Hãi hùng trận "sóng thần mật rỉ đường"
- Tây Y
- 13:22 - 24/02/2019
Lúc 12 giờ 30 phút ngày 15-1-1919 (giờ địa phương), nhân viên tuần tra của Sở Cảnh sát TP Boston - Mỹ, ông Frank McManus, bất ngờ nghe tiếng động lớn và không khỏi sốc nặng khi phát hiện "một bức tường mật rỉ đường" đang hướng về phía mình.
"Đại hồng thủy" nhớp nháp
Người này lập tức gọi điện thoại về trụ sở chỉ huy, thông báo: "Mau huy động tất cả phương tiện và lực lượng cứu hộ. Có một làn sóng mật rỉ đường đang chảy xuống phố thương mại". Khi đó, khoảng 8,7 triệu lít mật rỉ đường tạo thành một con sóng khổng lồ cao gần 8 m, rộng 50 m và di chuyển với vận tốc 56 km/giờ quét qua khu vực đông dân cư North End của TP Boston khiến người dân không kịp trở tay.
Hậu quả của vụ vỡ một bể chứa mật rỉ đường cao 15 m này là nhiều con đường bị "nuốt chửng" trong vài giây. Những người ở trên đường đi của dòng mật bị nhấn chìm dẫn đến ngạt thở. Đến hoàng hôn hôm đó, 21 người đã thiệt mạng và 150 người bị thương, trong khi khu vực North End giống như vừa trải qua một trận đánh bom. Hầu hết người thiệt mạng là công nhân đang ăn trưa tại một tòa nhà trong thành phố. Ngoài ra, ngựa và các loài động vật khác cũng chịu chung số phận. Nhà sử học Stephen Puleo, tác giả cuốn sách "Thủy triều đen: Trận đại hồng thủy ở Boston năm 1919", nói với kênh NBC News rằng tòa nhà sở cứu hỏa địa phương bị xé toạc và suýt bị quét đến cảng Boston.
Bà Nicole Sharp, chuyên gia về động lực học chất lỏng, bày tỏ ngạc nhiên khi nghe dòng mật rỉ đường chảy với vận tốc 56 km/giờ bởi mật có độ sệt nhất định nên không thể chảy nhanh như nước. Bà Sharp quyết định tìm hiểu yếu tố khoa học đằng sau bi kịch trên cùng với một nhóm nhà khoa học tại Trường ĐH Harvard và nhận thấy ban đầu, nó có thể di chuyển với tốc độ như vậy. Cụ thể, trận lụt chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn thứ nhất được gọi là "sóng thần".
"Mật rỉ đường nặng hơn 1,5 lần so với nước và rất cô đặc. Do bể chứa khá cao nên lưu trữ một lượng lớn năng lượng tiềm tàng. Khi bể chứa bị vỡ, tất cả năng lượng tiềm tàng ấy chuyển thành động năng. Trong 60-90 giây đầu tiên, độ nhớt của mật rỉ đường không gây ảnh hưởng nhiều vì quán tính mạnh. Con sóng tràn qua nghiền nát mọi thứ. Xương người bị gãy, thi thể nạn nhân bị ném vào các tòa nhà và toa xe lửa. Những người sống sót thì gãy lưng và nứt sọ" - bà Sharp giải thích.
Ở giai đoạn thứ hai, quán tính giảm sau khi mật rỉ đường lan rộng và độ nhớt bắt đầu hãm bớt tốc độ dòng chảy. Mật rỉ đường chảy chậm đi nhưng lại dày hơn nên các nạn nhân vẫn khó thoát ra. Mọi người bị mắc kẹt. Các nhân chứng kể lại họ thở hổn hển và cố gắng tránh hít thở quá nhiều. Thời tiết lạnh khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Khi nhiệt độ giảm xuống, mật rỉ đường càng lúc càng chảy chậm làm cho những người mắc kẹt không thể xoay xở, càng vùng vẫy càng bị chìm sâu. Lực lượng cứu hộ cũng gặp khó khăn và phải để những chiếc thang nằm ngang để giúp họ không bị rơi vào dòng chảy.
Quang cảnh hoang tàn ở North End sau trận “đại hồng thủy” ngày 15-1-1919
Sở cứu hỏa địa phương suýt bị quét đến cảng Boston Ảnh: AP
Thảm họa do xây ẩu
Năm 1915, Purity Distilling Co. - công ty con của U.S. Industrial Alcohol (USIA, Mỹ) - đã xây bể chứa mật rỉ đường nói trên nhằm đáp ứng nhu cầu vũ khí quân sự ngày càng tăng. Bể chứa mật rỉ đường từ Cuba, Puerto Rico và Tây Ấn, sau đó được chuyển đến một nhà máy chưng cất ở Đông Cambridge, bang Massachusetts để tạo thành cồn công nghiệp. Các công ty ở Mỹ, Anh và Pháp đã mua loại cồn này để sản xuất thuốc nổ, bột không khói, rượu rum và các chất nổ khác sử dụng trong Thế chiến thứ nhất.
Nhà sử học Puleo cho đài NBC News biết người quản lý dự án xây bể chứa, Arthur Jell, không hề có kinh nghiệm về kỹ thuật và kiến trúc. Ngay từ đầu, ông ta đã bỏ qua các biện pháp an toàn. Thay vì đổ đầy nước vào bể chứa sau khi hoàn thành để kiểm tra vấn đề rò rỉ, ông Jell chỉ cho vào lượng nước cao 15 cm và nó bị rò rỉ ngay ngày đầu tiên đưa vào hoạt động.
Quản lý cấp cao tại Công ty Kỹ thuật Simpson Gumpertz & Heger (bang Massachusetts - Mỹ) Ronald Mayville nghi ngờ bể chứa được thiết kế để đựng nước chứ không phải mật rỉ đường. Mặc dù công nhân đã cảnh báo USIA về việc bể chứa bị rò rỉ nhưng công ty vẫn không chịu khắc phục. Năm 1918, ông Jell thậm chí còn cho sơn những lỗ rò bằng màu nâu để giấu đi và tránh phải sửa chữa tốn kém.
Bảy ngày trước khi xảy ra trận "đại hồng thủy", nhiệt độ xuống thấp và một lô hàng 1,9 triệu lít mật rỉ đường mới được đổ vào bể chứa. Mật rỉ đường có nhiệt độ cao từ bên ngoài trộn với mật rỉ đường có nhiệt độ thấp trong bể chứa đã thúc đẩy quá trình lên men, hình thành khí gas. Kết quả là 1 tuần sau, nó bị vỡ, dẫn đến thảm họa nói trên.
Sau trận lụt, USIA bao biện rằng có kẻ nào đó đã đặt bom để phá hủy bể chứa nhưng các nhà điều tra kết luận quá trình xây dựng công trình này có nhiều sai sót. Một thẩm phán phán quyết USIA phải chịu trách nhiệm và bồi thường 300.000 USD - tương đương với khoảng 4,5 triệu USD ngày nay - cho các nạn nhân và người thân của họ. USIA về sau không cho sửa chữa bể chứa bị vỡ trong lúc sự xuất hiện của kỹ thuật mới khiến việc chưng cất mật rỉ đường để chế tạo cồn công nghiệp trở nên lỗi thời. Phần lớn diện tích bị ngập hiện nằm bên trong công viên Langone, nơi treo một tấm bảng nhỏ nhắc nhở người ta về thảm kịch.