THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:57

Hành khách còn nhiều cơ hội mua vé tàu Tết

 

Ga Hà Nội thưa vắng khách mua vé đi tàu Tết

 

Khách vẫn “rình” chờ hệ thống “nhả” thêm vé

Dù chỉ còn hơn hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhưng ghi nhận của PV tại ga Hà Nội vẫn rất vắng khách mua vé tàu Tết. Các cửa vé thưa vắng, chủ yếu bán vé cho hành khách đi tàu ngày thường hoặc đi ngay.

Trong khi đó, tại ga Sài Gòn, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, khoảng 5 ngày đầu mở bán, lượng khách đến ga mua vé đông kỉ lục, từ 2.000 - 2.500 khách/ngày; bình quân 5.000 vé/ngày, tăng gần 20% so với cùng đợt bán vé Tết năm trước. Tuy nhiên, sau đó, lượng khách giảm dần, đến nay khách đến mua vé tàu Tết chỉ khoảng vài chục khách/ ngày.

Các hình thức mua vé “không đến ga” năm nay cũng đa dạng hơn trước như: Qua website bán vé, qua ứng dụng trên điện thoại, qua cổng thanh toán liên ngân hàng… Các loại chỗ, các loại tàu, chỗ còn hay hết, hoặc đang chờ bán đều công khai, người mua hay thư ký bán vé đường sắt đều “nhìn” thấy như nhau, cơ hội như nhau nên hành khách hoàn toàn yên tâm mua vé tại nhà.Bà Phạm Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh vận tải đường sắt Hà Nội

Theo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, tính đến 28/11, sau gần hai tháng chính thức mở bán vé tàu Tết Kỷ Hợi 2019 đã bán thành công được hơn 200.000 vé (đã thanh toán) bằng các hình thức: Online, thu hộ, qua tổng đài bán vé, phần mềm ứng dụng trên điện thoại, mua trực tiếp tại cửa vé… Đây là vé trên các mác tàu số chẵn xuất phát trong khoảng thời gian từ 25/1 - 4/2/2019 và tàu số lẻ từ 5 - 19/2/2019. Ngoài ra, còn lượng lớn vé đã đặt chỗ thành công nhưng chưa thanh toán.

Trao đổi với PV, đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, hiện vẫn còn nhiều cơ hội cho hành khách mua vé tàu Tết. Cụ thể, với các tàu chạy ngày không cao điểm trước Tết chiều từ Nam ra Bắc, các mác tàu xuất phát từ ga Sài Gòn, Biên Hòa trong khoảng thời gian từ 25/1 - 3/2/2019 (20 - 29 tháng Chạp Âm lịch) còn gần 20.000 vé. Trong đó, đến Nha Trang còn khoảng 3.000 vé; đến Quy Nhơn khoảng 2.100 vé; đến Quảng Ngãi 550 vé; đến Đà Nẵng 700 vé; đến Huế hơn 100 vé; đến Đồng Hới 1.200 vé; đến Vinh hơn 600 vé; đến Thanh Hóa 3.500 vé; đến Hà Nội còn khoảng 6.200 vé. Tuy nhiên, các tuyến chủ yếu còn vé ghế ngồi mềm lạnh, ghế phụ; lượng vé giường nằm còn lại chỉ tập trung vé đi suốt Thanh Hóa, Hà Nội.

Ngược lại, chiều từ Bắc vào Nam trong và sau Tết (từ ngày 5 - 22/2/2019 (mùng 1 - 18 tháng Giêng, năm Kỷ Hợi), theo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, các tàu Hà Nội - Sài Gòn, Hà Nội - Đồng Hới, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Thanh Hóa còn hơn 46.000 chỗ.

Tuy nhiên, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, chiều từ Bắc vào Nam trước Tết, hành khách khó mua vé hơn. Chị Kiều Anh (Trần Hưng Đạo, Hà Nội) cho biết, vừa vào đặt vé Hà Nội - Vinh tàu Thống Nhất nhưng đã hết vé.

Chị Kiều Anh cho biết, hệ thống bán vé thông báo vẫn còn một lượng vé nhất định nhưng chỉ để dành bán chặng xa. Chị phải thường xuyên vào website bán vé “rình” khi nào ngành đường sắt “nhả” bán chặng Vinh hoặc có tàu tăng cường để mua ngay.

“Theo tôi, ngành Đường sắt nên thông tin rộng rãi khi nào sẽ bán chặng Hà Nội - Vinh cũng như các chặng khác để hành khách tiện vào mua vé. Nếu không thì như hên xui ấy, vì lúc mình vào mạng chưa bán, lúc khác mình vào lại hết vé rồi”, chị Kiều Anh nói.

Lập thêm tàu, nối toa phục vụ khách

Bà Phạm Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, với mác tàu Thống Nhất, đa số hành khách đã mua khứ hồi ngay những ngày đầu mở bán nên không còn vé ngày cao điểm cho chiều từ Bắc vào Nam. Với những ngày khác thì ưu tiên bán chặng xa, khi nào nhu cầu khách đi xa ít thì sẽ “cắt chặng” để bán chặng gần.

Với tàu khu đoạn các tuyến, theo bà Đào đều đã có kế hoạch chạy tàu nhưng không như mọi năm đưa hết lên mạng bán vé ngay từ lúc mở bán. Năm nay, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội chỉ đưa ra bán vé dần từng đoàn tàu tùy theo nhu cầu thị trường. Nếu khách đông, nhu cầu tăng sẽ bán vé các đoàn tiếp theo, nếu khách vắng, có thể điều chuyển để lập thêm tàu các tuyến nhu cầu cao hơn, nối thêm toa xe vào các tàu đông khách hơn, tránh lãng phí phương tiện.

“Các mác tàu khu đoạn tăng thêm chưa mở bán do nhu cầu của khách chưa cao. Hiện, chỉ có mác tàu NA1/2 là tàu Hà Nội - Vinh chạy hàng ngày đã kín chỗ các ngày cao điểm; tàu đi tuyến khác như Hà Nội - Lào Cai vẫn còn rất nhiều. Như vậy, vẫn còn rất nhiều vé tàu khu đoạn đi các tuyến để phục vụ hành khách dịp Tết. Hơn nữa, chúng tôi vẫn đang tiếp nhận các yêu cầu của khách, nếu có phương tiện công ty sẽ tiếp tục lập thêm tàu, nối thêm toa xe”, bà Đào cho biết.

Chia sẻ với PV, đa số hành khách mua vé qua mạng năm nay đều khá hài lòng vì gần như không xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Anh Nguyễn Trần Nhật Hoàng (Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho biết, kể từ khi ngành Đường sắt bán vé tàu điện tử đến nay, anh toàn mua vé tàu về quê nội ở Nha Trang qua website bán vé, dịp Tết Nguyên đán cũng vậy. Hồi đầu chỉ cần thao tác chậm là dễ bị “mất” chỗ, phải tìm lại. Có khi đi cả gia đình nhưng không được ngồi cùng nhau. Website bán vé ngày càng được cải thiện, cả về giao diện và tốc độ.

“Tết năm nay, tuy vào mua ngay lúc mới mở bán, rất đông nhưng tôi vẫn đặt chỗ, thanh toán online nhanh chóng, dễ dàng, không nghẽn mạng”, anh Hoàng nói và góp ý thêm, ngành Đường sắt cần điều chỉnh chức năng tìm kiếm, thay vì phải xem trạng thái từng tàu, từng toa xe để biết chỗ nào trống mà đặt chỗ thì nên có công cụ tìm kiếm, hiển thị chỗ trống các tàu luôn, không mất thời gian.

Theo ông Đỗ Quang Văn, “mạng thông”, nhiều hình thức bán vé, cùng với đó Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn mở thêm nhiều đại lý bán vé, nâng tổng số lên 105 đại lý đặt ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận nên lượng khách không đổ về ga đông như trước. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh