THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:51

Đại học Hải Phòng: Hàng loạt hạn chế, thiếu sót cần chấn chỉnh

 

Đại học Hải Phòng

Trường Đại học Hải Phòng, thuộc TP Hải Phòng, được xem là một trong những trung tâm đào tạo đại học đa ngành và lĩnh vực, là cơ sở nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia và khu vực, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của TP Hải Phòng và cả nước.

Tuy nhiên, ngày 29/7/2016 Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng đã ký Kết luận Thanh tra số 21/K-TTr về “các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và hoạt động liên kết đào tạo của Trường Đại học Hải Phòng” đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót của nhà trường.

Theo đó, kết luận nêu rõ: Quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ khối ngành III của trường vượt quá định định tại thông tư 32/2015/TT-BGDĐT. Một số giảng viên chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên theo đúng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 77 của Luật Giáo dục: “Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy cao đẳng, đại học; có bằng thạc sĩ trở lên đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận văn thạc sĩ; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn luận án tiến sĩ”.

Cùng với đó, các ngành công nghệ chế tạo máy, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa và sư phạm vật lý đào tạo trình độ đại học chưa có tiến sĩ đúng ngành. Có hai lãnh đạo khoa và 38/49 trưởng bộ môn chưa đạt chuẩn trình độ tiến sĩ theo quy định tại Điều lệ trường đạo học ban hành theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, kết luận thanh tra cũng cho biết: “Trường chưa thực hiện việc lựa chọn giáo trình theo đúng quy trình tại quy định về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học ban hành kèm theo Thông tư số 04/2011/TT-BGDĐT ngày 28/01/2011; Quy trình cập nhật và tổ chức đánh giá chương trình đào tạo chưa đầy đủ theo quy định tại Thông tư 07/2015/TT-BGDĐT ngày 16/4/2015”.

“Việc tổ chức học bổ sung kiến thức đối với thí sinh trình độ thạc sĩ của trường chưa đủ thời lượng quy định; Chưa có quyết định ban hành chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ các chuyên ngành; Chưa thực hiện công bố toàn văn luận văn trên website theo quy định; Chưa thành lập hội đồng đào tạo liên thông để xem xét và công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và các khối lượng kiến thức được miễn trừ khi học chương trình đào tạo liên thông đối với từng người học theo quy định tại khoản 5 điều 4 quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học; Có thiếu sót trong công tác chấp thi tuyển sinh liên thông”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Trước những hạn chế, thiếu sót đó, kết luận Thanh tra cũng yêu cầu nhà trường cần phải rà soát, bổ sung, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, điều chỉnh quy mô đào tạo thạc sĩ khối ngành III để đảm bảo năng lực đào tạo của khối ngành theo đúng quy định; Yêu cầu giảng viên bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; Khẩn trương bổ sung giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ đúng ngành đối với các ngành còn thiếu; Có kế hoạch giải pháp chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý cấp khoa, phòng, ban và bộ môn theo quy định của điều lệ trường đại học; Thực hiện việc cập nhật và tổ chức đánh giá chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ; Rà soát, điều chỉnh chuẩn đầu ra theo hướng dẫn tại công văn số 2196/BGDĐT-GDĐH ngày 22/4/2010; Thực hiện việc lựa chọn giáo trình theo quy định về biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học ban hành kèm theo thông tư 04/2011/TT-BGDĐT ngày 28/01/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Xây dựng và ban hành chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ các chuyên ngành; Thực hiện việc tổ chức học bổ sung kiến thức, công bố toàn văn luận văn trên website theo quy định.

Bên cạnh đó, trường cũng cần phải thành lập hội đồng đào tạo liên thông để xem xét và công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và các khối lượng kiến thức được miễn trừ khi học chương trình đạo tạo liên thông đối với từng người học; Chấn chỉnh công tác chấm thi tuyển sinh liên thông, đảm bảo thực hện đúng theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hình thức vừa làm vừa học, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy.

Đồng thời, nhà trường phải tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh các tổ chức, cá nhân để xảy ra hạn chế, thiết sót nêu trên. Và đề nghị TP Hải Phòng phối hợp với Bộ GD&ĐT tăng cường quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường đại học trên địa bàn TP Hải Phòng.

 

Ngày 20/9/2016 vừa qua, ông Trần Duy Nam, Giám đốc Trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ (thuộc Trường Đại học Hải Phòng) đã ban hành Thông báo tuyển sinh đại học chính quy liên thông với các ngành giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học. Địa điểm bán hồ sơ tại Trường đào tạo cán bộ Văn hóa thể thaoDu lịch (Hà Nội).

Được biết, khi các học viên đến mua hồ sơ đăng ký thi tuyển, các cán bộ tuyển sinh yêu cầu phải nộp 1,2 triệu đồng để ôn thi. Sau khi đỗ, các học viên sẽ học tại Trường đào tạo cán bộ Văn hóa thể thao và Du lịch chứ không phải ở Đại học Hải Phòng, dù Đại học Hải Phòng là đơn vị cấp bằng. Và điều này là trái với các quy định hiện hành về đào tạo liên thông hệ chính quy. 

Vậy đâu là sự thật trong khi những ngày qua các cán bộ tuyển sinh luôn khẳng định sẽ đào tạo tại Hà Nội và khuyến khích học viên đến mua hồ sơ dự tuyển?

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Dân Sinh, ông Nam thừa nhận văn bản nêu trên là do mình ban hành. Còn việc đào tạo thì sẽ thực hiện tại Đại học Hải Phòng. Việc lên Hà Nội thông báo tuyển sinh thì chỉ là gom hồ sơ. Sau khi gom hồ sơ xong sẽ chính thức lập hội đồng tuyển sinh chính thức.

HẠNH NGUYÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh