Hành hạ, bóc lột sức lao động trẻ em là tội ác
- Y học 360
- 17:32 - 24/11/2020
Nhận tin báo của quần chúng nhân dân, công an huyện Yên Phong đã mời 2 vợ chồng chủ quán và 2 nhân viên quán đến trụ sở làm việc. Ngay sau đó, Công an huyện Yên Phong đã ra quyết định tạm giữ khẩn cấp đối với nữ chủ quán để tiếp tục làm rõ hành vi bạo hành người dưới 16 tuổi. Đồng thời đưa 2 nam nhân viên đến bệnh viện theo dõi tình trạng sức khỏe.
Vụ việc nêu trên làm dư luận hết sức phẫn nộ và bất bình. Đây chỉ là con số nhỏ so với nhiều vụ việc đang xảy ra trên thực tế. Tình trạng lạm dụng, bạo hành, bóc lột sức lao động trẻ em có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhiều đối tượng đã lợi dụng trẻ em đi xin ăn, phạm tội, vận chuyển hàng lậu, xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động… để thu lợi bất chính. Trẻ em không có sức kháng cự, đành phục tùng mệnh lệnh sai khiến của đối tượng xấu.
Hiện còn rất nhiều trẻ em thiếu may mắn, không được sống trong môi trường trong lành, không nhận được sự đùm bọc, chở che của gia đình, họ hàng và cộng đồng xã hội.
Và còn rất nhiều trẻ em đang bị lạm dụng, bạo hành do chính người thân của mình như cha mẹ ruột bạo hành với con đẻ, cha dượng, mẹ kế hành hạ con riêng của chồng hoặc vợ… chỉ khi trên mạng xã hội đăng tải, phản ánh và tố cáo sự việc thì các cơ quan báo chí vào cuộc, lúc này sự thật mới dần được sáng tỏ, người có hành vi lạm dụng, hành hạ trẻ em đương nhiên sẽ bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định; trẻ em bị lạm dụng, bạo hành sẽ được chở che bởi các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội…
Để xảy ra những vụ việc bạo hành trẻ em như vậy là do chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương chưa phát huy vị trí, vai trò của mình trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em; chưa chủ động, kịp thời nắm bắt thông tin, để có giải pháp can thiệp nhằm bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng, bạo hành. Bởi vì, lâu nay chúng ta có tư tưởng "chuyện nhà ai nhà nấy lo", mặc dù phát hiện trẻ em bị lạm dụng, bạo hành… nhưng vẫn còn tình trạng thờ ơ, ngại va chạm, cho nên nhiều trẻ em vẫn đang sống trong cảnh cơ cực, đau đớn về thể xác và tinh thần...
Để ngăn chặn hành vi lạm dụng, bạo hành trẻ em rất cần sự chung tay của cộng đồng và xã hội. Không ai có quyền xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm trẻ em, kể cả cha mẹ ruột hoặc người thân thích. Khi bị lạm dụng, bạo hành, các em không biết tố cáo hành vi này cho cơ quan, tổ chức nào để được can thiệp, giúp đỡ, do đó, rất cần nhiều địa chỉ tin cậy, có trách nhiệm để bảo vệ trẻ em.
Trở lại vụ việc bạo hành nêu trên, đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật phải xử lý thích đáng những đối tượng có hành vi phạm tội, bởi hành vi đó là tội ác của các tội ác, là hình ảnh xấu xa nhất tồn tại trong xã hội, cần phải loại bỏ, nhằm bảo vệ trẻ em, bảo vệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và đưa trẻ em lang thang, cơ nhỡ vào các trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở giáo dục, đào tạo để các em được che chở trong ngôi nhà chung, được học văn hóa, học nghề… để sau này có thể tự nuôi sống bản thân, gia đình và trở thành công dân có ích cho xã hội.