Hà Nội triển khai vé điện tử trên tuyến xe buýt nhanh từ 10/10
- Tây Y
- 17:05 - 05/10/2018
Khách sử dụng thẻ vé điện tử qua cổng kiểm soát để lên xe buýt nhanh BRT 01 Kim Mã-Yên Nghĩa. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Theo đó, Liên danh Viettel-Transerco đã đầu tư lắp đặt cổng kiểm soát ra vào, hệ thống camera giám sát, thiết bị bán vé và đường truyền internet tại 23 nhà chờ dọc tuyến; xây dựng phần mềm phát hành thẻ, nạp tiền, quản trị dữ liệu khách hàng tại Liên danh và Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, Sở Giao thông Vận tải.
Nhà ở Hà Đông nhưng làm việc tại một công ty tư nhân về sơn trên phố Giang Văn Minh, chị Phạm Thu Thủy cho biết, kể từ khi xe buýt BRT nhanh vận hành, chị thường xuyên chọn làm phương tiện đi lại do đi đúng giờ, có làn đường dành riêng nên rất tiện lợi. Vào các khung giờ cao điểm, rất đông hành khách chọn xe buýt đi lại.
Thừa nhận bản thân đang dùng vé tháng một tuyến, chị Thảo cho rằng, mỗi khi lên xe hành khách đều phải chìa thẻ cả mặt cho nhân viên cổng soát vé kiểm duyệt. Khi áp dụng thẻ vé điện tử, khách chỉ cần quẹt tại cửa kiểm soát là có thể dễ dàng leo chân lên xe.
“Các công đoạn được rút ngắn, khách không phải xếp hàng chờ mua vé mà chủ động hoàn toàn, không phải mất tiền mua vé và chờ trả lại tiền,” chị Thủy thành thật nói.
Ngồi trong nhà chờ đợi xe buýt nhanh tới, bác Nguyễn Quang Thành (Giảng Võ) cảm giác bỡ ngỡ khi lần đầu được dùng thẻ vé điện tử.
Bác Thành bảo, trước kia khi đi xe buýt chỉ cần vào mua vé là đi qua nhà chờ và lên xe. Giờ dùng thẻ vé phải quẹt. Do mới sử dụng thẻ vé điện tử, một số hành khách còn chưa biết cách quẹt mã QR để qua cửa nên phải nhờ đến sự giúp đỡ của nhân viên ở cổng kiểm soát đầu vào nhà chờ.Một nhân viên phụ xe buýt nhanh BRT 01 cho biết, việc áp dụng thẻ vé điện tử sẽ góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ, giảm tải công việc cho nhân viên xe buýt và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách. Tuy nhiên, để thực hiện việc này, hành khách vẫn còn khá bỡ ngỡ và gặp không ít những khó khăn trong việc áp dụng.
“Hành khách sẽ cần thời gian để thích ứng dần dần bởi cái gì mới cũng không dễ tiếp nhận, dù đó là xu hướng tất yếu, là văn minh, hiện đại,” nhân viên phụ xe buýt này chia sẻ.
Về chính sách giá vé, thành phố Hà Nội giữ nguyên chính sách giá vé hiện tại trong giai đoạn thí điểm.
Là đơn vị thực hiện thí điểm, ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Transerco cho rằng, khi thí điểm thẻ vé điện tử xe buýt sẽ giúp các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp quản lý doanh thu chính xác, đồng thời có con số thống kê chính xác nhu cầu và quy luật đi lại của người dân qua chuỗi thông tin báo về hệ thống, từ đó cơ quan Nhà nước và đơn vị vận tải có thể điều chỉnh kế hoạch phục vụ hành khách dễ dàng và thuận tiện nhất.
“Việc triển khai thí điểm cung cấp và ứng dụng hệ thống thiết bị thẻ vé điện tử liên thông cho tuyến buýt nhanh BRT và các tuyến buýt khác sẽ thay thế cho loại hình vé giấy hiện tại, thủ công và tốn chi phí in ấn, thời gian mua bán vé,” ông Nhật nhấn mạnh.
Dự kiến sau thời gian thí điểm, Hà Nội sẽ tổng kết đánh giá, hoàn thiện giải pháp công nghệ và trình phê duyệt dự án triển khai nhân rộng trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá.
Phạm vi thí điểm, vé điện tử sẽ áp dụng đối với khách vé lượt và khách sử dụng vé tháng 1 tuyến (khoảng 3.000 hành khách); riêng vé tháng liên tuyến vẫn sử dụng loại vé hiện nay, kèm theo phiếu ra vào cửa soát vé tự động.