THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:53

Hà Tĩnh: Hơn 42.500 lao động bị ảnh hưởng vì sự cố môi trường biển

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại buổi làm việc

 

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, sư cố môi trường biển do Formosa gây nên trong thời gian qua đã ảnh hưởng tới việc làm của hàng vạn lao động, thuộc 56 xã trong 6 huyện, thị xã ven biển của Hà Tĩnh. Cụ thể có 42.520 lao động bị mất việc làm, thất nghiệp hoặc giảm sút việc làm, trong  đó có 25.670 lao động trực tiếp làm nghề đánh bắt hải sản bị mất việc làm hoàn toàn hoặc giảm sút ngày công làm việc.

Thực hiện công văn số 72 của Bộ LĐ-TB&XH về việc thu thập thông tin hộ gia đình ảnh hưởng sự cố môi trường, làm cơ sở xây dựng Đề án xác định thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, chuyển đổi nghề cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, UBND  tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, Sở Tài chính Hà Tĩnh, các sở, ngành liên quan và các huyện thị xã bị ảnh hưởng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Qua đó, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thu thập thông tin về hộ gia đình bị ảnh hưởng sự cố môi trường đối với 100% hộ gia đình của 56 xã phường ven biển, với 59.136 hộ và 215.433 khẩu.

Tại buổi làm việc, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đề xuất 8 kiến nghị để Bộ LĐ-TB&XH tham mưu cho Chính phủ như: Nguồn kinh phí hỗ trợ đên bù; tính toán đền bù từ tiền đền bù của Formosa Hà Tĩnh, hỗ trợ thực hiện theo 7 nhóm đối tượng thống kê của Bộ LĐ-TB&XH; bổ sung nhóm lao động làm nghề đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản nước lợ, hậu cần nghề cá, nghề muối chuyển sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm được vay vốn ưu đãi; hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại với doanh nghiệp HTX, các cơ sở SXKD; hỗ trợ XKLĐ, ưu tiên tuyển chon lao động làm nghề đánh bắt hải sản tại Đài Loan, Hàn Quốc..; thời gian trợ cấp lương thực; hỗ trợ kinh phí cấp thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng vùng bị ảnh hưởng; miễn giảm học phí đối với học sinh và sinh viên con các hộ gia đình ảnh hưởng; đồng thời cho Hà Tĩnh gia hạn thời gian điều tra hộ gia đình. Theo đó, đến trước ngày 15/8 Hà Tĩnh sẽ nghiệm thu phiếu tại các phường, xã, nhập tin phiếu vào phần mềm của Bộ LĐ-TB&XH và Báo cáo lên Bộ LĐ-TB&XH, thay cho phải báo cáo trước Bộ LĐ-TB&XH trước ngày 10/8, để Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp trình Chính phủ trước ngày 15/8.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trình bày những kiến nghị đề xuất của địa phương với đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH 

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đánh giá rất cao vai trò chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh và những nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH Hà Tĩnh trong việc khắc phục hậu quả sự cố vừa qua, Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế mà Hà Tĩnh nói chung, ngành LĐ-TB&XH Hà Tĩnh nói riêng cần phải khắc phục, như chưa nhất quán trong việc thu thập thông tin; cách tiếp cận thông tin chưa sâu sát trên cơ sở dựa vào thu mức thu nhập bình quân của hộ dân trước khi xảy ra sự cố, sau khi xảy ra sự cố hay dựa theo tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo mà chỉ chủ yếu dựa theo hình phỏng vấn là chính…

Được biết, trước đó ngày 4/8 Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cùng đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình, về việc thu thập thông tin hộ gia đình ảnh hưởng sự cố môi trường tại địa phương này. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng cũng đánh giá rất cao những nổ lực của tỉnh Quảng Bình trong việc khắc phục khó khăn do sự cố môi trường biển gây ra.

Nguyễn Ngọc Vượng/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh