THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:11

Hà Tĩnh, Quảng Bình: Dân lại oằn mình chống lũ

Nhà dân ở xã Hòa Hải bị ngập sâu trong lũ.

Nhiều địa phương bị cô lập

Tại Quảng Bình, theo báo cáo nhanh từ Văn phòng thường trực BCH PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết, đến 16 giờ ngày 2/11, mực nước trên các sông ở Quảng Bình đang xuống chậm và còn ở mức cao. Mực nước trên sông Rào Nậy tại Đồng Tâm đạt 7.90 m trên báo động (BĐ) I 0.9m. Trên sông Gianh tại Mai Hóa đạt 3.21m trên BĐI 0.21m. Trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy đạt 2.56m trên BĐII 0.36m. Trên sông Son tại Quảng Minh 1.50m, dưới lũ lịch sử năm 2010 là 2.4 m.Tổng lượng mưa từ ngày 30/10 đến 17 giờ ngày 2/11 Trạm Đồng Tâm 963.4mm; Trạm Mai Hóa 326.8mm; Trạm Đồng Hới 262.1mm; Trạm Hàm Ninh 307.2 mm; Trạm Kiến Giang 389.4mm; Trạm Lệ Thủy 505.5; Trạm Tân Mỹ 449.2mm; Trạm Quảng Minh 439.5mm; Trạm Troóc 553.4mm; Trạm Ba Đồn 463.4mm... Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng sâu trên diện rộng.

 

Mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường giao thông bị ngập nặng, tại ngầm 23, 25 trên đường 10, thuộc địa bàn xã Ngân Thủy (nằm trên đường lên đồn Làng Ho); đường vào bản Pơ Loang, Rìn Rìn, Dốc Mây, Trung Sơn thuộc xã Trường Sơn (địa bàn đồn Làng Mô) bị ngập, phương tiện giao thông không qua lại được; đầu nguồn sông Long Đại nước đang lên nhanh khoảng 2m. Đoạn đường từ bản Cà Vàng, Ka Ai, Tà Rà, Hà Nông, Phà Lót (địa bàn đồn Cha Lo) có điểm ngập sâu hơn 1m, địa bàn bị chia cắt. 11 hộ/47 khẩu ở Bãi Dinh, xã Dân Hóa đã phải di dời ra khỏi khu vực khả năng bị lũ quét sạt lở đất...

Tại huyện Quảng Trạch, các tuyến đường liên xã Cảnh Hóa đi Phù Hóa và tuyến đường từ Quàng Thanh - Quảng Phương - Quảng Lưu - Quảng Thạch đã bị chia cắt hoàn toàn. Xã Phù Hóa với các thôn Kinh Nhuận, Vịnh Thọ, Thượng Thọ, Cấp Sơn xã Cảnh Hóa; thôn Thuận Hòa xã Quảng Trường bị chia cắt hoàn toàn. Nhiều tuyến đường các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Minh Hóa bị ngập sâu, giao thông chia cắt nhiều nơi...

Trụ sở HTX nông nghiệp xã Phương Mỹ bị lũ nhấn chìm.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Bình có 18.046 ngôi nhà bị ngập, trong đó thị xã Ba Đồn có 7.487 hộ bị ngập nước. Các thôn bị ngập nặng như Tân Thượng (xã Quảng Hải), thôn Cồn Sẽ (Quảng Lộc), thôn Văn Phú (Quảng Văn), thôn Cồn Nâm (Quảng Minh), thôn Hà Sơn (Quảng Sơn), thôn Tiên Phong, Tiên Xuân (Quảng Tiên), thôn Công Hoà (Quảng Trung); huyện Tuyên Hóa có 6.355 nhà bị ngập, 316 hộ thuộc các thôn Vĩnh Xuân, Phú Xuân (xã Cao Quảng), thôn Lạc Sơn (xã Châu Hoá), thôn Kim Tiến (xã Kim Hoá) bị cô lập hoàn toàn. 402 hộ ở các xã Hương Hoá, Châu Hoá, Ngư Hoá, Kim Hoá, Thuận Hoá phải di dời; huyện Quảng Trạch có 2.190 nhà bị ngập, trong đó xã Phù Hóa: 650 nhà ở các thôn Trường Xuân, Trường Sơn, Long Châu, Trung Tiến, Hậu Thành, nơi ngập cao nhất khoảng 3,5m. Mực nước ngoài vườn dân có chỗ đến 5m. Xã Cảnh Hóa 305 nhà tại các thôn Vịnh Thọ, Thượng Thọ, Kinh Nhuận, nơi ngập cao nhất khoảng 2,5m. Xã Quảng Thanh 600 nhà tại các thôn Phù Ninh, Tân An và Thanh Sơn, nơi ngập cao nhất khoảng 0,9m... Lốc xoáy đã càn quét qua 2 xã Phú Thủy và Mai Thủy (huyện Lệ Thủy) sáng 1/11 khiến 71 nhà dân tại thôn 1 Thạch Bàn (xã Phú Thủy) và các thôn Châu Xá, Lê Xá (xã Mai Thủy) hư hại, nhiều nhà hỏng nặng.

Mưa lớn và lũ lụt đã làm 2 người chết, 1 người dân tại Quảng Bình hiện vẫn mất tích, nhiều cơ sở hạ tầng: trường học, trạm xá, nhà văn hóa... hư hỏng nặng. Nhiều diện tích hoa màu, gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Theo ước tính sơ bộ ban đầu thiệt hại hơn 47 tỷ đồng.

Trước tình hình mưa lũ còn nhiều diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, đã chỉ đạo các địa phương chủ động tổ chức, thực hiện các phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng người dân. Chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân và các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, không chủ quan, lơ là; chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đủ dùng trong thời gian mưa lũ, bị chia cắt, tối thiểu 7 ngày để ứng phó với sự khắc nghiệt của thiên tai...

Tại tỉnh Hà Tĩnh, nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn vẫn đang xả lũ điều tiết. Lúc 9 giờ, ngày 2/11, Nhà máy thủy điện Hố Hô điều tiết hạ 3 cánh cửa van cùng mở 1.0m, lưu lượng nước qua tràn còn: 239m3/s.

Ông Ngô Đức Hợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và TKCN tỉnh Hà Tĩnh cho biết, do lượng mưa giảm từ chiều và tối 1/11 nên nhiều địa phương trong tỉnh ngập sâu trong nước. Đến chiều 2/11 còn 1.080 hộ dân ở 12 xã bị ngập. Trong đó, huyện Hương Khê còn 7 xã với 812 hộ bị ngập sâu từ 1-2m (Phương Điền 21 hộ, Phương Mỹ 247 hộ, Hương Thủy 100 hộ, Lộc Yên 100 hộ, Gia Phố 200 hộ, Phúc Đồng 3 hộ, Hà Linh 40 hộ, Hòa Hải 101 hộ). Huyện Vũ Quang còn 2 xã với 40 hộ bị ngập (Đức Bồng 25 hộ, Đức Hương 15 hộ); Cẩm Xuyên còn 3 xã bị ngập với 228 hộ ngập từ 0,5-1m (Cẩm Duệ 55 hộ, Cẩm Thạch 23 hộ, Cẩm Vịnh 150 hộ), 1 nhà dân ở Cẩm Minh bị sập đổ, các trục đường giao thông liên xã vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ và sông Rác vẫn đang ngập, gây ách tắc giao thông...

Trắng đêm chạy lũ

Chưa kịp khắc phục hậu quả trong đợt mưa lũ chỉ cách đó 2 tuần, người dân vùng “rốn lũ” huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) lại nháo nhào chạy lũ mới. Anh Phạm Văn Bảo, 41 tuổi, ngụ xóm 8, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, cho biết: “Đợt lũ lần trước, người dân đang tập trung ổn định, khôi phục sản xuất thì mưa lớn với lũ lại về. Đợt lũ này tuy nước không lên nhanh như lần trước nhưng từ tối 31/10 chúng tôi phải thức trắng đêm để di chuyển lợn, gà lên nhà bè tránh lũ. Các đồ dùng sinh hoạt được đưa lên gác xép để tránh bị ngập, nhiều gia đình trong xã có trâu, bò thấy nước lên cao suốt đêm phải di dời trâu, bò lên núi để tránh lũ”.

Công nhân Chi nhánh Điện lực Hương Khê (Hà Tĩnh) khiêng quan tài cụ Trần Thị Thuận, xã Hà Linh mất sáng 1/11 qua ngầm nước chảy xiết.

Có nhà ở ngay sát vách núi, mưa lớn trong đêm 31/10 khiến một lượng đất đá sạt lở đè sập một bức tường khiến gia đình anh Nguyễn Viết Minh, 45 tuổi, xã Hòa Hải đã phải dùng xẻng và xe rùa xúc đất suốt đêm. Anh Minh kể: “Hai vợ chồng đang thu dọn đồ đạc gác lên cao để tránh lũ thì ngọn núi phía sau nhà bị sạt lở, đất đá ập vào xô đổ bức tường của ngôi nhà. Cũng may là đất đá sạt ít, chứ sạt nhiều thì nguy to. Hai vợ chồng tôi phải xúc dọn lớp đất đá này ra ngoài sân từ đêm đến sáng mới xong”.

Nhà bị ngập hơn 1m nên vợ chồng cụ Nguyễn Văn Cừ (81 tuổi) Trần Thị Phúc (76 tuổi) ở xóm 7, xã Hà Linh (huyện Hương Khê) phải leo lên mái nhà sinh sống. Cụ Cừ cho biết: “Chỉ trong vòng hơn 10 ngày, chúng tôi phải 2 lần chạy lũ. Trận lũ trước vừa ra khỏi sân thì trận lũ mới lại ập vào nên hai vợ chồng phải ăn ở trên gác chạn hơn 1 tuần qua. Không biết đợt này bao giờ nước lũ mới rút”.

Theo lời cụ Cừ kể, vợ chồng cụ sinh được 7 người con thì 4 người đi làm ăn xa, 3 người lập gia đình ở gần nhà nhưng cũng bị nước lũ vào nhà nên hai cụ phải “tự lực cánh sinh”. Đợt lũ trước, do nước lên quá nhanh nên vợ chồng cụ Cừ bị nước lũ cuốn mất 50 con gà. Đợt này nước lũ lên chậm, cụ kịp đưa 50 con gà còn lại lên gác chạn sống chung với người. Sáng 1/11, khi nước lũ bắt đầu tràn vào nhà, cụ bà bị viêm khớp nên không thể một mình leo lên gác chạn được. Cụ ông phải leo lên thang trước rồi kéo vợ lên theo. Những ngày ở trên này, hai cụ nấu cơm ăn với chuối xanh và mì tôm cứu trợ”.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phương Điền cho biết, đến thời điểm này nước đã rút bớt, trên địa bàn chỉ còn 21 hộ bị ngập từ 1 - 2m. “Tại địa phương, những hộ ngập sâu thì di chuyển người và đồ đạc lên ở chung với hộ có nhà cao hơn. Có nhà tập trung 2 -3 hộ gia đình, cùng sẻ chia cho nhau qua từng bữa ăn” - ông Minh nói.

Ông Nguyễn Hồng Quân, Bí thư Đảng bộ xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê cho biết thêm: “Là xã nằm trong vùng rốn lũ của Hà Tĩnh, xã Phương Mỹ luôn nằm trong tình trạng báo động khẩn cấp khi có thông tin về lũ. Ngay từ ngày 31/10, chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê và các trường học trên địa bàn xã cho học sinh nghỉ học để tránh lũ; người già trẻ em đã được đưa đi sơ tán; trâu bò, vật nuôi của dân được tập trung lên vùng cao. Mưa lớn và hai trận lũ liên tiếp đã gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu và ảnh hưởng đến sản xuất của các hộ dân trong xã... Tuy nhiên, chính quyền và các đơn vị tham gia công tác phòng chống lụt bão luôn nỗ lực đảm bảo an toàn tính mạng người và tài sản cho nhân dân, hạn chế thiệt hại một cách tối đa nhất”.

NGỌC VƯỢNG-ANH TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh