CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:16

Hành động của các ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc ngành LĐ-TB&XH

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ: Lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri

Là đại biểu Quốc hội trước hết phải nói lên tiếng nói, nguyện vọng của người dân  tại diễn đàn Quốc hội. Góp ý kiến xác đáng vào công tác xây dựng pháp luật để luật sát với thực tiễn, dễ đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng Quốc hội vững mạnh. Đặc biệt, là đại biểu đại diện cho ngành LĐ-TB&XH, tôi sẽ đóng góp vào tiếng nói của ngành lao động, thương binh xã hội nói chung và TP Cần Thơ nói riêng.

Cụ thể, các vấn đề nóng của ngành cần được Quốc hội quan tâm là: các chính sách giải quyết việc làm, đào tạo lao động nông thôn hiện nay còn nhiều bất cập. Trong điều kiện đặc thù của các tỉnh ĐBSCL, phần lớn lao lao động nông thôn không có việc làm, không có nghề nghiệp ổn định ngoài làm ruộng, làm vườn, trong khi đó thời gian đào tạo nghề còn quá ngắn, ngành nghề đào tạo còn hạn chế do nhiều nguyên nhân. Vì vậy tay nghề của lao động sau khi được đào tạo còn chưa chắc chắn, khó tìm được việc làm tại các doanh nghiệp để có mức thu nhập ổn định mà chủ yếu là tự tạo việc làm. Mức hỗ trợ cho người học nghề và người dạy nghề còn ở mức thấp, chưa thu hút được học viên tham gia học hết khóa cũng như tìm giáo viên dạy nghề rất khó…

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở, hạn mức tiền ăn cho người nghèo, cận nghèo tham gia học nghề trong dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa hợp lý. TP Cần Thơ cũng đang thiếu nguồn vốn đầu tư phát triển để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao…

Tôi sẽ tiếp tục, kiến nghị những vấn đề trên đối với các cơ quan chức năng để nhanh chóng tìm ra giải pháp. Bên cạnh đó, một vấn đề không kém phần quan trọng là thu nhập cho người lao động. Hiện nay, vật giá gia tăng liên tục, nhưng thu nhập lại chưa tương xứng với công sức của người lao động bỏ ra. Đồng thời, thu nhập của đa số lao động chưa tương xứng với tăng trưởng chung của sự phát triển nền kinh tế xã hội đất nước.

Ngoài ra, những thách thức trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm. Việc chất lượng nguồn nhân lực của nước ta còn có khoảng cách khá xa so với các nước phát triển và một số nước trong khu vực; tỷ lệ qua đào tạo và đào tạo nghề còn thấp, cơ cấu nguồn nhân lực phân theo trình độ đào tạo còn bất cập, tình trạng thừa thầy thiếu thợ vẫn chưa có hướng khắc phục dẫn đến sử dụng lẵng phí nguồn nhân lực… đang đặt ra câu hỏi lớn cần có sự chung tay của các bộ ngành liên quan để giải quyết.

Vấn đề bất cập nhận thức về thị trường lao động chưa đầy đủ, quản lý thị trường lao động kém hiệu quả, dự báo cung - cầu lao động chưa được quan tâm đúng mức chính là những vấn đề nóng cần giải quyết tại khu vực ĐBSCL cũng như cả nước. Đối với công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, bất bình đẳng giới cần sự nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác này. Bất bình đẳng giới vẫn diễn ra ở nhiều lĩnh vực mặc dù công tác bình đẳng giới đã được quan tâm hơn và đưa vào quản lý nhà nước, tuy nhiên nhận thức và việc thực thi pháp luật vẫn còn lúng túng.

Là đại biểu Quốc hội điều quan trọng là cần lắng nghe nguyện vọng người dân, kiến nghị với QH xây dựng chế tài mạnh, cụ thể về thời hạn cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc giải quyết những kiến nghị của ĐBQH. Từ đó giải quyết những kiến nghị của người dân một cách, góp phần thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của ngành cũng như sự phát triển của địa phương.

Ngọc Thiện (ghi) 

 

Ông Phan Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH tỉnh Tiền Giang: Nỗ lực thực hiện tốt các lĩnh vực của ngành LĐ-TB&XH

Tôi rất vinh dự và vui mừng khi được cử tri nơi công tác giới thiệu tham, cử tri nơi cư trú tín nhiệm cao và được UB MTTQ tỉnh Hiệp thương, thống nhất giới thiệu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ý thức rằng đây là niềm vui, vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm trước sự tín nhiệm của cử tri, cũng như của lãnh đạo các cấp. Nguyện vọng của cá nhân tôi cũng giống như nguyện vọng của các ứng cử viên khác và của cử tri đã giới thiệu, là được trúng cử đại biểu Quốc hội, để có điều kiện tham gia cùng Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội mà trước hết là trách nhiệm trước cử tri.

Ngành LĐ-TB&XH, được Quốc hội, Chính phủ giao cho chức năng, nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, tất cả các chế độ, chính sách mà ngành thực hiện, đều liên quan đến con người, nhất là những người rất đặc biệt như người có công với nước; người làm ra các sản phẩm cho xã hội, để phát triển kinh tế của đất nước; người có những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Trong quá trình phát triển và hội nhập của đất nước, các quy định của pháp luật, cũng như các chế độ, chính sách tác động đến người dân, có thể chưa đáp ứng kịp thời với sự phát triển chung của xã hội, đòi hỏi phải được điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Do vậy, nếu tôi được trúng cử đại biểu Quốc hội, tôi sẽ có điều kiện để tham gia cùng Quốc hội thảo luận, bàn bạc và biểu quyết, những vấn đề thuộc về trách nhiệm của người đại biểu.

Riêng đối với ngành tôi sẽ tích cực tham gia đóng góp vào những vấn đề có liên quan đến chế độ, chính sách thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người có công; chính sách thuộc lĩnh vực an sinh xã hội; chính sách về phòng, chống mại dâm và điều trị nghiện ma túy.

Khám chữa bệnh cho người cao tuổi.

Đối với Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang, tôi sẽ thể hiện năng lực, trách nhiệm và kinh nghiệm của mình trước sự tín nhiệm của cử tri. Nếu trúng cử, tôi có điều kiện tốt hơn để tiếp xúc, lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ảnh của cử tri. Qua đó, sẽ tham gia cùng Ban Giám đốc Sở, làm tham mưu tốt cho lãnh đạo tỉnh và phối hợp với các ngành chức năng, thực hiện các mục tiêu được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X giao của ngành: Bằng nhiều giải pháp hiệu quả để tạo việc làm cho 20.000 lao động hàng năm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 4% vào năm 2020. Thực hiện tốt “ Dự báo cung - cầu lao động và xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động của tỉnh giai đoạn 2016-2020”. Đẩy mạnh việc tạo nguồn xuất khẩu lao động.

Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhằm tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 45% lên 51% (2020). Từ đó góp phần phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng thực hành giỏi, tạo nên khâu đột phá trong lĩnh vực đào tạo nghề.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2015-2020. Duy trì và thưc hiện nhiều mô hình giảm nghèo có hiệu quả, bền vững để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3% (2020).

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công; các chính sách thuộc lĩnh vục an sinh xã hội; chăm lo, trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội; thực hiện tốt công tác phòng chống mại dâm và cai nghiện ma túy. Để góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.

PV (ghi) 

 

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động số 2 Hà Nội: Bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế

Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, tôi sẽ làm tốt nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội, theo đúng quy định của pháp luật. Tích cực tham gia tiếp xúc cử tri, trở thành cầu nối, phản ánh trung thực nguyện vọng cử tri nơi mình ứng cử tới Quốc hội. Đề xuất, kiến nghị giải quyết những vấn đề bất cập nảy sinh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời thông báo việc giải quyết những yêu cầu kiến nghị tới nhân dân kịp thời, nghiêm túc.

Tôi luôn là người mà quý cử tri có thể liên lạc bất cứ thời gian nào và bằng mọi hình thức để mối quan tâm của quý cử tri được phục vụ nhanh nhất. Tôi sẽ cộng tác chặt chẽ và hiệu quả với HĐND để địa phương và TP có được những tư vấn thích hợp, khả thi, nhanh chóng đưa các kế hoạch phát triển kinh tế và an sinh xã hội của địa phương và hiện thực giúp cải thiện rõ nét đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Tích cực đóng góp ý kiến để xây dựng luật pháp cũng như giám sát thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tập trung những vấn đề nhân dân bức xúc: khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, giáo dục, việc làm cho người lao động.

Một vấn đề đang rất nóng được nhiều người quan tâm chính là việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Theo số liệu, hiện nay nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hơn cả các học sinh học trường nghề. Nhiều phụ huynh chấp nhận nuôi con 4 năm đại học rồi quay về thất nghiệp tiếp tục xin tiền đi học nghề để làm lại, vừa lãng phí tiền của, vừa mất thời gian. Vì thế, vấn đề quan trọng nhất ở đây là định hướng nghề nghiệp cho học sinh và phụ huynh. Cần phải phân luồng học sinh ngay từ học sinh THCS để tránh lãng phí cho xã hội. Để giải quyết được vấn đề, cần tập trung tuyên truyền để xã hội không nặng về bằng cấp, để học sinh biết lường sức mình chọn một trường đào tạo phù hợp với khả năng, nhu cầu hơn vì bằng mọi cách phải lao vào cánh cổng đại học rồi thất nghiệp như hiện nay.

Là một cán bộ công tác tại Trung tâm lao động số 2 Hà Nội, nơi thực hiện các chế độ bảo trợ xã hội đối với người yếu thế, cai nghiện và đào tạo nghề cho người nghiện, nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, tôi sẽ tham mưu, phối hợp với các cấp, ngành chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiều chính sách về lao động, thương binh và xã hội. Trong đó đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực bảo trợ xã hội cho những đối tượng yếu thế, dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động.

Hiện nay, trẻ em bị khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV/AIDS vẫn bị kỳ thị và khó hòa nhập cộng đồng. Đây là sự thiệt thòi rất lớn cho các em. Ngay như các em nhỏ đang được nuôi dưỡng và chăm sóc tại Trung tâm lao động số 2 Hà Nội, các em bị nhiễm HIV ở lứa tuổi học sinh THCS được đến trường học chung với các bạn nhỏ bình thường nhưng không được học chung lớp. Thậm chí, các em học sinh cấp 1 bị nhiễm HIV còn không được học chung trường. Rồi vấn đề việc làm cho các em bị nhiễm HIV sau khi học nghề. Rất nhiều em bị HIV, khuyết tật dù đã học nghề nhưng vẫn không được các doanh nghiệp nhận vào. Nếu trúng cử làm đại biểu Quốc hội, tôi sẽ phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người yếu thế.

Dạy nghề cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Hà Nội).   Ảnh: Quý Đức

Hiện nay, do thiếu cơ chế nên vấn đề đưa người nghiện vào cai tại các trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, số lượng lớn người nghiện đang ở trong cộng đồng đã gây mất trật tự an ninh, dẫn đến người dân bức xúc. Nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, tôi sẽ tham mưu, đóng góp ý kiến để xây dựng các văn bản pháp luật để quản lý và giảm thiểu người nghiện ma túy, xây dựng xã hội văn minh, lành mạnh. Để giải quyết được vấn đề này, điều căn cơ chính là tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người nghiện.

Đức Thọ (ghi) 

 

Bà Kiều Thị Thanh Trang, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo nghề (Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng): “Để tất cả người lao động đều có việc làm phù hợp”

Nếu được cử tri thành phố tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XIV, tôi nguyện mang hết thời gian, năng lực, tâm huyết để theo đuổi và thực hiện mục tiêu này.  Đây là thế mạnh của bản thân tôi, bởi hơn hai mươi năm nay tôi được phân công công tác trong lĩnh vực này, hằng ngày có điều kiện được tiếp cận và thấu hiểu những nỗi bức xúc ấy của người dân, tôi tin tôi có thể “vào cuộc” ở tầm quốc gia một cách tốt nhất. Bởi, đây  là lĩnh vực xã hội bức xúc nhất hiện nay, đang tác động đến từng gia đình và từng người dân, nhất là đến lớp trẻ mới vào đời. Lĩnh vực này khó có thể cải thiện hiệu quả nếu chỉ có những nỗ lực riêng lẻ của từng địa phương, nghĩa là cần có những chính sách ở tầm vĩ mô. Với tư cách đại biểu Quốc hội đang công tác trong lĩnh vực quản lý lao động và giáo dục nghề nghiệp, tôi sẽ kiến nghị với lãnh đạo thành phố triển khai một số giải pháp hữu hiệu và khả thi của địa phương nhằm khuyến khích các bạn trẻ Đà Nẵng sớm chọn lối vào tương lai bằng con đường học nghề và nhờ đó mà dễ dàng tạo cơ hội việc làm bằng chính tay nghề tinh thông của mình sau đào tạo. Chẳng hạn ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề, thành phố  có thể đẩy mạnh xã hội hóa thông qua việc hỗ trợ học bổng khuyến khích học nghề chất lượng cao cho sinh viên  cộng với một số  ưu đãi về thuế hay về thuê đất cho các trường này. Thành phố cũng có thể điều chỉnh cơ cấu nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh việc tuyển dụng theo vị trí việc làm nhằm tạo bình đẳng về cơ hội tìm kiếm việc làm của các bạn trẻ, bất kể xuất thân từ con đường giáo dục nghề nghiệp hay từ con đường giáo dục đại học…

 Bên cạnh đó, tôi cũng quan tâm theo dõi các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội nhằm nói lên tiếng nói của người dân trên diễn đàn Quốc hội. Là một công chức nhiều năm làm việc trong ngành lao động, thương binh và xã hội, tôi có điều kiện suy ngẫm và thấm thía về những bất cập của ngành mình trong lĩnh vực an sinh xã hội truyền thống, đồng thời cũng có điều kiện sớm nhận ra nguy cơ của các vấn đề an sinh xã hội hoặc mới phát sinh hoặc đang diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn, làm cho người dân, kể cả người dân Đà Nẵng, hết sức lo lắng bất an, như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang hằng ngày ám ảnh bữa cơm của từng gia đình, hay chẳng hạn vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nguồn nước sinh hoạt nhiễm mặn, và ở vùng tâm bão, rốn lũ như miền Trung còn là vấn đề khả năng chống chịu trước thiên tai…Đặc biệt, hiện nay Huyện Đảo Hoàng Sa đang là mối quan tâm rất lớn của nhân dân cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng, Tôi nguyện sẽ làm hết khả năng của mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Giang Sơn (ghi)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh