Hai phương án nghi lễ tuyên thệ nhậm chức của lãnh đạo cấp cao
- Tây Y
- 13:21 - 09/07/2016
Trong dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra hai phương án thực hiện nghi thức tuyên thệ của lãnh đạo cấp cao là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và Chánh án TAND Tối cao.
Đây là nghi lễ bắt buộc thực hiện theo quy định tại Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Giang Huy.
Lễ tuyên thệ sẽ diễn ra tại phòng họp Diên Hồng dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội hoặc Tổng thư ký Quốc hội. Người tham dự là đại biểu và khách mời quốc tế dự kỳ họp.
Nhạc lễ được chọn là "Tiến bước dưới quân kỳ" lúc người tuyên thệ đi lên làm lễ và "Vì nhân dân quên mình" khi đi xuống. Trước và sau khi đọc lời tuyên thệ, lãnh đạo phải hướng về phía quốc kỳ và cúi đầu chào. Nghi thức yêu cầu lãnh đạo nam mặc comple màu sẫm, áo sơ mi có cà vạt, lãnh đạo nữ mặc áo dài sẫm, không họa tiết.
Nghi thức quy định lãnh đạo phải đặt tay trái lên quyển Hiến pháp 2013, đọc lời không quá một phút với nội dung: "Tôi tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Khi lễ tuyên thệ diễn ra, các đại biểu đều phải đứng lên, không quay phim, chụp ảnh.
Trước đó, nhiều ý kiến cử tri và đại biểu Quốc hội cho rằng, tại lần tuyên thệ vừa qua, khi các lãnh đạo đứng làm nghi thức thì đại biểu ngồi, nhiều người còn quay phim, chụp ảnh là chưa thể hiện được tính trang nghiêm của buổi lễ.
Trong phương án 1, lễ tuyên thệ sẽ diễn ra tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, phòng họp được giữ nguyên phông khánh tiết của kỳ họp. Phương án 2, đề xuất tiến hành nghi lễ tuyên thệ nhậm chức riêng, sau khi kết thúc phiên họp.
Theo phương án 2, phông khánh tiết của phòng họp ghi nội dung Lễ tuyên thệ nhậm chức và ghi chức danh người nhậm chức. Bắt đầu vào buổi lễ sẽ chào cờ và hát quốc ca.
Chia sẻ với VnExpress, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, việc xây dựng lễ tuyên thệ của lãnh đạo cấp cao thành nghi thức chuẩn mực là cần thiết. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đảm nhiệm chức năng này như Bộ Lễ thời xưa là hoàn toàn phù hợp.
Vị đại biểu Quốc hội này tán thành với phương án 1 của dự thảo. "Quốc hội bầu ra các chức danh ấy thì tiến hành lễ tuyên thệ ngay trong phiên họp", ông nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc xây dựng lễ tuyên thệ của lãnh đạo cấp cao thành nghi thức chuẩn mực là điều cần thiết. Ảnh: H.H.
Theo ông Quốc, lời tuyên thệ ngắn gọn như trong dự thảo là hợp lý, chứa ba mệnh đề chính là trung thành với Tổ quốc - trung thành với nhân dân và trung thành với Hiến pháp. Nếu lãnh đạo muốn hứa hẹn hoặc phát biểu thì nên để sau đó.
"Lời tuyên thệ là lời hứa thiêng liêng, bao quát nhất và thể hiện tinh thần trách nhiệm của một người", ông nói và cho rằng dự thảo nên bổ sung trước lời tuyên thệ câu "Dưới/ Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng..." tùy thuộc vào vị trí đứng của người tuyên thệ so với quốc kỳ.
Ông Quốc cho rằng tuyên thệ là của cá nhân nhưng thực hiện trước Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội thay mặt nhân dân chứng kiến, xác nhận và giám sát vị lãnh đạo đó có thực thiện, hoàn thành lời tuyên thệ nên cần phải nghiêm túc, đứng dậy cùng tham gia chứ không chỉ làm người quan sát.
"Lần trước các đại biểu ngồi, thậm chí đoàn chủ tịch cũng ngồi cao hơn so với người tuyên thệ là chưa phù hợp", ông Quốc nói.
Trước đó ngày 7/7, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến về nghi lễ tuyên thệ nhậm chức của các chức danh lãnh đạo cấp cao do Quốc hội bầu, theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Các ý kiến sẽ được tổng hợp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị cho kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 14.
Lãnh đạo các nước tuyên thệ nhậm chức như thế nào Nhiều quốc gia trên thế giới từ trước tới nay đã áp dụng quy định lãnh đạo cấp cao nhất phải tuyên thệ trước khi đảm nhiệm vị trí chức vụ mới. Đức: Lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng tại tòa nhà Quốc hội, chủ trì lễ tuyên thệ là Chủ tịch Quốc hội. Thủ tướng giơ tay phải lên, hướng lòng bàn tay ra phía trước và đọc lời thề. Mỹ: Phần lớn lễ nhậm chức của các tổng thống được tổ chức ở tòa nhà quốc hội. Tùy vào điều kiện thời tiết, buổi lễ có thể diễn ra trong nhà hoặc ngoài trời. Chủ trì lễ tuyên thệ của Tổng thống là Chánh án Tòa án Tối cao. Hiến pháp Mỹ không quy định tân tổng thống phải đặt tay lên sách gì trong lễ tuyên thệ. Tuy nhiên, trong lễ tuyên thệ nhậm chức của các tổng thống đều lựa chọn Kinh Thánh. Tổng thống đặt tay trái vào cuốn Kinh Thánh tay phải giơ lên, hướng lòng bàn ta ra phía trước. Tổng thống nhắc lại theo lời của chánh án: “Tôi xin long trọng thề rằng tôi sẽ đảm đương vị trí tổng thống Mỹ một cách trung thành, và sẽ nỗ lực hết khả năng của mình để duy trì và bảo vệ hiến pháp của nước Mỹ”. Các tổng thống Mỹ thường kết thúc lời tuyên thệ bằng câu nói: “Xin Chúa hãy giúp con”. Tuy nhiên, câu nói mang tính tôn giáo này không bắt buộc. Myanmar: Lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống tại hội trường họp Quốc hội. Tổng thống và hai Phó tổng thống tuyên thệ nhậm chức trong một phiên họp của Quốc hội. |