Hà Tĩnh: Thành lũy cổ trên Đèo Ngang bị tàn phá không thương xót
- Tây Y
- 03:11 - 08/03/2016
Một đoạn luỹ thành dường như còn nguyên vẹn
Hệ thống thành lũy bằng đá cổ được xây dựng trên dãy Hoành Sơn (Đèo Ngang), thuộc địa phận xã Kỳ Lạc và Kỳ Lâm huyện Kỳ Anh được phát hiện vào năm 1993. Và phải đến ngày 29/9/2011, tại Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 46 diễn ra tại Hà Nội, Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh mới chính thức công bố phát hiện đặc biệt này.
Mặc dù chưa được xác định rõ niên đại, nhưng theo đánh giá bước đầu của giới sử học thì hệ thống thành lũy cổ này có khả năng được xây dựng từ thời vương quốc Lâm Ấp (thời kỳ Đại Việt - Chăm Pa) hàng ngàn năm trước có chiều dài trên 30km; cao khoảng 3m, mặt trên thành lũy tương đối bằng phẳng và rộng khoảng 2m; thành lũy được ghép đều đặn bằng những phiến đá tự nhiên có kích thước khác nhau (người dân bản địa thường gọi là đá Son) vuông vức theo phương thẳng đứng; theo chiều dài của thân thành lũy cứ cách nhau khoảng3-4m lại được trổ một lỗ hỏa hiệu kiểu dạng hình phểu, mặt trước to, mặt sau thu nhỏ lại, khả năng khi xây dựng công dụng của nó là vừa để thoát nước, vừa quan sát đánh trả kẻ địch lúc công phá thành. Tại vị trí đặt hỏa hiệu hai bên có xây bậc theo kiểu tam cấp cho quân sỹ lên xuống thành lũy thuận tiện, đồng thời có địa điểm để tập kết quân sỹ được đào sâu dưới chân thành về phía Bắc gọi là học đóng quân, có kích thước hình vuông mỗi chiều dài từ 4,5-5m... do vương quốc Lâm Ấp xây dựng dựa vào dãy Hoành Sơn, với mục đích phòng thủ bảo vệ biên trấn... Đến giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh (đợt thứ 5 khoảng tháng 5/1655 đến tháng 5/1659) thì hệ thống thành lũy đá cổ này mới tiếp tục được chúa Trịnh Toàn củng cố thêm, cho nên người dân địa phương vẫn còn gọi là lũy Ông Ninh (Ninh Quận công - Trịnh Toàn).
Một lỗ hỏa hiệu của lũy thành
Trước đây thành lũy đá cổ này bị cây rừng, bụi rậm bao phủ ít người qua lại nên dường như nó bị mất hoàn toàn dấu vết. Mãi đến thời kỳ xây đập chứa Kim Sơn (xã Kỳ Hoa), người dân trong vùng vô tình đã khai thác đá của thành lũy để làm kè bờ đập. Tiếp đến do xây dựng đường điện cao thế Bắc – Nam đi qua nên nhiều cột trụ của đường điện nằm ngay sát điểm đầu vị trí của lũy thành trên đình Đèo Bụt, thuộc dãy Hoành Sơn bị phá vỡ không thương tiếc. Hiện nay công trình kiến trúc cổ này tiếp tục bị tàn phá do xây dựng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, đường vào trang trại và dùng vật liệu để xây dựng nhà cửa…
Ông Nguyễn Hữu Thanh (80 tuổi) người dân địa phương xã Kỳ Lạc cho biết, không những chỉ có hệ thống thành lũy bằng đá bị tàn phá nghiêm trọng những năm gần đây, mà chưa đầy 8 năm trước tại Kỳ Lạc còn có nguyên cả lũy thành bằng đất sét nằm thấp hơn dưới chân đèo, có kích thước rộng và dài tới hàng ngàn mét cũng đã bị các tổ chức, cá nhân phá hủy hầu như hoàn toàn để san lấp mặt bằng làm các công trình, nhà cửa.
Rõ ràng với tầm cỡ của một di tích có giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt quan trọng như hệ thống thành lũy trên, thì các ngành chức năng cần phải nhanh chóng vào cuộc để bảo vệ phục vụ cho công tác nghiên cứu và tham quan.
Một đoạn lũy thành cổ
Một đoạn lũy thành cổ đang đứng trước nguy cơ bị khai thác
Nhiều đoạn lũy thành cổ bị tàn phá phục vụ công trình đường điện
Nhiều đoạn lũy thành cổ bị tàn phá phục vụ công trình giao thông Hoa- Lạc
Nhiều đoạn lũy thành cổ bị tàn phá phục vụ công trình đường điện
Nhiều đoạn lũy thành cổ bị từng bị tàn phá làm QL 22A thời chiến tranh chống Mỹ
Một lỗ hỏa hiệu trước nguy cơ bị khai thác đá làm nhà dân
Trên lũy thành nhìn xuống xã Kỳ Lạc