CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:11

Hà Nội thêm ca tử vong do sốt xuất huyết

Theo báo Đại đoàn kết dẫn thông tin từ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vừa ghi nhận thêm 1 bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết (SXH). Đây là ca tử vong thứ hai do bệnh này tại Hà Nội, trong vòng một tháng qua.

Cụ thể, bệnh nhân 57 tuổi, trú ở phố Nguyễn Thiện Thuật, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trước khi đến BV Bạch Mai cấp cứu và được chẩn đoán mắc SXH, bệnh nhân đã sốt 5 ngày, tự mua thuốc về điều trị.

Tại thời điểm nhập viện và phát hiện sốt xuất huyết, người bệnh đã suy gan thận. Các bác sĩ ngay lập tức tiến hành lọc máu, hồi sức tích cực. Tuy nhiên bệnh nhân không qua khỏi do tình trạng quá nặng. Chẩn đoán khi tử vong: sốc nhiễm khuẩn/rối loạn đông máu - sốc Dengue/ngộ độc paracetamol.

Vnexpress cũng đưa tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phối hợp Bệnh viện Bạch Mai điều tra thông tin dịch tễ. Sáng 2/9 Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm đã khoanh vùng, vệ sinh môi trường, phun hóa chất khử khuẩn tại khu vực bệnh nhân sinh sống.

Đây là ca thứ hai tử vong do sốt xuất huyết ở Hà Nội gần đây. Ca đầu tiên là thiếu niên 17 tuổi, ở Nam Từ Liêm, sốt xuất huyết, sốc truyền dịch tại nhà, bị ngừng tim 30 phút. Cả hai bệnh nhân đều đến bệnh viện muộn, tình trạng nặng.

Chuyên gia của CDC cảnh báo hiện là mùa cao điểm của sốt xuất huyết, người dân cần phòng, tránh muỗi đốt, ngủ màn, dọn vệ sinh nơi ở, diệt loăng quăng, bọ gậy.

Hà Nội thêm ca tử vong do sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố ghi nhận 1.574 trường hợp mắc SXH. So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc giảm 1.612 trường hợp (cùng kỳ năm 2019 ghi nhận 3.186 trường hợp).

Đối với bệnh nhân bị SXH nhẹ thường có dấu hiệu như sốt cao liên tục 39 - 40 độ C trong khoảng 2 - 3 ngày hoặc kéo dài hơn. Bệnh nhân có hiện tượng đau đầu dữ dội vùng trán, sau đầu; trên cơ thể xuất hiện những nốt phát ban và mẩn đỏ. 

Người bị bệnh nặng vẫn bao gồm các triệu chứng trên và kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen do bị xuất huyết nội tạng. Bệnh nhân đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp). 

Vì vậy, những người bị SXH cần phải đưa đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Đồng thời, tuyệt đối không điều trị tại nhà

Về tình hình diễn biến của bệnh, ở giai đoan 1 vì triệu chứng điển hình của bệnh này là sốt cao rất giống với các loại sốt virus thông thường, đặc biệt là ở giai đoạn 1 khi người bệnh mới bị mắc nên đa số mọi người thường chủ quan và chỉ điều trị tại nhà. Các biểu hiện của bệnh ở giai đoạn này đó là sốt cao 39 - 40 độ C liên tục, khó giảm và hay bị đau đầu. Người bệnh cần làm các xét nghiệm cần thiết nhằm phát hiện sớm, tư vấn và điều trị.

Ở giai đoạn 2 của bệnh, đây là giai đoạn nguy hiểm, với các triệu chứng nặng như trên, bắt đầu xuất huyết nội tạng, nôn mửa, mất máu, thần kinh yếu và bị choáng, sốt li bì, mê sảng. Thời điểm này người bệnh cần được cấp cứu kịp thời và làm xét nghiệm tiểu cầu. Khi đã vượt qua giai đoạn 2 sang giai đoan 3 thì đây là thời điểm hồi phục. Các triệu chứng về xuất huyết mất dần, thể trạng khỏe mạnh lên, tiểu cầu tăng và tiêu hóa ổn định trở lại bình thường.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh