THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:49

Hải Dương: Dân yêu cầu di dời nhà máy gây ô nhiễm

 

  Bài 1: Quyết tâm bảo vệ môi trường

Vi phạm nghiêm trọng ngay từ khi vận hành thử nghiệm
Đến nay, Công ty TNHH Khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu Khoáng sản Việt Nam có trụ sở tại Lô CN19 cụm công nghiệp Phú Thứ, thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn (Hải Dương) vẫn giữ “kỷ lục” là doanh nghiệp bị phạt sớm nhất và nhiều nhất do vi phạm những quy định về bảo vệ môi trường. 
Công ty này được Sở kế hoạch & Đầu tư tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư lần đầu ngày 20/3/2013 với lĩnh vực hoạt động là “tham gia xử lý và tiêu hủy rác thải độc hại, xử lý chất thải ngành luyện kim”. Tuy nhiên, ngay trong thời gian đầu vận hành thử nghiệm, khoảng tháng 7/2013, nhà máy của Công ty TNHH Khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu Khoáng sản Việt Nam đã có những dấu hiệu làm ô nhiễm môi trường, nguồn nước và không khí, khiến đời sống của người dân bị đảo lộn. Khí thải của nhà máy có mùi tanh, hôi nồng nặc khiến người dân ở các khu vực lân cận có cảm giác tức ngực, khó thở. Nước thải từ hoạt động sản xuất của nhà máy cũng làm cho nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân không sinh trưởng được gây thiệt hại cho các hộ sản xuất.

Toàn cảnh Công ty TNHH Khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam  

Trước đó, năm 2013, khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng, trực tiếp là Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an đã vào cuộc điều tra hoạt động vận hành thử nghiệm nhà máy thuộc Công ty TNHH Khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu Khoáng sản Việt Nam. Kết quả điều tra cho thấy, nhà máy này đã vi phạm nghiêm trọng một số quy định về bảo vệ môi trường như: Thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nhiều lần; không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc về bảo quản, quản lý chất thải nguy hại… Do đó, nhà máy đã bị cơ quan chức năng xử phạt số tiền 270 triệu đồng do vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, yêu cầu nhà máy tạm dừng vận hành thử nghiệm; khẩn trương có biện pháp khắc phục, thay đổi công nghệ, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường và có trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định. Tuy nhiên từ đó đến nay, khi hoạt động trở lại thì nhà máy này vẫn gây ô nhiễm, khiến cho cuộc sống của hàng nghìn hộ dân bị đe dọa.

Tiếp tục gây ô nhiễm...
Theo phản ánh của người dân, ngày 13/8/2016, nhà máy thuộc Công ty TNHH Khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu Khoáng sản Việt Nam đã đi vào hoạt động trở lại. Và ngay lập tức, ngày 15/8, đại diện người dân khu 5,6,7 đã có đơn kiến nghị gửi UBND thị trấn Phú Thứ phản ánh việc không khí tiếp tục ô nhiễm do khí thải của nhà máy. 
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Dũng, một người dân khu 7 cho biết, chúng tôi không biết là nhà máy có được cơ quan chức năng cho phép hoạt động trở lại thật hay không, nhưng khí thải của nhà máy thì phải nói là vẫn giống hệt như đợt năm 2013, không thể nào chịu được. "Vừa tanh nồng vừa hôi. Người dân ở trong nhà không ai dám mở cửa mỗi khi nhà máy xả thải"-anh Dũng ngán ngẩm.

 

Người dân dựng lều bạt phía trước cổng nhà máy thuộc Công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam

 

Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thứ thừa nhận, việc hoạt động sản xuất của nhà máy tạo ra mùi khó chịu ở khu vực xung quanh là có thật; còn để xác định rõ tình trạng ô nhiễm môi trường và mức độ độc hại đến đâu, có vượt quá các tiêu chuẩn, quy định về bảo vệ môi trường hay không thì phải chờ kết luận của các cơ quan chuyên môn.
Bức xúc trước việc hoạt động gây ô nhiễm của nhà máy, nhiều người dân địa phương đã huy động các loại xe chở đất, đá đổ ngay trước cổng nhà máy để không cho xe chở nguyên liệu vào nhà máy. Đồng thời, dựng lều bạt ở phía trước cổng để ngăn không cho công nhân vào sản xuất. 
Trước tình hình đó, để bảo đảm trật tự trị an, Chính quyền thị trấn Phú Thứ và các cơ quan chức năng của huyện Kinh Môn đã tổ chức động viên, vận động bà con không tụ tập đông người, giải tỏa cổng nhà máy… Tuy nhiên, qua trao đổi với người dân được biết, do bức xúc trước việc nhà máy vẫn tiếp tục vận hành, xả khí thải vào môi trường nên bà con kiên quyết không dỡ bỏ lều bạt và chỉ đồng ý giải tỏa cổng nhà máy “khi nào Công ty ngừng mọi hoạt động sản xuất và di dời đi chỗ khác”. 
Dư luận đang đặt nghi vấn xung quanh việc nhà máy thuộc Công ty TNHH Khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu Khoáng sản Việt Nam sản xuất trở lại. Đến thời điểm này, nhà máy đã thực sự đủ các điều kiện bảo đảm để vận hành theo như kiến nghị của Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hải Dương từ năm 2013 hay chưa? Nếu đã bảo đảm các điều kiện đó thì tại sao trong khí thải vẫn có mùi khó chịu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe như nội dung đơn phản ánh của người dân?. Đây chính là những vấn đề cần làm rõ để sớm ổn định tình hình trên địa bàn thị trấn Phú Thứ. 
Cùng theo thông tin người dân phản ánh, vào tối ngày 6/9, ông Hà Quang Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam đã có hành động giật đổ lều bạt ở phía trước cổng nhà máy. Khi lều đổ xuống đã khiến cho cụ Vũ Thị Nghĩ (79 tuổi) và cháu Nguyễn Hoài Dương (10 tuổi) nằm trong lều bị thương phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nhị Chiểu. 
Để sớm ổn định tình hình, cùng với việc đẩy mạnh vận động nhân dân, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác định rõ những phản ánh của người dân liên quan đến việc nhà máy thuộc Công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam gây ô nhiễm môi trường. 

Thành Nam – Mai Phương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh