Hà Nội: Phát động chiến dịch vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh mùa Hè
- Sức khỏe
- 13:30 - 19/03/2018
Môi trường ô nhiễm- điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh
Tại lễ phát động, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển gây dịch. Hà Nội là đô thị lớn, mật độ dân số cao, là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế, vì vậy dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Những năm qua, một số bệnh dịch lưu hành có xu hướng gia tăng như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, sởi…, đồng thời, các dịch bệnh mới nổi như: Mers-CoV, Ebola, bệnh do vi rút Zika tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 59 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số mắc giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ ghi nhận 382 ca), tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch luôn hiện hữu, đó là: Tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng, mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ....Theo dự báo, thời tiết mùa hè năm 2018 tiếp tục diễn biến bất thường, nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh như sởi, ho gà, tay chân miệng, viêm não Nhật bản… bùng phát. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2018, Hà Nội đã tập trung triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống sốt xuất huyết nói riêng và các dịch bệnh mùa Hè nói chung.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Qúy, nhấn mạnh, năm 2017, dịch sốt xuất huyết xảy ra ở 63/63 tỉnh, thành phố với số mắc tăng cao, trong đó, Thủ đô Hà Nội ghi nhận số mắc tăng cao so với các năm gần đây với hơn 37.000 ca mắc, trong đó, có 7 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đoàn thể xã hội và nhân dân, dịch bệnh sốt xuất huyết đã được khống chế. Từ thực tế triển khai công tác phòng chống dịch trong thời gian vừa qua cũng cho thấy còn một số tồn tại như: công tác dự báo dịch còn chưa thực sự tốt; công tác truyền thông ở một số thời điểm chưa thực sự đến được với người dân, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại một số địa phương, đơn vị còn thiếu quyết liệt, một bộ phận người dân còn chủ quan với dịch bệnh.
Đoàn thanh niên tham gia chiến dịch vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh
Vệ sịnh sinh môi trường hàng tuần, tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em
Để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu, các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Kế hoạch phòng chống dịch bệnh mùa Xuân Hè và Lễ hội năm 2018; Triển khai đồng bộ các biện pháp với sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở. Đẩy mạnh truyền thông năng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, chú trọng truyền thông nguy cơ, truyền thông trực tiếp. Đồng thời, tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường; duy trì hoạt động vệ sinh môi trường hàng tuần, chủ động phòng chống dịch bệnh tại các xã, phường trọng điểm ngay trong những ngày đầu năm. Cùng với đó, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tiêm chủng các loại vắc xin khác trong tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch của chương trình tiêm chủng mở rộng; duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi.
Bên cạnh đó, ông Ngô Văn Quý cũng yêu cầu giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao, duy trì mạng lưới cộng tác viên ở các xã, phường trọng điểm về dịch bệnh, với mục tiêu phát hiện sớm, xử lý dịch kịp thời không để dịch lan rộng, giảm số mắc và tử vong do một số bệnh truyền nhiễm lưu hành. Sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với những dịch bệnh mới nổi, xâm nhập nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế, văn hóa xã hội. Đảm bảo đủ kinh phí, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch. Thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân hạn chế thấp nhất tử vong… Đồng thời, tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch như: truyền thông, chia sẻ thông tin, tổ chức triển khai các hoạt động chủ động phòng chống dịch, kiểm tra, giám sát hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương. UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Những điều cần biết để bảo vệ sức khỏe khi tập luyện ngoài trời
Tập thể dục mùa hè nhưng cũng đừng quên bảo vệ mình khỏi nắng nóng nhé. Uống đủ nước, chọn thời điểm mát mẻ, mặc đồ thoáng mát, bôi kem chống nắng, lắng nghe cơ thể và điều...
3 tháng trước
Tin nên đọc