CHỦ NHẬT, NGÀY 08 THÁNG 09 NĂM 2024 08:43

Hà Nội quết liệt thực hiện nhiệm vụ triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Mô hình Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà của phường Trúc Bạch, quận Ba Đình

Mô hình "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà" của phường Trúc Bạch, quận Ba Đình

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3822/UBND-KSTTHC, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP và hướng dẫn của các bộ, ngành, Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành ứng dụng nền tảng Căn cước công dân gắn chíp trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Trong đó, ứng dụng, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay thế cho việc xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Trong lĩnh vực Y tế, Thành phố hiện đã có 4.734.188 người có thẻ BHYT được đồng bộ, xác thực dữ liệu với CCCD, có thể sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh; có 586 cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh; 237.177 lượt công dân sử dụng CCCD để tra cứu khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Tính đến ngày 30/5/2023, toàn Thành phố đã thu nhận 6.823.206 hồ sơ cấp CCCD gắn chíp đối với các trường hợp công dân trong độ tuổi quy định, đã nhận và trả 6.213.024 thẻ CCCD cho người dân. Thu nhận 4.573.108/6.220.864 hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử, đạt 73,5% so với chỉ tiêu, trong đó toàn Thành phố đã kích hoạt 1.993.785 tài khoản định danh mức 1 và mức 2. Tiếp tục duy trì, thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, đã rà soát, làm sạch 3 cấp đổi với gần 8 triệu thông tin công dân (đạt tỷ lệ 99,5%).

Thông qua thẻ Căn cước công dân gắn chip và các dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các lực lượng chức năng của Thành phố đã ứng dụng để mang lại nhiều giá trị thiết thực trong đời sống, xã hội, như: Thực hiện các giao dịch online; tích hợp các giấy tờ thay cho bản giấy, kiến nghị phản ánh về an ninh trật tự, khai báo lưu trú, khai báo y tế, di chuyển nội địa, đăng ký tiêm chủng...

Đến nay, Thành phố đã triển khai thực hiện việc cấp chữ ký số công cộng miễn phí cho người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Tính đến 20/4/2023, có 4 nhà mạng (VNPT, Viettel, FPT và BKAV đã thực hiện cấp 2.485 chữ ký số cho công dân) và tiếp tục thực hiện tại các đơn vị trên toàn địa bàn Thành phố.

Hiện Thành phố Hà Nội đã có 09/30 quận, huyện, thị xã đã số hóa sổ hộ tịch với tổng số 2.807.605 trường hợp.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ trong thời gian tới, Thành phố kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các bộ ngành liên quan tăng cường các đầu mối hỗ trợ kỹ thuật, nghiệp vụ để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, không làm ảnh hưởng tới tiến độ giải quyết thủ tục hành chính của công dân; kịp thời có các điều chỉnh cả về kỹ thuật và quy định để đảm bảo việc thực hiện thống nhất, không bị “vênh” giữa việc xử lý theo quy định và điều chỉnh Hệ thống điện tử.

QUÝ ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh