THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:22

Hàn Quốc: Sinh viên đua nhau... hoãn tốt nghiệp

 

Cố tình nợ môn để hoãn tốt nghiệp

Hai phần ba dân số trong độ tuổi từ 25-34 ở Hàn Quốc có bằng đại học, chiếm tỉ lệ cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Thế nhưng, tỉ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc năm 2014 cũng lập kỷ lục trong 14 năm qua.

 Doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng do kinh tế trầy trật là một thực tế làm nản lòng nhiều sinh viên. Họ càng bi quan hơn khi biết tỉ lệ thất nghiệp đối với sinh viên tốt nghiệp hồi tháng 3/2014 tương đương mức cao kỷ lục năm 2013 là 32,2%, theo thống kê của Viện Lao động Hàn Quốc.

Ông Lee Cheol-heng, người đứng đầu nhóm chính sách việc làm và lao động tại Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc, nhận định, kinh tế không sáng sủa nên các doanh nghiệp hạn chế mở rộng đầu tư, dẫn đến ít có khả năng thuê lao động mới.

Thông cảm với tình cảnh sinh viên ngại tốt nghiệp, nhiều trường đại học Hàn Quốc cho phép họ sử dụng cơ sở vật chất nhà trường ngay cả khi không tham gia bất kỳ lớp học nào. Có trường hợp sinh viên cố tình nợ một hoặc hai tín chỉ cho đến khi tìm được việc làm.

Ông Lee tâm sự: “Tôi nghe những người khác kể rằng nhà tuyển dụng không thích người mới tốt nghiệp đại học. Họ thường hỏi ứng viên đã làm được những gì sau khi ra trường”.

Nhiều sinh viên Hàn Quốc tránh tốt nghiệp để chờ cơ hội tìm việc làm.

Nhiều sinh viên Hàn Quốc tránh tốt nghiệp để chờ cơ hội tìm việc làm.

Thị trường lao động Hàn Quốc đang có 2 loại công việc, một là ổn định và ít có khả năng bị sa thải, trong khi loại còn lại chỉ mang tính tạm thời trong 2 năm. Theo nhà nghiên cứu Kim Jong-jin tại Viện Lao động và Xã hội Hàn Quốc, vấn đề là giới trẻ có học vấn cao không mặn mà với những công việc tạm thời: “Những người ở độ tuổi 20 lẽ ra phải năng động trong thị trường việc làm.

Nhưng thay vì đi làm ngay, họ muốn học lên cao hơn để có cơ hội kiếm được công việc ổn định hơn”.

Việc sinh viên cố tình không tốt nghiệp để chờ công việc tốt hơn dẫn đến tình trạng “lão hóa” lực lượng lao động tại Hàn Quốc. Năm 2014, lần đầu tiên số người lao động trong độ tuổi 50 vượt số lượng người làm việc trong độ tuổi 20.

Tham gia thị trường lao động muộn kéo theo hàng loạt vấn đề xã hội như: Lập gia đình muộn hơn, tỉ lệ sinh sụt giảm... và hậu quả là đe dọa già hóa dân số.

Ông Kim Gwang-suk, Trung tâm Nghiên cứu Hyundai, nhìn nhận đây là một vấn đề nghiêm trọng: “Thực trạng giới trẻ rút ngắn thời gian làm việc sẽ làm giảm tổng sản lượng kinh tế của Hàn Quốc, cho dù đầu tư vào giáo dục không ngừng gia tăng”.

Chính phủ cải cách thị trường lao động

Mới đây, phát biểu tại phiên họp Hội đồng tư vấn kinh tế quốc dân lần thứ 6, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhấn mạnh cải cách thị trường lao động là vấn đề cấp thiết không thể trì hoãn thêm.

Theo bà Park, nếu không vượt qua được rào cản này thì kinh tế quốc gia khó mà tăng trưởng được. Tổng thống Park Geun-hye nhấn mạnh, năm 2015 sẽ là cơ hội cuối cùng để cải thiện toàn bộ nền kinh tế, và do đó, Hàn Quốc nhất định phải giải quyết được những vấn đề trọng tâm về thị trường lao động, tín dụng, lương hưu và các cơ quan Nhà nước.

Theo bà Park, thị trường lao động kép với hai lĩnh vực chế tạo và dịch vụ như hiện nay không chỉ ngăn cản tạo ra việc làm mới có chất lượng, mà còn làm chậm bước tiến của công cuộc đoàn kết xã hội.

Bên cạnh đó, Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh nền tài chính trong năm mới phải hoàn toàn thay đổi, loại bỏ chủ nghĩa vị kỷ vì lợi ích cá nhân, đồng thời xúc tiến phát triển các dịch vụ thứ cấp có triển vọng.

Bà Park  khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì các chính sách tài chính vĩ mô để nuôi dưỡng động lực phát triển kinh tế, để người dân có thể cảm nhận rõ rệt sự đổi thay, hồi phục kinh tế.

Ngoài ra, Tổng thống cũng yêu cầu xem xét lại những quy chế liên quan đến bất động sản và tích cực tuyên truyền về lĩnh vực cho thuê nhà tư nhân. Theo bà, thúc đẩy thị trường nhà ở cũng mang lại hiệu quả lớn trong hồi phục thị trường trong nước.

THÚY HÒA (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh