Hai vực thẳm ở nước Đức: Cứu tính mạng dân hay cứu nền kinh tế?
- Y học 360
- 02:25 - 09/04/2020
Theo tờ SPIEGEL (Đức), nước này đang đối mặt với hai vực thẳm. Ở Ý và Tây Ban Nha, bệnh nhân nằm la liệt dọc hành lang bệnh viện, họ chờ giường bệnh trống, nhưng chưa có. Lo sợ điều tương tự sẽ xảy ra tại các bệnh viện của Đức nên nước Đức đã cho thi hành rộng rãi một loạt biện pháp bảo vệ. Cuộc sống công cộng hầu như đứng yên.
Giờ đây lại rộ lên cảnh báo về một thảm hoạ thứ hai: Sự giãn cách xã hội càng kéo dài bao nhiêu thì nền kinh tế Đức càng bị lún sâu bấy nhiêu. Nhiều doanh nghiệp đứng trước tình trạng phá sản, nhiều người kinh doanh tự do không biết tới đây họ sẽ trả tiền thuê mặt bằng bằng cách nào.
Nếu giãn cách xã hội kéo dài ba tháng thì theo Viện Ifo Muenchen sẽ có khoảng trên hai triệu người bị mất việc làm, số lao động làm việc thời gian ngắn sẽ lên tới 6,6 triệu. Sức mạnh kinh tế sẽ bị giảm tới 20% . Có thể so sánh với cuộc khủng hoảng kinh tế mà Đông Âu và Trung âu đã trải qua sau khi Liên Xô sụp đổ.
Nhà kinh tế Jens Südekum cho rằng, vẫn còn kịp để ngăn chặn các kịch bản này. Ông yêu cầu chính phủ nhanh chóng tái khởi động đời sống kinh tế - kèm theo đó là tăng cường mạnh mẽ hạ tầng cơ sở để bảo vệ sức khoẻ đồng thời tiến hành xét nghiệm diện rộng khắp trên cả nước. Chỉ bằng cách đó thì cuối cùng mới có thể tránh buộc phải lựa chọn giữa tính mạng của một thiểu số với tương lai và hạnh phúc của đa số.
Tờ SPIEGEL mới đây đã có cuộc phỏng vấn với nhà kinh tế Jens Südekum.
----
SPIEGEL: Thưa ông, điều gì đang xảy ra đối với nền kinh tế Đức?
Südekum: Mọi sự sụp đổ nghiêm trọng. Chúng ta đang có hàng nghìn doanh nghiệp mất thu nhập một cách đột ngột. Nhiều doanh nghiệp nhỏ đứng trước bờ vực thẳm. Giờ là lúc bắt đầu một tháng mới, đến hạn trả tiền thuê mặt bằng, thanh toán cho các nhà cung ứng. Lúc này bắt đầu diễn ra một cuộc chạy đua: Liệu các trợ cấp của nhà nước có kịp thời đến tay các doanh nghiệp hay không?
SPIEGEL: Nếu giãn cách xã hội kéo dài hơn một tháng, thì nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ không còn khả năng để thay đổi bất kỳ điều gì, vì các doanh nghiệp đó đã bị phá sản. Tuy rằng nhà nước muốn vào cuộc – nhưng liệu nhà nước có đủ sức trả lương cho mọi người trong một thời gian dài, bù đắp cho các đơn hàng đang bị thiếu hụt?
Südekum: Mọi thứ lúc này lệ thuộc vào việc khi nào đời sống kinh tế được tái diễn. Người ta không thể tưởng tượng về một biện pháp giãn cách xã hội kéo quá dài, khi người lao động làm việc bán thời gian và chỉ được hưởng 67% lương, trong khi mọi chi phí cho cuộc sống vẫn ở mức 100%. Doanh nghiệp bị bật khỏi thị trường lâu bao nhiêu, thì việc nhập cuộc trở lại khó bấy nhiêu. Vì vậy, xét về kinh tế chính trị thì câu hỏi quan trọng nhất cần đặt ra là: Làm sao để có thể thu hẹp tối đa giai đoạn giãn cách xã hội một cách hợp lý nhất? Chúng ta cần làm gì để hạn chế tổn thất về knh tế, mà không làm ảnh hưởng đến sự bảo vệ về y tế?
Cuộc sống công cộng ở Đức gần như đứng yên, ngay cả trước Cổng Brandenburg ở Berlin. Ảnh: Kay Nietfeld / dpa
SPIEGEL: Chiến lược để thoát khỏi sự giãn cách xã hội sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?
Südekum: Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, các yếu tố này theo nghĩa hẹp không liên quan gì đến kinh tế, mà liên quan chủ yếu đến lĩnh vực y tế. Vì thế các chuyên gia kinh tế, y tế và chuyên gia về dịch tễ học phải hợp tác với nhau chặt chẽ hơn so với hiện nay. Rõ ràng là: biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ sẽ không thể kéo dài trên vài tuần lễ. Có thể tới lễ Phục sinh, có thể vào đầu tháng Năm. Mục tiêu phải đạt được là đến lúc đó phải chặn đứng được sự lây lan của virus và giảm mạnh số người bị lây nhiễm mới. Về mặt lý thuyết nếu như cả nước đồng lòng – ngồi yên ở nhà bốn tuần liền và tuyệt đối không làm gì cả, khi đó chắc chắn virus đã bị tiêu diệt trên diện rộng. Những người bị lây nhiễm sẽ biết họ bị ốm và sẽ được điều trị.
SPIEGEL: Khi cỗ máy kinh tế hoạt động trở lại, liệu con virus có trở lại không, thưa ông?
Südekum: Vấn đề chính là ở chỗ đó. Chúng ta phải quyết ngăn chặn bằng được sự trở lại của dịch bệnh. Ngay từ bây giờ chúng ta phải xây dựng cơ sở để làm điều đó, nếu không sự giãn cách xã hội mà chúng ta đã tiến hành sẽ trở thành vô ích. Sẽ không có ích gì nếu chúng ta trong tháng Sáu hoặc tháng Bảy tới lại phải thảo luận về một sự đình chỉ đời sống kinh tế.
SPIEGEL: Cho đến nay hầu như tất cả các nước đều công bố có người bị Covid-19. Vậy thì phải làm gì để ngăn chặn virus không trở lại?
Südekum: Kinh nghiệm của Hàn Quốc và các nước khác ở châu Á cho chúng ta nuôi hy vọng. Các nước này trong một thời gian tương đối ngắn đã kiểm soát được sự bùng nổ dịch và chặn đứng sự lây lan. Đó là do kiên quyết cách ly những người bị lây nhiễm. Người ta không chỉ quyết định cách ly mà còn kiểm soát chặt việc thực hiện cách ly, kể cả việc áp dụng giải pháp kỹ thuật số như xác định vị trí qua điện thoại thông minh. Một giải pháp khác là: test, test, test – test đối với toàn dân.
SPIEGEL: Ông đã nói về "freeze out" (đóng băng/giả chết), ý tưởng triệt mọi đường lây lan của virus, cho đến khi xác định được tất cả những người bị nhiễm bệnh và cách ly họ - hoặc họ đã được điều trị khỏi bệnh. Ở Đức người ta vẫn đi mua sắm hoặc đi làm nếu như không có cách nào khác. Phương án mà ông đề xuất đòi hỏi phải giãn cách xã hội một cách triệt để hơn nữa.
Südekum: Là nhà kinh tế tôi không dám mạo muội đề xuất chi tiết về các biện pháp bảo vệ sức khoẻ. Các nhà dịch tễ học phải xem điều gì là hợp lý và có thể áp dụng được ở xã hội ta. Hiện tại chúng ta đang ở giai đoạn mà người ta gọi là "búa", đây là lúc phải dùng toàn lực để giảm hơn nữa số lây nhiễm mới trong một thời gian ngắn.
SPIEGEL: Theo mô hình thường được đề cập thì sau "giai đoạn búa" là "giai đoạn khiêu vũ". Lúc này thông qua những can thiệp linh hoạt để tránh không để hệ thống y tế lại rơi vào tình trạng quá tải. Ai sẽ là người điều khiển cuộckhiêu vũ này? Phải chăng là nhà nước?
Südekum: Một số loại hình sinh hoạt công cộng vií dụ như các đại lễ hội, có vai trò to lớn trong việc lây lan virus nhưng lại không có vai trò quyết định đến đời sống kinh tế có lẽ sẽ bị nhà nước đình chỉ hoạt động trong một thời gian dài. Việc đóng cửa nhà trường, nhà trẻ gắn liền với chi phí rất cao của nền kinh tế. Hiện tại điều này ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp: nhiều cán bộ nhân viên không thể đi làm vì không có người trông nom con cái. Điều này có thể được nới lỏng, nếu như chúng ta có nhiều khả năng hơn để tiến hành các xét nghiệm.
SPIEGEL: Thưa ông tiến hành hàng triệu xét nghiệm có quá tốn kém không?
Südekum: Hiện có thông báo về các loại xét nghiệm mới khá đơn giản, dễ áp dụng, đại loại như xét nghiệm đối với người mang thai vậy. Có thể phương pháp này chưa chính xác 100%, nhưng như thế còn hơn là không xét nghiệm. Theo báo cáo mỗi lần xét nghiệm chỉ hết vài Euro.
SPIEGEL: Một nhà sản xuất ở Berlin có tiết lộ với báo Taz rằng, họ có thể sản xuất nhiều hơn nữa – thứ doanh nghiệp đó thiếu là bao bì. Trong trường hợp hiện nay phải chăng nhà nước cần can thiệp sâu hơn vào sản xuất? Liệu lúc này chúng ta có cần một nền kinh tế chỉ huy theo kiểu thời chiến?
Südekum: Không. Lúc này chúng ta cần có các giải pháp rất nhanh gọn và sáng tạo. Tôi không tin, những trường hợp như thế này có thể giải quyết thông qua sự thông thái ở đâu đó trong các cơ quan bộ. Điều mà nhà nước phải làm là: Đứng ra tiếp nhận những sáng kiến này và nhân rộng một cách nhanh nhất có thể. Nhà nước có thể cam kết bảo đảm thu mua không hạn chế các dụng cụ xét nghiệm này bằng mọi giá. Sau đó, tốt nhất để các doanh nghiệp tự tổ chức sản xuất, họ có thể hợp đồng với nhà sản xuất bao bì. Trí tuệ của các doanh nghiệp bao giờ cũng hơn các cơ quan kế hoạch ở trung ương. Vấn đề lúc này là nhà nước phải nhanh chóng bấm nút phát lệnh.
SPIEGEL: Vậy thì trong vấn đề này có nên ưu tiên các doanh nghiệp trong nước?
Südekum: Điều này nên suy nghĩ mang tính quốc tế. Có nhiều thứ chúng ta buộc phải nhập khẩu. Vì thế cũng cần có các giải pháp ở biên giới. Việc đóng cửa biên giới với khách du lịch ... là hoàn toàn đúng. Lúc này chúng ta chưa cần nhóm người này nhưng chúng ta cần duy trì trao đổi thương mại quốc tế. Việc xây dựng hạ tầng cơ sở xét nghiệm sẽ không triển khai được nếu thiếu thương mại quốc tế.
Một lễ hội diễn ra hồi tháng 2 ở Đức. Ảnh: Getty
SPIEGEL: Chúng ta không chỉ cần dụng cụ xét nghiệm mà còn cần có nhiều máy hô hấp. Cần hy động lực lượng hỗ trợ các bệnh viện dã chiến, các bệnh viện này có thể hoạt động một vài năm. Ông tin chắc thị trường sẽ xử lý được vấn đề này?
Südekum: Như đã nói, chúng ta cần sự sáng tạo. Ngay từ bây giờ chúng ta đã chứng kiến điều đó: Lúc này các nhà sản xuất ô tô không thể sản xuất ô tô, họ chuyển sang chế tạo máy bơm phục vụ sự hoạt động của máy thở. Ở đây cần có sự kích thích của nhà nước, thực tế đã có các cuộc trao đổi trực tiếp rồi. Chớ xem thường khả năng sáng tạo và sự linh hoạt của doanh nghiệp. Cán bộ nhân viên cơ quan nhà nước không thể đề ra các giải pháp tốt hơn so với tập thể các kỹ sư làm việc tại các doanh nghiệp của Đức. Tuy nhiên nhà nước phải đề ra chủ trương, đường lối. Một cách để làm việc này là tiến hành đấu thầu: Ví dụ, nhà nước bảo đảm sẽ thu mua ngần này khẩu trảng với một mức giá cực kỳ hấp dẫn. Tương tự như vậy ta làm với dự án ký thuật số phục vụ việc theo giõi các đường lây nhiễm. Ở đây có thể huy động sự tham gia của các nhà khởi nghiệp trên internet. Cũng cần có sự kích thích to lớn đối với những nhà cung ứng. Cuối cùng với cung cách làm ăn này nếu phí tổn hơn mười triệu hay vài chục triệu thực ra không có vấn đề gì.
SPIEGEL: Nhà nước sẽ có khoản nợ khổng lồ?
Südekum: Chẳng có gì tốn kém hơn là gia hạn thêm một tuần giãn cách xã hội. Cứ thêm một tuần thì mất ít nhất 35 tỷ Euro vì đình trệ sản xuất. Tất cả đều rẻ hơn, so với sự tiếp tục làm tê liệt nền kinh tế.
SPIEGEL: Ông có thấy trong các quyết định cho tới nay, người ta không chú ý đến các khảo sát về khoa học kinh tế mà chú trọng nhiều hơn, có tính một chiều đến khía cạnh y tế?
Südekum: Lúc này người ta mới thấy rõ tác động của các biện pháp đến lĩnh vực kinh tế. Tất nhiên nhà nước thu thập các ý kiến từ các lĩnh vực khác nhau. Chúng ta phải chú ý không để cho y tế và kinh tế đối đầu với nhau. Vấn đề không phải là xem nhẹ sự bảo vệ sức khoẻ người dân để cứu vãn vài ba điểm tăng trưởng đối với GDP. Chúng ta phải tìm ra các giải pháp để đồng thời đạt cả hai mục tiêu: Giảm chi phí đối với giãn cách xã hội, trong khi không thoả hiệp trong chăm sóc sức khoẻ người dân. Chúng ta phải đạt được điều mà Hàn Quốc đã làm – và duy trì bằng được cho đến khi có thể đưa vắc xin vào sử dụng.
SPIEGEL: Có lẽ xã hội phương Tây có điều bất lợi khi cân đối giữa gánh nặng y tế với gánh nặng kinh tế? Đòi hỏi của chúng ta thực ra là: Chúng ta đấu tranh cho từng mạng sống với bất cứ giá nào. Liệu sớm hay muộn xã hội phải có một quyết định hết sức cay đắng: Chúng ta còn có thể cứu người nào, với cái giá là bao nhiêu?
Südekum: Khi đó người ta sẽ nhanh chóng đi đến sự tính toán đầy mỉa mai là giá một mạng người là bao nhiêu euro hay cái giá của một năm sống là bao nhiêu. Tôi nhắc lại: Vấn đề với chúng ta là phải đạt được cả hai mục tiêu. Điều này có thể thực hiện được, nếu chúng ta ngay từ lúc này xây dựng hạ tầng cơ sở để đạt được mục tiêu này. Tất nhiên ở châu Âu, chúng ta sẽ có ít sự đồng thuận hơn đối với các giải pháp quyết liệt đã thực hiện thành công ở châu Á....
SPIEGEL: Hiện đã có sự tranh cãi về "bảo vệ sự thịnh vượng hay cứu tính mạng con người". Phó thống đốc bang Texas kêu gọi những người cao tuổi hãy hy sinh cho tương lai các cháu của họ.
Südekum: Điều đó dẫn đến ngõ cụt, đến sự tàn bạo về tình cảm và gây chia rẽ. Phải có giải pháp thứ ba để đạt được hai mục tiêu này. Đây không phải là điều không tưởng. Đã có những ví dụ cho thấy điều này là có thể. Lúc này, chúng ta phải học hỏi nhanh, và chúng ta phải phát huy trí tưởng tượng và sự sáng tạo. Điều đó không thể xuất phát từ Văn phòng Chính phủ [Thủ tướng Angela Merkel]. Ở đó phải phát ra tín hiệu, trong việc tìm kiếm giải pháp này, tiền bạc không thành vấn đề.