Hà Nội trồng phong lá đỏ trên phố gây tranh cãi
- Tây Y
- 19:07 - 15/01/2018
Cây phong lá đỏ được Hà Nội trồng thử nghiệm trên đường phố. (Ảnh: Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội).
Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, hiện nay, có hơn 100 cây phong lá đỏ đã được trồng tại tuyến phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội), bắt đầu từ ngã tư giao với đường Nguyễn Chánh đến chân cầu vượt Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.
Trước thông tin cây phong lá đỏ được trồng tại Hà Nội, rất nhiều người dân Thủ đô đã tỏ ra bất ngờ. Nhiều người bày tỏ sự phấn khích, tò mò bởi cây phong lá đỏ vốn là cây hàn đới, lá có màu sắc đẹp, ưa sống ở các nước có khí hậu lạnh thì nay lại được trồng giữa Thủ đô.
“Đi nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… hay các nước châu Âu thấy cây này rất đẹp. Tôi không kỳ vọng cây trồng ở Thủ đô sẽ đẹp như ở các nước nhưng chắc chắn mùa đông ở Thủ đô Hà Nội mà có cây này sẽ rất lãng mạn”, chị Nguyễn Thị Huyền, một người dân sống trên phố Nguyễn Chí Thanh chia sẻ.
Chị Ngọc (một người dân Hà Nội) phấn khích bày tỏ: “Những thành phố ở châu Âu vào mùa thu tràn ngập sắc đỏ của cây phong nhìn rất đẹp và lãng mạn. Việt Nam là xứ nhiệt đới, trước đây không trồng được cây này, giờ nhờ tiến bộ của khoa học lai tạo được để có thể trồng mà vẫn mang màu sắc thì đó là điều vô cùng tuyệt vời. Ngày xưa, muốn ngắm tôi còn phải vào mãi Đà Lạt, giờ thì Hà Nội cũng có, đó là điều rất đáng mừng”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến người dân lo lắng cho rằng, việc trồng phong lá đỏ ở dải phân cách đường là không phù hợp, gây cản trở giao thông. “Cây phong lá đỏ thường được trồng ở những con đường đi bộ vắng vẻ, không trồng ở những đường có mật độ giao thông cao như Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh… bởi mùa thu lá rụng nhiều sẽ ảnh hưởng tới giao thông. Hơn nữa, lá cây này to khi rụng xuống sẽ gây tắc cống”, chị Hạnh, người dân sống ở khu vực Láng Hạ lo lắng nói.
Những cây phong lá đỏ đang được công nhân trồng trên phố Trần Duy Hưng. (Ảnh: N.M).
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS.TS Lê Đình Khả - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp nhận định: "Cây phong lá đỏ sẽ phù hợp trồng ở khu vực không khí lạnh như Sa Pa, Đà Lạt hơn bởi đây là cây ưa lạnh, không chịu được nóng”.
Ông Khả cũng nhìn nhận, cây phong lá đỏ sẽ rụng lá gây cản trở giao thông nếu trồng ở dải phân cách đường. "Theo tôi sẽ phù hợp hơn nếu trồng ở công viên, vườn hoa. Chúng ta cũng phải đợi xem mùa hè cây phong này sẽ ra sao. Tôi nghĩ phải bơm tưới nước liên tục vì cây này không chịu được nóng, nghĩa là sẽ mất thời gian chăm sóc nhiều hơn các loại cây khác, không cẩn thận thì khó có thể sống được", ông Khả nhận định.
Tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh - mặt nước TP.Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị” do hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt tổ chức ngày 13/1, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, TP đang trồng cây phong lá đỏ trên phố Nguyễn Chí Thanh và Láng Hạ. Theo Chủ tịch UBND Hà Nội, với sự phát triển của ngành Công nghiệp cây xanh, một số giống cây ở vùng ôn đới có thể trồng được ở Việt Nam. “Khoảng 1 năm nữa, các quý vị có thể thấy chúng ta hoàn toàn có thể nhiệt đới hóa được cây phong này. Những cây phong vẫn đem màu sắc của cây phong châu Âu đến vùng nhiệt đới”, ông Chung nói. |