CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:23

Hàng rào an ninh ba lớp bảo vệ tổng thống Mỹ khi công du nước ngoài

 

Các nhân viên mật vụ vây quanh bảo vệ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP.

 

Theo ông Jeffrey Robinson, đồng tác giả cuốn sách "Standing Next to History: An Agent's Life Inside the Secret Service" viết về cuộc sống của những nhân viên mật vụ bảo vệ tổng thống Mỹ, các đặc vụ cùng đội ngũ nhân viên Nhà Trắng thường phải tới địa điểm mà tổng tư lệnh nước Mỹ ghé thăm trước khoảng ba tháng để thăm dò cũng như kết nối với lực lượng an ninh địa phương nhằm chuẩn bị cho mọi tình huống.

Họ phải giải quyết lượng công việc khổng lồ, như đảm bảo không phận tại sân bay luôn thông thoáng vào thời điểm chuyên cơ tổng thống hạ cánh, yêu cầu lập đội xe hộ tống, xác định vị trí các bệnh viện, đồng thời tìm những nơi ẩn náu an toàn đề phòng trường hợp tổng thống bị tấn công.

Oregon Live dẫn lời ông Ronald Kessler, tác giả nhiều cuốn sách viết về mật vụ, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), cho hay lực lượng bảo vệ tổng thống còn phải phối hợp với cảnh sát địa phương nhằm liệt kê tất cả các mối nguy hiểm tiềm tàng và điểm danh những cái tên có khả năng đe dọa tới tổng thống. Sau đó, các mật vụ sẽ liên lạc với những người này để cảnh báo rằng họ đang bị giám sát chặt chẽ.

Chó nghiệp vụ cũng là một thành phần không thể thiếu trong đoàn bảo vệ tổng thống Mỹ. Trước ngày chuyến công du diễn ra, các đặc vụ sẽ đưa những con chó có khả năng đánh hơi bom tới từng tuyến đường, góc phố mà tổng thống dự kiến đi qua để kiểm tra.

Họ còn phải di dời mọi phương tiện đỗ tại các con phố xung quanh nơi tổng thống ở nhằm chắc chắn rằng không ai có thể đặt bom xe gần khách sạn của tổng thống, ông Robinson cho hay. Họ đôi khi còn phải bố trí cả những tấm màn chắn quanh chiếc xe chở tổng thống để giúp ông không bị lộ diện.

Một nhiệm vụ quan trọng khác của nhân viên mật vụ là đảm bảo tổng thống luôn ở gần các bệnh viện, cách tối đa 10 phút đi xe. Họ sẽ cử người túc trực tại những bệnh viện này để trợ giúp, phối hợp cùng đội ngũ y bác sĩ nếu cần cấp cứu.

Theo Robinson, chuyên cơ Air Force One chở tổng thống sẽ được tháp tùng bởi ít nhất 6 máy bay. Vài chiếc trong số này mang theo những thiết bị cần thiết như trực thăng, xe limousine, trang bị liên lạc... Những phi cơ khác chở hàng trăm đặc vụ cùng nhân viên phục vụ tổng thống.

Ngoài ra, để giữ an toàn tối đa cho tổng thống Mỹ, những tuyến đường mà đoàn xe của ông đi qua cũng bị cấm.

Khi tổng thống tới khách sạn, các nhân viên mật vụ có thể sẽ không đưa ông vào theo lối cửa chính mà dùng cửa phụ, thậm chí có thể hộ tống tổng thống về phòng nghỉ thông qua cả lối đi trong nhà bếp, ông Kessler cho hay.

Mật vụ Mỹ còn phải kiểm tra nhân thân, hồ sơ lý lịch của tất cả nhân viên khách sạn nơi tổng thống ở. Bất kỳ ai có tiền sử bạo lực, kể cả những hành vi rất nhỏ, đều được yêu cầu ở nhà trong suốt thời gian tổng thống lưu trú. Mặt khác, mọi phòng khách sạn phía trên, phía dưới và xung quanh buồng của tổng thống cũng bị phong tỏa.

Các nhân viên mật vụ sẽ rà soát toàn bộ phòng nghỉ của tổng thống trước khi ông bước chân vào. Họ kiểm tra xem có dấu vết của thiết bị nghe lén hay vật liệu nổ hay không.

Họ tháo rời tất cả những bức tranh treo trên tường để đảm báo không có vật thể lạ được giấu đằng sau chúng hay bên trong các khung hình. Họ cũng lắp đặt vật liệu chống đạn che kín các ô cửa sổ hay tháo bỏ điện thoại và tivi bố trí sẵn trong phòng để thay thế bằng những thiết bị bảo mật hơn.

Robinson tiết lộ nhân viên mật vụ sẽ dựng vành đai an ninh ba lớp xung quanh tổng thống. Cảnh sát trấn giữ vòng ngoài cùng, nhân viên mật vụ xếp ở lớp giữa và cuối cùng, các đặc vụ thuộc Đơn vị Bảo vệ Tổng thống(PPD) trấn thủ lớp trong cùng, gần ông chủ Nhà Trắng nhất.

Theo Robinson, khi tổng thống Mỹ công du, ông thường mang theo thức ăn riêng. Một đội ngũ đầu bếp và nhân viên phục vụ sẽ đảm nhận trách nhiệm mua đồ ăn, nấu nướng, dưới sự giám sát của các mật vụ. Họ muốn chắc chắn rằng không ai có thể can thiệp vào quá trình này.

Đơn vị Bảo vệ Tổng thống (PPD)

 

Các đặc vụ PPD luôn theo sát tổng thống Mỹ, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ ông chủ Nhà Trắng. Ảnh minh họa: CNBC.

 

Đúng như tên gọi, nhiệm vụ chính của PPD, đơn vị trực thuộc Cơ quan Mật vụ Mỹ, là bảo vệ tổng thống cùng gia đình. Công việc của họ vô cùng đa dạng, từ lập đội xe hộ tống, sắp xếp nhân viên an ninh tháp tùng tổng thống trong các chuyến công du toàn cầu đến túc trực bên cạnh tổng thống 24/7. Tôn chỉ hành động của họ là bảo vệ tổng thống bằng mọi giá, dù phải hy sinh tính mạng.

Rất dễ để nhận diện các thành viên PPD. Họ mặc vest, có vẻ ngoài lạnh lùng và thường đứng sát cạnh tổng thống Mỹ mỗi khi ông xuất hiện trước công chúng. Nhiều lúc, họ chạy bám theo đoàn xe của tổng thống.

Dan Emmett là một cựu nhân viên PPD, từng bảo vệ tổng thống George H.W. Bush, Bill Clinton và George W. Bush. Trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal hồi năm 2014, ông chia sẻ những trải nghiệm của mình khi còn phục vụ trong PPD.

Emmett kể ông nhiều lúc không được ngủ suốt 24 tiếng, phải bỏ cả bữa trưa lẫn bữa tối, đứng bên ngoài một ngôi nhà, dưới trời mưa, vào lúc 3h sáng, suốt nhiều tiếng đồng hồ, rồi lại vội vã bắt taxi lao tới sân bay để lên đường đến một thành phố nào đó mà tổng thống chuẩn bị ghé qua. Quy trình trên có thể lặp đi lặp lại liên tục.

Các nhân viên PPD có một vị trí khá kỳ lạ tại Nhà Trắng. Họ là người gần tổng thống nhất, nhưng không giống như đội ngũ cố vấn hay quan chức dưới quyền tổng thống, họ chỉ lặng lẽ đứng bên lề quan sát tình hình. Nếu tổng thống hỏi các đặc vụ PPD một việc gì đó, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới chính trị, họ thường trả lời một cách ngắn gọn và tránh nêu ý kiến cá nhân. Vì thế, những cuộc đối thoại giữa tổng thống và nhân viên PPD hầu hết chỉ diễn ra trong khoảng vài giây, Emmett cho biết.

"Bản chất nhiệm vụ buộc chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều thách thức, song tất cả các đặc vụ từng tham gia PPD đều khẳng định những gì họ trải qua đều vô cùng đáng giá", Emmett nhấn mạnh.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh