THỨ SÁU, NGÀY 18 THÁNG 10 NĂM 2024 07:24

Hàm Rồng ngày ấy và bây giờ

  Một góc phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiếu

 

Cuối năm 1964, sau khi “Chiến tranh đặc biệt” bị thất bại thảm hại, nhằm cứu vãn nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, đế quốc Mỹ đã tiến hành “Chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Hàm Rồng được xem là “điểm tắc lý tưởng”, là “đầu mút của khu vực cán xoong”. Vì vậy, không quân Mỹ coi cầu Hàm Rồng là điểm tấn công quyết định, nhằm khóa chặt tuyến giao thông huyết mạch, cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Chỉ trong 2 ngày 3, 4/4/1965, Mỹ đã huy động 454 lượt máy bay, ném hàng nghìn tấn bom xuống mảnh đất chưa đầy 1 km2 của Nam Ngạn, Hàm Rồng. Chúng hy vọng, trận phủ đầu với quy mô lớn này có thể đè bẹp sự phản kháng của chúng ta. Nhưng, những “con ma”, “thần sấm” oai phong của không lực Hoa Kỳ đã bất ngờ bị lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp của quân và dân Hàm Rồng – Nam Ngạn – Yên Vực hiệp đồng đánh trả quyết liệt, để trận đánh trả máy bay Mỹ diễn ra trong 2 ngày ấy trở thành dấu son chói lọi trong hành trình hàng nghìn ngày chống trả không lực Hoa Kỳ của cả dân tộc Việt Nam.

Trong hai ngày 3, 4/4/1965, 47 máy bay địch bị bắn hạ. Nhiều đài phát thanh phương Tây bình luận “Đây là ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ”. Với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi cơ quan, xí nghiệp, xóm làng là một pháo đài đánh giặc, mỗi đường phố là một mặt trận, mỗi chi bộ đảng là một tham mưu, toàn bộ Hàm Rồng và các địa phương phụ cận không kể già trẻ, gái trai đều chung một ý chí quyết tâm đánh thắng quân thù. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững, hiên ngang như thách thức sức mạnh bạo tàn của giặc Mỹ. Mạch máu giao thông Bắc - Nam vẫn thông suốt để những đoàn quân cùng vũ khí, đạn dược hướng tới chiến trường miền Nam.

Cầu Hàm Rồng - cây cầu thép không chỉ thể hiện ý chí ngoan cường của quân dân Thanh Hóa, mà còn là biểu tượng cho sức mạnh và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam. Tháng tư này, những cựu binh Hàm Rồng – Nam Ngạn năm xưa lại khắc khoải tìm về.  

Làng Nam Ngạn, ngôi làng phía bờ Nam cầu Hàm Rồng từng là túi bom Mỹ, ngày ấy có hai trung đội dân quân trai và gái không đi sơ tán như người dân mà liên tục bám trụ kiên cường chiến đấu và phục vụ chiến đấu cùng với các lực lượng giữ cầu. Bồi hồi, thành kính trước Tượng đài Nam Ngạn chiến thắng, lại vọng trong hồi ức về câu chuyện những người con của cụ Ngô Thọ Lạn.

Trong một trận chiến ác liệt với không lực Hoa Kỳ, hai trung đội dân quân trai và gái làng Nam Ngạn đều được huy động tham gia. Hàng trăm lượt máy bay đủ loại thay nhau bổ nhào đánh cầu từ sáng sớm đến chiều tối. Bốn người con của cụ Lạn là dân quân Ngô Thọ Sắp, Ngô Thọ Sếp, Ngô Thọ Đặt và Ngô Thọ Sáu đều được tăng cường hỗ trợ chiến đấu trên một hạm tàu hải quân. Trận đánh vô cùng ác liệt. Một số chiến sĩ hải quân hy sinh. Chiều tối trận đánh dứt, nhưng hai anh em Ngô Thọ Đặt, Ngô Thọ Sáu bị thương nặng. Người em út Ngô Thọ Sáu không qua khỏi.

Trong trận chiến đấu đó, nữ dân quân Lê Thị Dung của trung đội dân quân gái cũng qua đời do vết thương quá nặng. Phía sau Tượng đài Nam Ngạn chiến thắng là chùa Mật Đa. Sư thầy trụ trì Đàm Xuân đã cho dân quân dỡ cánh cửa chùa làm băng ca cứu thương đưa thương binh vào chùa để điều trị. Sư thầy đã dỡ một phần nhà Tổ làm nhà trú ẩn, nấu cơm nước cho bộ đội. Họ đã làm nên những hình ảnh tuyệt đẹp của chiến tranh nhân dân,  đó là cửa thiền thành bệnh xá dã chiến, nhà tu hành thành chiến sĩ, cả nhà ra trận, cả làng đánh giặc...

Dọc triền đê mênh mang, tại Bia tưởng niệm các thầy giáo, cô giáo, các giáo sinh, y sinh hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ đắp đê ngày 14/6/1972, tôi gặp hai người cựu binh từ Hoằng Quang sang thắp hương. Họ bảo, năm nào cứ vào dịp này anh em cũng sang đây thắp nén tâm hương tưởng nhớ tri ân những người đã ngã xuống cho Tổ quốc.  

Từ đê Nam Ngạn nhìn lên ngọn núi Cánh Tiên, thấy rõ mồn một hai chữ Quyết thắng. Nhà văn Lê Xuân Giang, nguyên chính trị viên Đại đội 4 - Hàm Rồng từng kể:  Để tỏ rõ ý chí đánh Mỹ và thắng Mỹ, quân và dân Hàm Rồng đã lấy đá trắng xếp trên sườn núi cao thành hai chữ “Quyết thắng” quyết tâm tiêu diệt giặc Mỹ tại nơi đây. Vượt lên đạn bom và sự hủy diệt của giặc Mỹ, các xí nghiệp Lò Cao vẫn ngày đêm nhả khói, Nhà máy Điện Hàm Rồng vẫn giữ cho dòng điện thắp sáng quê hương, Nhà máy xay Hàm Rồng vẫn hoạt động... tất cả với tinh thần chiến thắng, với khát vọng tự do.

Chiến thắng Hàm Rồng là chiến công của tập thể anh hùng, là kết quả của sự phối hợp giữa các quân, binh chủng với các địa phương và toàn dân, hình thành sức mạnh hiệp đồng trên quy mô lớn. Ðó không chỉ là chiến công của lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ khu vực Hàm Rồng - Nam Ngạn, Yên Vực, Tào Xuyên mà còn là chiến công của quân và dân Ðò Lèn, Lạch Trường, Phà Ghép, của các dân quân Hoằng Trường, nữ dân quân Hoa Lộc, nữ dân quân Thanh Thủy...; là tinh thần dũng cảm của các mẹ, các chị, của học sinh, sinh viên đã vượt qua mưa bom, bão đạn, cứu chữa, chăm sóc thương binh, tiếp lương, tải đạn, ngụy trang cho pháo; là tinh thần lao động quên mình sửa cầu, san đường, lấp bom bảo đảm giao thông thông suốt của lực lượng thanh niên xung phong và anh chị em công nhân ngành đường sắt. Và không chỉ có cây cầu, mỗi ngọn núi, cánh đồng, xóm làng ở vùng đất này đều trở thành anh hùng thành đất thép anh hùng của thời đánh Mỹ.

Đứng trên đỉnh đồi Quyết thắng, nhìn mái chùa, ngọn tháp Thiền viện Trúc Lâm, Ðền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ còn tươi màu ngói mới, lòng người bỗng trở nên an tịnh. Hướng mắt về bốn phía quê hương, những làng, những phố đã tươi màu trù mật.

Hàm Rồng, Nam Ngạn hôm nay đã vượt lên sự đổ nát, điêu tàn của một thời chiến tranh ác liệt, đang chuyển mình vươn lên cùng thành phố, cùng cả tỉnh, cả nước trong công cuộc đổi mới. Bên đôi bờ sông Mã, các khu công nghiệp, khu đô thị và khu dân cư mới đã và đang được hình thành; những cây cầu mới hiện đại soi bóng trên dòng Mã giang cùng cầu Hàm Rồng lịch sử, Ðại lộ Nam sông Mã nối từ Hàm Rồng đến thị xã Sầm Sơn đang được đầu tư xây dựng.

Trên nền trầm tích của huyền sử khai thiên lập địa, của văn minh văn hóa Đông Sơn, của lịch sử hơn 200 năm Thành hạc, của bản hùng ca Hàm Rồng bất tử trong thời đại Hồ Chí Minh... Khu Văn hóa lịch sử du lịch Hàm Rồng đang trở thành điểm đến thu hút du khách trong nước và bốn phương. Không chỉ thỏa mãn nhu cầu du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, dưới chân cầu mới, du thuyền “Ngược xuôi sông Mã” với hành trình trải nghiệm du lịch sông nước đang rời bến xuôi dòng ra biển. Tiếng hò dô tá dô tà của du khách với hướng dẫn viên, hòa vào mênh mông sông nước, trong màu nắng tháng tư lịch sử.

Theo baothanhhoa.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh