THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:13

Hạn chế việc thâu tóm, trục lợi, chi phối hợp tác xã

Hạn chế quyền tài sản thì ai còn muốn góp vốn nữa?

Thảo luận về một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sáng nay 5/4, một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm là quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong HTX, liên hiệp HTX.

Báo cáo tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo được quy định theo hướng cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ HTX, liên hiệp HTX và với các thành viên hiện hữu.

Quy định trên nhằm bảo đảm sự ổn định về cơ cấu thành viên và bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khi có nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp cũng như tạo điều kiện cho các thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn có thể chuyển đổi thành thành viên chính thức...

Trường hợp HTX, liên hiệp HTX, các thành viên khác không nhận chuyển nhượng phần vốn góp và thành viên không còn nhu cầu là thành viên của HTX, liên hiệp HTX thì có thể xin ra khỏi HTX, liên hiệp HTX và chấm dứt tư cách thành viên, được trả lại phần vốn góp theo quy định của Luật này và Điều lệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần tạo van, khóa để chống trục lợi, thâu tóm hợp tác xã

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần tạo "van, khóa" để chống trục lợi, thâu tóm hợp tác xã

Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, dự thảo luật không đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên của HTX, liên hiệp HTX. Việc thiết kế như trên nhằm tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hóa HTX”, hạn chế việc thâu tóm, chi phối hoạt động HTX, liên hiệp HTX của một số tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối với một số HTX, liên hiệp HTX đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.

Bày tỏ đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Tuyên Quang, tán thành với tiếp thu của cơ quan thẩm tra, cho rằng không nên đặt vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức ngoài hợp tác xã, liên minh hợp tác xã.

"Việc cho phép chuyển nhượng phần góp vốn sẽ làm mất đi bản chất hợp tác xã, tránh hiện tượng mua bán phần vốn góp tương tự như hoạt động của doanh nghiệp", đại biểu tỉnh Tuyên Quang nêu.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội lại cho rằng việc không cho phép chuyển nhượng vốn góp là chưa thuyết phục. Đại biểu Lâm lập luận, vốn góp của thành viên hợp tác xã là tài sản và quyền tài sản được đảm bảo theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

"Khi đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể như hợp tác xã lại bị hạn chế quyền tài sản này, không được mua bán, chuyển nhượng trong một số điều kiện thì ai còn muốn đóng góp tài sản vào tổ chức kinh tế tập thể nữa", ông Lâm nói, đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần nghiên cứu thêm.

Theo ông Lâm, không nên hạn chế quyền mua bán, chuyển nhượng phần góp vốn của thành viên góp tài sản vào hợp tác xã. Khi chuyển nhượng này thay đổi tính chất của hợp tác xã thì yêu cầu bắt buộc chuyển sang mô hình kinh tế khác phù hợp thay vì cấm hay hạn chế chuyển nhượng tài sản, nhất là chuyển nhượng tài sản cho cá nhân ngoài hợp tác xã.

"Lúc đó coi như là kết nạp thành viên mới thôi, có gì đâu. Thành viên nhận chuyển nhượng đó chưa phải là xã viên thì việc nhận chuyển nhượng như thủ tục kết nạp thành viên. Quy trình làm sao tương tự kết nạp thành viên mới thì không có gì khó khăn, phức tạp cả", ông Lâm kiến nghị.

Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cân nhắc quy định về chuyển nhượng vốn của thành viên hợp tác xã

Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cân nhắc quy định về chuyển nhượng vốn của thành viên hợp tác xã

Trước ý kiến đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, thực tế có hiện tượng “chui” vào HTX rồi chuyển nhượng, thâu tóm nên dự thảo chỉ đang cho phép chuyển nhượng giữa nội bộ thành viên hiện hữu, không cho chuyển nhượng ra bên ngoài.

Bên cạnh đó còn khống chế tỷ lệ vốn góp tối đa của mỗi thành viên chính thức; tổng phần vốn góp tối đa của tất cả thành viên liên kết góp vốn không quá 30% vốn điều lệ đối với HTX và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp HTX

“Chúng tôi cố gắng đưa ra “van”, “khoá” để chống trục lợi, thâu tóm HTX” – ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh…

Cân nhắc đối tượng trở thành thành viên tổ hợp tác

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cơ bản đồng tình với nội dung của dự thảo Luật. Đánh giá dự thảo Luật có nhiều điểm mới tiến bộ, tuy nhiên đại biểu đề nghị cân nhắc quy định về đối tượng có thể trở thành thành viên tổ hợp tác.

Theo đại biểu, dự thảo Luật mở rộng thêm đối tượng là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi với một số điều kiện có thể trở thành thành viên tổ hợp tác nhưng không được tham gia một số giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật. Đồng thời, theo dự thảo Luật, đối tượng là hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân cũng có thể tham gia vào tổ hợp tác. Đại biểu đề nghị xem xét, đánh giá thêm về mặt thực tiễn nhu cầu, tính hợp lý, khả thi của các quy định này.

Theo đại biểu, cần rà soát quy định của dự thảo Luật với Bộ luật Lao động liên quan đến người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, xem việc những người này tham gia góp sức vào tổ hợp tác có đảm bảo các yêu cầu của Bộ luật Lao động hay không, tránh việc thành viên tham gia tổ hợp tác có thể chưa thành niên nhưng thực hiện các hoạt động lao động hay vào những địa điểm không phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.

C.Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh