THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:44

Hải Phòng tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em

Hải Phòng: Tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em - Ảnh 1.

Tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đuối nước cho trẻ em (Ảnh minh họa)

Theo văn bản, UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các quận huyện  tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng "Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt, chú trọng công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là phòng chống đuối nước, tai nạn giao thông và trẻ bị rơi, ngã.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư, trường học, lớp học để đảm bảo an toàn cho trẻ em và thực hiện cải tạo, sửa chữa các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích trẻ em.

Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em.

Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em.

Sở LĐ-TB&XH đẩy mạnh việc triển khai Mô hình "Ngôi nhà an toàn" và Mô hình "Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em"; lồng ghép việc triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em vào Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em hằng năm. Tăng cường công tác truyền thông, tư vấn, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó tập trung vào các loại hình tai nạn thương tích thường gặp như: Rơi, ngã, đuối nước, tai nạn giao thông, bỏng, ngộ độc.

Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả mô hình "Trường học an toàn", "Nhà trẻ, mẫu giáo an toàn"; phòng, chống tai nạn rơi, ngã và đuối nước cho trẻ em. Tăng cường nâng cao nhận thức cho giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó, chú trọng đến phòng, chống đuối nước và rơi, ngã cho trẻ em. Vận động, tạo điều kiện cho học sinh tham gia học bơi vào dịp hè. Chủ động kiểm tra, phát hiện các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh trong trường học để kịp thời xử lý.

Các Sở Y tế, Sở NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc xây dựng mô hình "Cộng đồng an toàn"; tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phòng chống tai nạn đuối nước cho cán bộ y tế thôn, tổ dân phố; tư vấn, hướng dẫn sơ cấp cứu cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ khi có tai nạn thương tích xảy ra với trẻ em. Sở Xây dựng chỉ đạo việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại các công trình xây dựng, khu nhà chung cư cao tầng; có biện pháp khắc phục ngay khi phát hiện các nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ em trong các công trình xây dựng.Rà soát các công trình chứa nước, sông, ao, hồ, các khu vực nước sâu nguy hiểm, các công trình thủy lợi thường xẩy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em để chỉ đạo lắp đặt rào chắn, biển cảnh báo và triển khai các biện pháp chủ động phòng ngừa đuối nước cho trẻ em.       

Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường chỉ đạo công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của xã hội về sự cần thiết của việc cho trẻ em học bơi, phát động phong trào dạy bơi - học bơi trong cộng đồng. Thực hiện hỗ trợ dạy bơi cho trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Sở Giao thông vận tải tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy, chú trọng phòng, chống đuối nước trẻ em…

Các quận, huyện chỉ đạo xây dựng Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em hằng năm tại địa phưong, trong đó tăng cường hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

Tiếp tục chỉ đạo thực việc triển khai Mô hình "Ngôi nhà an toàn", "Trường học an toàn" và "Cộng đồng an toàn" trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo đơn vị chức năng, thường xuyên kiểm tra các điểm trông giữ trẻ, các bể bơi, bến đò ngang, bến phà các công trình xây dựng, khu du lịch... rà soát, phát hiện các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ em, có biện pháp xử lý kịp thời…

Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em tử vong do tai nạn thương tích.

THÀNH NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh