THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:15

Hà Nội: Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7-7,5%

Vượt khó, hoàn thành 16/23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Theo tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển năm 2022, năm 2021, thành phố thực hiện khối lượng lớn công việc. Cùng với việc phục vụ góp phần tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; ban hành, triển khai thực hiện các văn bản của cả nhiệm kỳ: Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố; Kế hoạch hành động thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công 5 năm (2021-2025)..., thành phố cũng đã thực hiện nghiêm chủ đề năm 2021: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô, trong bối cảnh khó khăn vì dịch Covid-19, bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội vẫn có những điểm sáng.

Thành phố đã hoàn thành 16/23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Cùng với đó, Hà Nội cũng đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, tổ chức, doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và hiện nay đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Đáng chú ý, thành phố đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước; hoàn thành vượt 2,7% so với - dự toán thu ngân sách trung ương giao; bảo đảm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch Covid-19, chi hỗ trợ người lao động và đối tượng sử dụng lao động, chi bảo đảm an sinh xã hội. Ngành Nông nghiệp duy trì tăng trưởng khá, tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế; ngành Công nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, tăng trưởng được phục hồi.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, thành phố vẫn bảo đảm được an ninh chính trị, trật tự xã hội; duy trì được trật tự giao thông, trật tự và cảnh quan đô thị; cung ứng các dịch vụ đô thị và nhu cầu thiết yếu cho người dân... Các chính sách an sinh xã hội cũng được bảo đảm, huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng trong công tác chăm lo cho gia đình chính sách và hỗ trợ kịp thời người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tuy nhiên, Ban Cán sự đảng UBND thành phố cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Đó là việc trong lĩnh vực kinh tế, có 4 chỉ tiêu chủ yếu không đạt kế hoạch. Cụ thể, GRDP chỉ tăng 2,35-3% (kế hoạch là 7,5%; cả nước ước tăng 3-3,5%; thành phố Hồ Chí Minh ước giảm 5%); GRDP/người đạt 129 triệu đồng (kế hoạch là 135 triệu đồng/người/năm); vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giảm 0,52% (kế hoạch tăng 12%); kim ngạch xuất khẩu giảm 1,2% (kế hoạch tăng 5%).

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao bị hoãn hoặc dừng tổ chức. Tỷ lệ lao động qua đào tạo không đạt kế hoạch (đạt 71%, kế hoạch là đạt 71,5%)… Thành phố cũng chưa hoàn thành phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống. Tình trạng dự án chậm giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ, nhà đầu tư chậm hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng để triển khai dự án, đưa đất vào sử dụng vẫn còn tồn tại…

Ưu tiên nguồn lực cho các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục

Giải trình về các vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, trong kế hoạch năm 2022, thành phố sẽ ưu tiên dành nguồn lực nhiều hơn cho các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục. Đặc biệt, trong lĩnh vực văn hóa sẽ tập trung tu bổ các di tích lịch sử. Thành phố cũng ưu tiên giao cho các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư các dự án; tiếp tục triển khai đẩy nhanh các dự án trọng điểm, trong đó có dự án đường sắt đô thị, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.

Đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, thành phố sẽ làm rõ hơn những giải pháp gắn với công tác phòng, chống dịch, bao gồm cả vấn đề biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2.

Làm rõ thêm về chỉ tiêu tăng trưởng từ 7-7,5% trong năm 2022, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, đây là chỉ tiêu cao, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của cả thành phố. Mặc dù vậy, chỉ tiêu này đã được tính toán trên cơ sở khoa học, nhất là khi Hà Nội là một trong những trung tâm kinh tế lớn cả nước.  

Đồng chí Chu Ngọc Anh cũng cho biết, trong năm 2022, thành phố sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để tạo bước đột phá về chuyển đổi số, kinh tế số. Thành phố cũng sẽ tập trung cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, tập trung phòng, chống dịch bệnh, đầu tư cho y tế cơ sở. Về an sinh xã hội, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ người lao động, sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, sẽ phát triển thông tin truyền thông, thương mại điện tử, tái cơ cấu nông nghiệp…

Phát biểu kết luận tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2021. Đồng chí cũng tin tưởng, với truyền thống đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bản lĩnh, chủ động, sáng tạo, thành phố Hà Nội sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021, tạo nền tảng quan trọng để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh