Hà Nội nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính
- Tây Y
- 13:54 - 29/07/2018
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô là yêu cầu tất yếu, khách quan
An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt
Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết với việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội thì toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) hợp nhất vào Hà Nội, sự kiện này đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển thủ đô.
"Quyết định đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước và Quốc hội vào thời điểm đó đã tạo nên một diện mạo mới cho thủ đô hôm nay, tạo thế và lực cho thủ đô của nước ta phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII đã đặt một dấu mốc lịch sử, mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội, không gian để thủ đô phát triển", Chủ tịch UBND Hà Nội nhấn mạnh.
Trong 10 năm 2008 - 2018, kinh tế Hà Nội tăng trưởng bình quân 7,41%/năm, gấp gần 1,3 lần mức tăng bình quân chung cả nước là 6%; Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2017 đạt 519.568 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với năm 2008; GRDP bình quân đầu người theo đó tăng lên, năm 2017 đạt 86 triệu đồng (khoảng 3.910 USD/người), gấp 2,3 lần so với 1.697 USD/người vào năm 2008. Đặc biệt, thu nhập của người nông dân đã tăng từ 13 triệu lên 38 triệu đồng/người/năm (khoảng 2,92 lần)...
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ Kỷ niệm
Tổng mức bán lẻ tăng từ 132.837 tỷ lên 288.955 tỷ đồng (2,18 lần); Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6,9 tỷ USD lên 11,78 tỷ USD (1,7 lần). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục được phát triển.
Khách quốc tế từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng xấp xỉ 4 lần). Thị phần khách quốc tế tăng lên chiếm xấp xỉ 40% lượng khách cả nước. Hà Nội tiếp tục khẳng định là trung tâm du lịch, là nguồn phân phối du khách lớn của khu vực phía Bắc, cầu nối đưa khách du lịch trong ASEAN và các nước trong khu vực.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khả quan, đặc biệt nhờ cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, 7 tháng đầu năm 2018, Hà Nội vươn lên dẫn đầu cả nước về FDI. Số DN trên địa bàn không ngừng tăng lên. Tín dụng tăng trưởng tốt, bình quân hàng năm đạt khoảng 21,7%. Thu ngân sách giai đoạn 2008 - 2017 liên tục đạt và vượt dự toán, bình quân hàng năm tăng 12,69%/năm. Năm 2017, thu ngân sách ước thực hiện 212.276 tỷ đồng, gấp 2,93 lần năm 2008. Cân đối ngân sách luôn đảm bảo theo dự toán T.Ư và HĐND TP giao, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Các chính sách, an sinh xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội đã giảm từ 8,43% đầu năm 2009 xuống còn 1,69% cuối năm 2017; hiện nay trên địa bàn không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội của thủ đô sau 10 năm mở rộng
10 năm qua hạ tầng kỹ thuật của thành phố được đầu tư rất mạnh, bộ mặt đô thị, nông thôn đã có nhiều thay đổi, tạo diện mạo mới cho Thủ đô. Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành: Văn Quán, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh về phía Tây; Việt Hưng, Vinhomes Riverside về phía Đông; Linh Đàm, Garmuda về phía Nam; Ciputra ở phía Bắc… cùng với các khu đô thị mới trong vành đai 3 như Royal City, Times City, Trung hòa Nhân Chính… Các công trình giao thông, dự án trọng điểm được đẩy nhanh. Bên cạnh đó, hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến nay đạt 76,17% - dẫn đầu cả nước, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Những kết quả trên đã tiếp tục khẳng định Hà Nội có vị trí đầu tàu, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng với kinh tế cả nước.
Phát huy thế mạnh của Thủ đô để phát triển ổn định và bền vững
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định để thực hiện được mục tiêu phát triển Hà Nội lâu dài, bền vững, thì việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô là một yêu cầu tất yếu, khách quan.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết số 15 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp Hà Nội có thêm không gian quy hoạch phát triển một thủ đô văn minh, hiện đại, với tầm nhìn không chỉ 20 - 30 năm mà còn dài hơn nữa. Tiềm năng đất đai, nguồn nhân lực sau khi địa giới hành chính Thủ đô được mở rộng sẽ tạo điều kiện để Hà Nội phát triển cả về không gian kinh tế, hệ thống kết cấu hạ tầng, kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, cùng với hàng ngàn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các địa phương sẽ góp phần khẳng định vị thế trung tâm của Thủ đô, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh hơn, toàn diện và hiệu quả hơn của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Việc mở rộng địa giới hành chính cũng giúp Thủ đô Hà Nội gắn với không gian rừng núi trung du Tây Bắc, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai xây dựng thế trận vững chắc về quốc phòng, an ninh... đem lại thế và lực mới cho Thủ đô phát triển bền vững, ổn định, lâu dài.Để xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp của Thành phố, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng bậc nhất của các nhiệm kỳ Đảng bộ, chính quyền Thành phố. Kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác trong cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu... củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ.
Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, bảo đảm kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, tiếp tục có đóng góp quan trọng vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của đất nước.
Thành phố cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển, khắc phục những hạn chế của việc quy hoạch manh mún, không toàn diện và thiếu tính ổn định. Huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Nâng cao năng lực quản lý đô thị cùng với việc chăm lo xây dựng nông thôn mới, từng bước giải quyết sự phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn, giữa các khu vực, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội
Đồng thời, cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ, văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.
"Nhìn lại những kết quả và thành tựu đạt được trong 10 năm qua, tôi tin tưởng rằng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô sẽ được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm làm nên nhiều kết quả và thành tựu trên chặng đường phát triển mới, xây dựng Thủ đô Hà Nội - Thăng Long nghìn năm văn hiến ngày càng văn minh, giàu đẹp, hiện đại, xứng đáng là Thành phố vì hòa bình, Thủ đô Anh hùng của cả nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.