam đều đạt được các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra. Một quốc gia hạnh phúc ngày càng định hình rõ nét. Tuy nhiên, hạnh phúc của nhân dân chỉ trọn vẹn khi là công dân của một nước độc lập và có đời sống vật chất ngày càng đầy đủ, đời sống tinh thần lành mạnh. Nhân dân phải là người chủ thực thụ của đất nước và của quá trình phát triển. Mọi người đều có điều kiện để phát triển toàn diện, hướng tới chân, thiện, mỹ. Đó luôn là mục tiêu, động lực để chúng ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết tâm xây dựng, bảo vệ một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng chính là thông điệp mạnh mẽ mà Đảng, Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam quyết tâm “trên dưới đồng lòng” thực hiện và đó cũng là mục tiêu cao cả của cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Xét đến cùng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tồn tại không có mục đích tự thân mà tất cả vì no ấm, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

TS Phạm Thanh Hà Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 1

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh