Hàng vạn người lao động sẽ bị ảnh hưởng bởi đề xuất tăng thuế thu nhập cá nhân
- Tây Y
- 14:13 - 08/01/2018
Theo dự thảo luật Thuế thu nhập cá nhân dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua trong năm 2018, Bộ Tài chính chỉ đưa ra 1 phương án tính thuế. Cụ thể, biểu thuế suất lũy tiến từng phần giảm từ 7 bậc xuống còn 5 bậc. Nhiều ý kiến cho rằng bậc thuế hợp lý, song mức thuế suất quá lẻ và còn cao, vẫn tạo gánh nặng cho người nộp thuế. Tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính đưa ra 2 kịch bản.
Ở kịch bản thứ nhất, giữ nguyên 5 bậc, nhưng mức thuế suất và phần thu nhập tính thuế có điều chỉnh. Cụ thể, bậc 1 (từ 5 - 10 triệu đồng, thuế 5%), bậc 2 (10 - 30 triệu đồng, thuế 15%), bậc 3 (30 - 50 triệu đồng, thuế 25%), bậc 4 (50 - 80 triệu đồng, thuế 30%), bậc 5 (trên 80 triệu đồng, thuế 35%). Theo cơ quan soạn thảo, pương án này dù đáp ứng được mục tiêu giảm bậc thuế, điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc ở số chẵn, nhưng số thu ngân sách sẽ giảm khoảng 1.300 tỉ đồng (tính tác động trên số thu của năm 2015). Đồng thời, có ý kiến cho rằng việc sửa biểu thuế này sẽ có lợi cho người giàu, cá nhân có thu nhập thấp không có lợi.
Người dân làm thủ tục nộp thuế.
Cụ thể, cá nhân có thu nhập tính thuế hiện đang ở bậc 1 sẽ không bị ảnh hưởng, các cá nhân hiện đang nộp thuế từ bậc 2 trở lên sẽ được giảm thuế so với hiện nay (ví dụ, cá nhân có thu nhập tính thuế 10 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 250.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 850.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 40 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 750.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng sẽ được giảm 650.000 đồng/tháng...).
Ở kịch bản thứ 2, gồm 5 bậc thuế, thuế suất được điều tiết như sau: Bậc 1 (5 triệu đồng, thuế 5%), bậc 2 (trên 5 - 10 triệu đồng, thuế 10%), bậc 3 (trên 10 - 40 triệu đồng, thuế 20%), bậc 4 (trên 40 - 80 triệu đồng, thuế 30%), bậc 5 (trên 80 triệu đồng, thuế 35%).
Với phương án này, Bộ Tài chính cho rằng, cá nhân hiện đang có thu nhập ở bậc 1, bậc 2 sẽ không bị ảnh hưởng, cá nhân có thu nhập từ bậc 3 trở lên sẽ tăng thuế so với hiện tại. Tuy nhiên, mức tăng thêm so với thu nhập của người có thu nhập cao không lớn (ví dụ: cá nhân có thu nhập tính thuế 15 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 250.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 400.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 50 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 500.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng/tháng sẽ nộp thêm 650.000 đồng/tháng). Tổng số thu ngân sách ước tăng khoảng 500 tỉ đồng. Sau khi nghiên cứu tác động của các giải pháp trên cơ sở đánh giá tác động tích cực và tiêu cực, Bộ Tài chính đề nghị chọn giải pháp 2.
Điều nhiều người nhận ra rằng, với phương án 1 người có thu nhập đến 10 triệu đồng và người có mức thu nhập trên 80 triệu đồng mức áp thuế không thay đổi, trong khi nhóm có thu nhập từ 10 - 30 triệu đồng và 30- 50 triệu đồng lại chịu nhiều thiệt thòi do cách nhảy bậc thuế quá cao tới 10%. Trong khi, mức thu nhập trên 50- 80 triệu đồng lại chỉ điều chỉnh tăng 5% so với bậc liền trước đó. Đây được cho là phương án áp thuế có lợi cho người giàu.
Với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng, đời sống công nhân, người lao động còn nhiều khó khăn.
Ngay khi bản dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân lấy ý kiến các bộ, ngành, nhiều người dân không hài lòng. “Nếu thu nhập từ 5 triệu đồng phải đóng thuế là không hợp lý trong bối cảnh hiện nay của người dân, không xuất phát từ thực tiễn. Lương công nhân xa quê lên thành phố làm việc, thuê nhà như chúng tôi 5,1 triệu động/tháng nhưng tính ra hàng bao nhiêu khoản phải chi tiêu. Áp dụng mức thuế này là đánh vào mọi đối tượng lao động, kể cả công nhân, lao động phổ thông, thậm chí là cả người giúp việc”, chị Hoàng Thị Dung, công nhân công ty giấy Hải Tiến (Hà Nội) cho biết.
Theo chị Dung, với mức lương 5,1 triệu đồng sống một mình ở thành phố phải tằn tiện lắm mới đủ sống. Tiền thuê nhà và tiền ăn hàng tháng của chị Dung đã hết 4,5 triệu đồng. Chưa kể các khoản tiền điện thoại, xăng xe, tiền sinh hoạt phí hàng tháng. “Thu nhập 5,1 triệu đồng/tháng nếu không tằn tiện thì sẽ thiếu trước hụt sau. Nay Bộ Tài chính đề xuất thu thuế đối với chúng tôi là quá sức”, chị Dung nói.
Không chỉ chị Dung và hàng vạn người lao động sẽ bị ảnh hưởng bởi cách tính thuế thu nhập cá nhân mới do Bộ Tài chính đề xuất. Không ít người đã đặt câu hỏi rằng, có phải ngành thuế đang ưu ái người có thu nhập cao. Việc tăng thuế là để bù đắp sự thâm hụt ngân sách nhưng không có nghĩa là tận thu quá mức thu nhập của người lao động. Đặc biệt với những đối tượng với khoản thu nhập dưới 10 triệu đồng cuộc sống thường nhật còn thiếu trước hụt sau nhưng vẫn nằm trong diện bị đóng thuế.
Góp ý cho biểu thuế thu nhập cá nhân, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, để khuyến khích những người có thu nhập cao tuân thủ đóng thuế, chống thất thu từ việc khai man thu nhập, gian lận thuế nên rút ngắn khoảng cách giữa các mức không quá chênh lệch.
Theo chuyên gia kinh tế, việc tăng thuế, trong một chừng mực nào đó là cần thiết đối với việc cân đối nguồn lực ngân sách. Tuy nhiên, tăng thuế thu nhập cá nhân không phải là giải pháp duy nhất cho vấn đề tài chính quốc gia, bởi nó không giải quyết được triệt để vấn đề, không thúc đẩy tăng năng suất lao động và không cải thiện được đời sống của người lao động – lực lượng cốt yếu nhất thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách Nhà nước năm 2017 từ thuế tăng mạnh. Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2017 vượt gần 70.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu đề ra. Vậy lý do gì khiến cơ quan thuế, liên tục tính đến các loại thuế đánh mạnh vào người dân như thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân? Trong khi, khu vực những người làm công ăn lương là khu vực khá nhạy cảm, dễ bị tổn thương bởi bất kỳ sự biến động nào về chính sách, thị trường.... Lâu nay, mức lương ở các khu vực này đã rất thấp, mỗi lần tăng lương không đủ bù giá cả tăng cao, nhiều gia đình quay cuồng, vật lộn với cuộc sống.
Thu luôn tăng cao mà bội chi cũng lớn. Nhiều năm qua, tình trạng chi thường xuyên để duy trì bộ máy tăng nhanh, tạo gánh nặng lên ngân sách. Thâm hụt ngân sách là do chúng ta chi tiêu quá nhiều chứ không phải do hụt thu. Bên cạnh đó, đầu tư công vào nhiều công trình, dự án không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực. Hàng loạt đại án kinh tế được đưa ra xét xử thời gian qua cho thấy hiệu quả sử dụng đầu tư công. Thay vì đề xuất tăng thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập còn khiêm tốn: 5 triệu đồng, hay 5 – 10 triệu đồng/ tháng nên xây dựng chính sách quản lý hiệu quả nguồn thuế thu được từ dân. Kiểm soát việc cán bộ thuế móc ngoặc với người dân, doanh nghiệp chiếm đoạt thuế của Nhà nước; xử lý và thu hồi nợ đọng thuế.
Tăng nguồn lực cho quốc gia để tái đầu tư là cần thiết nhưng với đề xuất tăng thuế thu nhập cá nhân hiện nay của Bộ Tài chính cần cân nhắc và xuất phát đúng thực tiễn để không làm ảnh hưởng đến bát cơm của người lao động làm công ăn lương, thu nhập còn khiêm tốn.