Hàng quán phố đường tàu Hà Nội đóng cửa, tiểu thương lo mất trắng trước tin dẹp tiệm
- Y học 360
- 03:30 - 08/10/2019
Trái ngược với cảnh đông đúc, chen chúc người uống cafe và chụp ảnh trong hai ngày cuối tuần, sáng nay, phố đường tàu Hà Nội (đoạn từ Lê Duẩn qua Phùng Hưng) vô cùng vắng lặng. Thậm chí, đến 9h30, hàng chục kiot "cửa đóng, then cài".
Thi thoảng, vài tốp khách thăm quan người Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản... dừng lại chụp hình lưu niệm bên đường tàu. "Ngày thường thì khách sẽ vắng hơn cuối tuần, nhưng hôm nay có lẽ là vắng nhất. Từ sáng đến giờ, chúng tôi mới có 10 khách, trong khi mọi ngày đông gấp 2-3 lần. Tầm 9h là các quán mở cửa hết rồi, nhưng có lẽ vì đây đang là "điểm nóng" bị kiểm tra nên nhiều nơi vẫn đóng cửa", Kiên (một nhân viên bán hàng tại phố đường tàu Hà Nội) cho biết.
Một vài vị khách cho biết, sáng nay, các chủ quán liên tục yêu cầu khách hàng không nên tràn ra đường tàu chụp ảnh.
Bàn ghế, biển quảng cáo và hàng hóa cũng được nhiều cửa hàng dẹp gọn vào phía trong.
Toàn bộ dàn đèn lồng được treo quanh khu đường tàu đã bị gỡ bỏ.
Sáng nay, đề tài được cả du khách và người dân tại đây bàn tán nhiều nhất là thông tin khu cafe đường tàu có thể bị dẹp bỏ. Một số bày tỏ sự lo lắng về tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng, số khác từ chối chia sẻ thông tin với báo giới.
"Trước đây, khách Tây đến đây rất đông và lúc đó, khu vực này chỉ có vài cửa hàng nhỏ, là hộ gia đình tận dụng ngay tầng 1 nhà ở để bán hàng nước cho khách. Tuy nhiên, từ Tết đến giờ, số lượng quán mới tăng lên. Trước kia, khách du lịch không biết tới giờ tàu chạy nên khá nguy hiểm, thì chúng tôi thông báo cho họ. Giờ vẫn vậy, nhưng trách nhiệm đó càng lớn hơn khi họ là khách hàng của chúng tôi", Tuấn Anh (một người dân) cho biết.
Theo Tuấn Anh, người dân ở đây luôn hỗ trợ nhau để nhắc nhở khách hàng an toàn. "Sự cảnh giới hiện giờ cao hơn rất nhiều", Tuấn Anh nói.
Kiên, một nhân viên bán hàng tại phố cafe đường tàu cho rằng, tại đây, tuy hàng quán không quá hoành tráng, nhưng đã được đầu tư cả trăm triệu đồng. Nếu bị dẹp bỏ, nhiều người sẽ mất trắng.
Ông Lâm (một người dân sống tại khu đường tàu Hà Nội) cho hay, nếu thực sự phải dẹp bỏ khu hàng quán thì các tiểu thương sẽ quay trở lại công việc cũ của họ, bởi nhiều hộ chỉ tận dụng mặt bằng vốn có để kinh doanh thêm. "Ở đây chưa có một vụ tai nạn nào xảy ra. Chúng tôi ở đây hàng chục năm, nắm rất rõ giờ tàu chạy để báo cho khách", ông Lâm nói.
Ủng hộ việc cần có biện pháp an toàn giao thông đường sắt, Hoài (một người bán hàng gần đường tàu) cho biết, những ngày cuối tuần, tình trạng khách tràn ra sát đường tàu rất nguy hiểm. "Ngày hôm qua, tàu đã hai lần phanh gấp khi đi qua khu này vì khách quá đông. Thậm chí, có một nhóm bạn trẻ đi bộ trên đường tàu ở đoạn cách xa khu dân cư, nên không được nhắc nhở giờ tàu chạy, rất mất an toàn", Hoài nói.
"Cấm hàng quán kinh doanh cũng được nếu họ để tràn vật dụng, bàn ghế ra đường tàu, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng an toàn đường sắt. Nhưng cái khó là không thể cấm khách du lịch kéo đến chụp hình, hay đi thăm quan khu vực này", Thùy Anh (một du khách người Đà Nẵng) bày tỏ quan điểm.