CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:06

Hà Nội: Lên phương án xây dựng một số trạm rửa xe tự động

Lao động thủ đô đưa tin, theo số liệu từ nhiều trạm quan trắc tự động trên địa bàn Thành phố, từ trung tuần tháng 9 đến đầu tháng 10/2019, chất lượng không khí Hà Nội nhiều ngày ở mức kém, có những ngày nồng độ bụi mịn PM2.5 đều có xu hướng tăng. Thành phố Hà Nội cũng đã chỉ ra 12 tác động chính ảnh hưởng đến môi trường của Thủ đô và triển khai các biện pháp để cải thiện chất lượng không khí.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường nói chung, không khí nói riêng. Từ năm 2017, Hà Nội đã lắp đặt 10 trạm quan trắc môi trường không khí trên địa bàn (trong đó có 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến).

Hà Nội: Lên phương án xây dựng một số trạm rửa xe tự động - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Hiện 10 trạm quan trắc này đều đang hoạt động ổn định, truyền dữ liệu về Trung tâm điều hành dữ liệu đặt tại Chi cục bảo vệ môi trường, số liệu vẫn được thu thập hàng ngày và công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí tại các điểm đo, cập nhật 24 giờ trên Cổng thông tin điện tử của Thành phố cũng như của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố.

Thành phố xây dựng dự án hệ thống mạng quan trắc môi trường với quy mô đầu tư mới 33 trạm quan trắc không khí tự động (trong đó 20 trạm cố định, 12 trạm cảm biến, 1 xe quan trắc lưu động).

Hà Nội cũng tập trung đưa cơ giới hóa, tăng tần suất công tác quét rác, hút bụi hàng ngày trên các tuyến đường của Thành phố, tăng cường công tác thu gom rác thải sinh hoạt. Triển khai xử lý rác thải rắn xây dựng bằng công nghệ nghiền, tái chế hiện đại, đẩy mạnh công tác đầu tư các bãi phế thải xây dựng tập trung.

Cùng với đó, Thành phố triển khai xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước các ao, hồ nội ngoại thành Hà Nội; quản lý vận hành ổn định có hiệu quả các nhà máy xử lý nước thải tập trung, triển khai đầu tư một số nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện; phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng. Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch trồng hơn 1 triệu cây xanh và tiếp tục trồng bổ sung thêm 600.000 cây xanh trong giai đoạn 2019 -2020.

Trả lời Vnexpress, ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, việc cải thiện chất lượng không khí phải là một quá trình lâu dài, bền bỉ. "Bắc Kinh (Trung Quốc) mất nhiều năm để nỗ lực thoát nhóm ô nhiễm nhất thế giới. Các đô thị khác không thể mong muốn hôm nay làm, ngày mai không khí đã tốt ngay được", ông nói.

Vị chuyên gia này khuyên Hà Nội nên đặt ra các mục tiêu cho từng nguồn phát thải cụ thể. Với nguồn phát nội đô, Hà Nội cần đề ra chính sách kiểm soát khí thải xe máy, tăng cường giao thông công cộng và xe bus dùng nhiên liệu sạch.

"Với nguồn phát từ các nhà máy nhiệt điện, xi măng, sắt thép ở các tỉnh, thành lân cận thì Hà Nội cần phối hợp với các địa phương đó và Bộ Công thương để có phương án quản lý", ông Tùng nói.

PGS.TS Lê Thị Trinh - Trưởng khoa Môi trường (Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho rằng, ô nhiễm không khí ở thủ đô chủ yếu do bụi từ nguồn phát thải dân sinh, phương tiện giao thông và hoạt động xây dựng các công trình.

Theo bà Trinh, ô nhiễm trở nên trầm trọng do vào thời gian này hằng năm thường xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt, kết hợp với mật độ cao các công trình bê tông khiến cho các thành phần ô nhiễm trong không khí không khuếch tán được lên cao.

"Chúng ta không thể ngay lập tức giảm số lượng phương tiện giao thông hay cấm các công trình xây dựng. Biện pháp cần thiết là cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý nghiêm để ngăn cản việc phát tán của bụi như yêu cầu quây kín các công trình xây dựng, tưới rửa thu dọn đất ở mặt đường thường xuyên để không phát tán bụi lên không khí", bà Trinh nói.

PV (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh