Hà Nội: Tiếp tục hơn 99.000 trẻ từ 15-17 tuổi được tiêm vaccine Covid-19
- Y học 360
- 07:51 - 25/11/2021
Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến 18h ngày 24/11, tại 26 quận, huyện, thị xã đã tiêm được 99.639 mũi tiêm cho học sinh lớp 10, 11, 12. Như vậy, cộng dồn trong 2 ngày 23 và 24/11, thành phố đã triển khai tiêm được 133.257 mũi tiêm cho trẻ. Hiện chỉ còn 4 quận, huyện chưa tiêm cho trẻ là Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và Thạch Thất.
Trước đó, chiều 22/11, Sở Y tế Hà Nội đã phân bổ 304.140 liều vaccine Pfizer cho 30 quận, huyện, thị xã. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, thành phố triển khai tiêm cho hơn 300 nghìn học sinh từ 15 đến 17 tuổi của 286 trường trung học phổ thông, liên cấp, dạy nghề và giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
Đợt tiêm này diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/11; tiêm vét vào ngày 25/11. Theo kế hoạch, trong quý IV/2021 và quý I/2022, Hà Nội sẽ triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ trẻ từ 12 đến 17 tuổi (bao gồm trẻ đi học tại các trường đóng trên địa bàn thành phố và trẻ không đi học, sinh sống tại Hà Nội) có chỉ định sử dụng vaccine của nhà sản xuất và Bộ Y tế.
Dự kiến, 791.921 trẻ được tiêm, trong đó có 519.547 trẻ từ 12 đến dưới 16 tuổi và 272.374 trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi. Tính đến chiều 24/11, cả nước đã có gần 30 tỉnh, thành phố triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ.
Qua theo dõi sức khỏe sau tiêm, trong ngày 23/11, toàn thành phố ghi nhận 6 trường hợp các phản ứng phụ như buồn nôn, ớn lạnh, sốt dưới 39 độ. Đây đều là các phản ứng phụ thông thường có thể xảy ra sau khi tiêm vaccine Pfizer.
Theo PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng ban điều hành chương trình Tiêm chủng mở rộng, vaccine Pfizer sử dụng cho trẻ em có liều lượng giống của người lớn, cũng tiêm theo đường bắp tay.
Tham khảo tài liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như ghi nhận từ nhà sản xuất và một số nước đã, đang triển khai tiêm chủng cho thấy, các phản ứng có thể gặp ở trẻ tương tự người lớn.
Cụ thể, phản ứng rất phổ biến là đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng đỏ tại vị trí tiêm. Lưu ý, ở mũi thứ hai sau khi tiêm, trẻ thường có phản ứng nhiều hơn mũi thứ nhất.
Một số phản ứng thường gặp khác (tỷ lệ từ 1/100 đến dưới 1/10 trường hợp) là buồn nôn, mẩn đỏ tại chỗ tiêm. Các phản ứng không phổ biến (từ 1/1.000 đến dưới 1/100 trường hợp): Mất ngủ, đau tứ chi, ngứa chỗ tiêm, nổi hạch.
Tỷ lệ rất hiếm gặp (tỷ lệ 1/10.000 đến dưới 1/1.000 trường hợp) là liệt mặt ngoại biên cấp tính. Một biến chứng khác cũng rất hiếm gặp đã được ghi nhận tại 1 số quốc gia là viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim.
“Sau tiêm, trẻ sẽ được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút, tiếp tục theo dõi 28 ngày tại gia đình (đặc biệt là 7 ngày đầu sau tiêm). Trong 3 ngày đầu, trẻ phải có gia đình, bố mẹ và người giám hộ luôn bên cạnh để hỗ trợ, theo dõi tình hình sức khỏe”, PGS Dương Thị Hồng nhấn mạnh.