THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:45

Hàng triệu người cao tuổi không có lương hưu

Tại hội nghị khu vực phía Nam đối thoại chính sách trong sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) vừa tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trong những năm tới, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều thách thức trong việc thực hiện đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH đến năm 2015 là 18% dân số, (chiếm 33% lực lượng lao động (LLLĐ); năm 2020 là 29% dân số (chiếm 50% LLLĐ, khoảng 29 triệu lao động).

Năm 2013, LLLĐ từ 15 tuổi trở lên của cả nước có khoảng 53,69 triệu người, trong đó lao động nam là 27,63 triệu người, lao động nữ là 26,06 triệu người. Kết quả thực hiện chính sách BHXH cho thấy, đến cuối năm 2013, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đã đạt khoảng 10,8 triệu  người tham gia, tương đương khoảng 78% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH (2006).

Nhiều người cao tuổi đối diện với nguy cơ không có lương hưu (ảnh MH)

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), với các chính sách như hiện hành, quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần. Theo đó, vào năm 2021, thu không đủ chi trong năm; đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu, quỹ mất cân đối.

Nguyên nhân mất cân đối quỹ, một phần là do tuổi nghỉ hưu thực tế hiện nay thấp hơn quy định (nam 60, nữ 55 tuổi): nam: 55,2 tuổi, nữ : 51,7 tuổi, bình quân: 53,4 tuổi. Tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH của người lao động ngắn (nam: 28 năm, nữ: 23 năm). Điều này dẫn đến thời gian hưởng lương hưu dài, trong khi lương hưu tích lũy chỉ đảm bảo trả 12-13 năm.

Bên cạnh đó, số đối tượng hưởng BHXH một lần hàng năm nhiều, khoảng 500.000 - 600.000 người/năm và có xu hướng gia tăng hằng năm, điều này chưa phù hợp với xu hướng an sinh xã hội trên thế giới. Do vậy, việc sửa đổi Luật BHXH lần này sẽ hướng đến 2 mục tiêu: đảm bảo an sinh xã hội thông qua việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện; giảm số lượng người hưởng trợ cấp một lần và thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng để đảm bảo cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội thông qua việc điều chỉnh công thức tính lương hưu, mức tiền lương tháng đóng BHXH, đổi mới hoạt động của tổ chức bảo hiểm xã hội, quản lý quỹ an toàn, hiệu quả...

Đa số ý kiến đại biểu hội nghị nói trên đồng ý với việc dự thảo Luật bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động  theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của quy định này do hiện nay, công tác quản lý lao động, công tác thu – chi chế độ bảo hiểm cho đối tượng này phức tạp, khó khăn, chỉ phù hợp khi  xây dựng được hệ thống thông tin quản lý lao động, quản lý BHXH hiện đại, chặt chẽ, hiệu quả; chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã được quy định tại Luật Việc làm. Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động cũng quy định hợp đồng lao động dưới 3 tháng có thể giao kết bằng lời nói, không nhất thiết phải bằng văn bản (khoản 2 Điều 16). Do vậy, dự thảo Luật đang thiết kế quy định người lao động có giao kết hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng đều thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Người cao tuổi tham gia BHXH (ảnh Internet)

Theo Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, để đảm bảo tính khả thi của quy định này, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, BHXH và có hướng dẫn thực hiện quy định về khai trình sử dụng lao động tại các địa phương theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Việc làm; đồng thời, ngành BHXH Việt Nam phải đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tự nguyện để phấn đấu đến năm 2018 có thể vận hành, sử dụng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý lao động, quản lý BHXH, BHYT, đảm bảo đồng bộ với lộ trình bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc của nhóm lao động này từ ngày 1/1/2018.

NGỌC THIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh